Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Cô Láng Giềng



Cô láng giềng- nhạc Hoàng Quý

Hôm nay trời xuân bao tươi sáng.
Dừng gót phiêu linh về thăm nhà.
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười.

Tôi mơ trời xuân đôi môi thắm.
Đôi mắt trong đen màu hạt huyền,
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
Xao xuyến nỗi niềm yêu...

Cô láng giềng ơi!
Không biết cô còn nhớ đến tôi.
Đếm phút êm đềm ngày xưa kia khi còn ngây thơ.

Cô láng giềng ơi!
Nay bóng hoa bên thềm
đã thắm rồi.
Chân bước vui trên bờ đường quê.
Em có hay cho giờ tôi về...

Năm xưa khi tôi bước chân ra đi.
Đôi ta cùng đứng bên hàng tường Vi.
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi.
Đừng nói đến phân ly.

Cô láng giềng ơi!
Nay bóng hoa bên thềm
đã thắm rồi.
Chân bước vui trên bờ đường quê.
Em có hay chăng giờ tôi về...

Trước ngõ vào sân vang tiếng pháo.
Chân bước phân vân lòng ngập ngừng.
Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao.
Tôi biết người ta đón em tưng bừng.

Tan mơ trời xuân đôi môi thắm.
Đôi mắt trong đen màu hạt huyền.
Làn tóc mây chiều cùng
gió ngàn dâng sóng.
Tan vỡ cuộc tình duyên...

Cô láng giềng ơi!
Thôi thế không còn nhớ đến tôi.
Đến phút êm đềm ngày xưa kia.
Khi còn ngây thơ.

Cô láng giềng ơi!
Thôi thế tơ duyên đành đã lỡ rồi.
Chân bước xa xa dần miền quê.
Ai biết cho bao giờ tôi về...

Hoàng Quý (1920 - 1946), nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng, là một trong những gương mặt tiên phong của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của nhạc phẩm Cô láng giềng bất hủ.
Hoàng Quý sinh năm 1920 tại Hải Phòng, ông là anh trai của Hoàng Phú, tức nhạc sĩ Tô Vũ. Theo Phạm Duy, Hoàng Quý từng là học trò của Lê Thương tại trường Trung học Lê Lợi ở Hải Phòng vào cuối thập niên 1930. Hoàng Quý theo học nữ giáo sư âm nhạc Leperète dạy nhạc ở các trường trung học ở Hải Phòng. Nhờ có năng khiếu và ham học, Hoàng Quý tiếp thu âm nhạc khá tốt, chỉ một thời gian sau trở thành giáo viên dạy nhạc của trường Bonnal.


Cô láng giềng ra đời khoảng năm 1942-1943. Lúc đó Hoàng Quý rời Hải Phòng lên Sơn Tây để đến làm thư ký cho một trang trại nuôi bò. Chuyến ra đi đó ông đã phải chia tay với "bóng hồng" của mình. Khoảng 6 tháng sau, ông không làm việc ở Sơn Tây nữa và trước khi trở về Hải Phòng ông ghé thăm người em Hoàng Phú đang ở tại Hà Nội. Chính trong dịp này nhạc sĩ Hoàng Quý đã cho người em mình xem bài hát Cô láng giềng của ông.

Hôm nay trời xuân bao tươi thắm
Dừng gót phiêu linh về thăm nhà
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười

Tôi mơ trời xuân bao tươi thắm
Đôi mắt trong đen màu hạt huyền
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
Xao xuyến nỗi niềm yêu...

Nhạc sĩ Tô Vũ kể lại: "Với Cô láng giềng, anh tôi chỉ sáng tác lời 1. Đó là những vần thơ đầy lạc quan, phấn khởi khi chia tay người yêu và hy vọng một ngày trở về gặp nhau trong vui mừng. Còn lời 2 là do tôi sáng tác thêm, đó là cảnh chàng trở về, ngày có một đám cưới làng quê tưng bừng rộn rã của chính người yêu, và chàng buồn tình lặng lẽ ra đi... Thật ra lời 2 này không phải là tâm tư của Hoàng Quý mà do tôi hư cấu và Hoàng Quý đã đồng ý, xem như là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là sự miêu tả một mối tình có thật, vì thực tế Hoàng Quý không có một bi kịch về tình yêu như nội dung của lời 2:

Trước ngõ vào thôn vang tiếng pháo
Chân bước phân vân lòng ngập ngừng
Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao
Tôi biết người ta đón em tưng bừng...

Đành lòng nay tôi bước chân ra đi
Giơ tay buồn hái bông hồng tường vi
Ghi chút tình em nói chờ đợi tôi
Đừng nói tới phân ly.

Cô láng giềng ơi
Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi
Chân bước xa xa dần miền quê
Ai biết cho bao giờ tôi về.

Hoàng Quý tham gia Việt Minh sớm, trong cao trào kháng Nhật cứu nước, nhà Hoàng Quý là cơ sở của một số người Việt Minh hoạt động bí mật ở Kiến An, Hải Phòng. Tháng 5 1944 Hoàng Quý viết bài Cảm tử quân, Sa trường hành khúc và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 10 1945, Tiếng gọi non sông ra đời, mặc dù lúc này sức khỏe đã giảm sút nhiều. Đầu năm 1946, bệnh tình của ông ngày một nặng, nhưng Hoàng Quý vẫn tham gia các cuộc biểu tình, mít tinh ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh, phản đối Việt Quốc, Việt Cách.

Hoàng Quý qua đời ngày 26 tháng 6 1946 vì một chứng bệnh nan y tại Hải Phòng, lúc 26 tuổi, khi tài năng của ông đang độ phát triển.

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

10 đầu đĩa than giá bình dân đến 'cắt cổ'

Nếu đam mê thú chơi âm thanh hoài cổ này, bạn có thể tìm kiếm các mẫu tính ra chỉ vài triệu đồng đến 4-5 tỷ đồng.

Pro-ject Debut MkIII có giá tham khảo tại Anh là 240 bảng (6,8 triệu đồng). Đây là mẫu máy hợp lý để bắt đầu cuộc chơi âm thanh này bởi khá dễ dùng, chơi được các bản ghi mới và cổ. Ở mức tiền này, MkIII là một trong những sản phẩm cho âm thanh tuyệt diệu nhất.

Townshend Audio Rock 7 ở mức giá 1.500 bảng (42 triệu đồng) là một bước chuyển dịch lớn từ Debut III, có xuất xứ từ Anh, mang lại âm thanh tuyệt hảo và sẽ khiến bạn luôn muốn nhảy dưới ánh nến lung linh.

Clearaudio Performance Black Pearl nhỉnh giá hơn, ở mức 1.940 bảng (55 triệu đồng), có một mâm đỡ từ tính làm cho đĩa xoay giữa không trung, không gây ra sự cọ xát ảnh hưởng đến âm thanh.


Wilson Benesch Full Circle có giá tham khảo 2.150 bảng (61 triệu đồng), dù mất đến một giờ để lắp đặt nhưng sau đó sẽ không phải chỉnh gì nữa.


Thorens Acrylic Series TD2030 được thiết kế để loại bỏ sự cộng hưởng không mong muốn bằng một mâm nhôm rất nặng và chân đế chống rung. Nhìn từ bên hông, phần giá này có màu trắng nhưng nhìn từ trên xuống lại có màu xanh dương. Giá tham khảo: 2.226 bảng (63 triệu đồng).


Lumley Heliosphere trông khá giống Rock 7. Thiết bị có phần xoay đĩa sâu 74 mm nhưng không đi kèm với tay cần đọc đĩa, khiến bạn phải đầu tư thêm ngoài mức giá 2.495 bảng (70,5 triệu đồng).


EAT Forte cũng được thiết kế để giảm thiểu sự cộng hưởng không mong muốn với đế kim loại đựng đầy cát và một mô tơ riêng rẽ. Giá 12.400 - 12.900 bảng (350 triệu - 364 triệu đồng).


DaVinci Audio Labs AAS Gabriel Master Reference bao gồm 3 bộ phận chính nằm riêng trên các chân đế khác nhau: mâm đĩa đặt trục quay nặng bằng nhôm, một mô tơ và một điều khiển tốc độ; một tay cần đọc đĩa (tính riêng, không bao gồm vào giá, khoảng 7.881 bảng, tương đương 222 triệu đồng). Sản phẩm có 3 màu đen, đỏ Ferrari và da cam Lamborghini. Giá tham khảo: 31.890 bảng (901 triệu đồng).


Continuum Caliburn là lựa chọn cho ai tìm kiếm sự hoàn hảo. Mọi thành phần cấu tạo đều được tính chính xác để làm nổi rõ từng nốt nhạc trên bản ghi. Giá của thiết bị cũng tương ứng với giá trị của âm thanh: 115.000 bảng (3,2 tỷ đồng).


Goldmund Reference II là cỗ máy dành cho nhà giàu với giá 164.382 bảng (4,6 tỷ đồng) mà chưa bao gồm tay cần và đầu máy. Mỗi năm chỉ có 5 sản phẩm như thế này được sản xuất.

Việt Toàn (theo Techradar)
http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/Dau-doc/2009/05/3B9B01E7/10-2737847u-273297a-than-gi225-b236nh-d226n-2737871n-c7855t-c7893

Sự trở lại của đĩa than

Văn hóa chơi đĩa than được duy trì bởi các tín đồ âm thanh analog, những người sưu tập đồ cổ, chuyên gia DJ và cả các audiophile.
Có thể nhiều người không tin nhưng hiện nay rất nhiều thể loại nhạc mới vẫn được phát hành với phiên bản đĩa than. Ngay cả các hãng phát hành nổi tiếng cũng vẫn duy trì các phiên bản đĩa LP cho một số album, mà mới nhất có thể kể đến là phiên bản 2011 album "Wish you were here" của Pink Floyd.

Đĩa than mới vẫn liên tục được phát hành hàng tháng, và theo thống kê của ngành công nghiệp âm thanh, vào năm 2003 chỉ trong khoảng nửa năm, số lượng đĩa than bán ra đạt con số khoảng 661.000 đĩa, trong khi cùng thời gian đó đĩa SACD và DVD-A chỉ có 234.000.

Cho tới giờ, vẫn có nhiều người có thú sưu tập đĩa than, một phần là do họ có sẵn cả bộ sưu tập từ trước, số khác mới phát hiện ra âm thanh thú vị của loại đĩa này. Với rất nhiều người, việc nâng niu những chiếc đĩa từ khi lấy ra khỏi vỏ, đặt vào máy quay, nhẹ nhàng thả tay cơ lên, xem kim đọc lướt theo từng rãnh nhạc... toàn bộ quá trình như một thứ gia vị thêm thắt đầy hấp dẫn phục vụ một thú vui tao nhã khó có gì thay thế được. Một giới khác góp phần không nhỏ cho việc nuôi dưỡng sự tồn tại của đĩa than là các nhà sưu tập. Bản thân mỗi một chiếc vỏ đĩa theo họ đã là một tác phẩm, vì thế họ cất công sưu tầm, mua bán, tạo ra một thị trường ngầm không kém phần sôi động, nhất là đối với các phiên bản hiếm và độc.

Các chuyên gia DJ cũng là những người kiên quyết bảo vệ cho sự tồn tại của thiết bị nghe nhạc này. Hầu hết các thể loại nhạc tự do (underground music) được ra mắt với phiên bản đĩa than. Một số nhà sản xuất lớn gần đây đã ra mắt đĩa than acapella (các bài hát chỉ có lời và không có nhạc cụ) dòng nhạc pop chuyên dụng cho dòng nhạc underground này, và đến lượt các nhà sản xuất nhạc underground trộn các bài nhạc, xuất bản dưới dạng đĩa than để phục vụ cho các chuyên gia DJ.

Nhiều người cho rằng nghe đĩa than hay hơn và bạn sẽ thấy, không cần phải là một audiophile, cũng có thể nhận biết được độ "ấm áp" của âm thanh của thể loại này một cách rõ ràng. Lý do bởi vì sóng âm là thuần analog với đồ thị bước sóng liên tục thay đổi với một biên độ rất "mượt". Sóng âm này lại được lưu trên đĩa than đúng theo những gì được ghi nên vẫn duy trì được chất âm mượt mà và ấm áp. Nếu nghe một bài hát trên đầu đĩa CD bạn có thể thấy bình thường, thì cũng bài hát này nếu được phát trên một máy quay đĩa và hệ thống âm thanh đủ tốt, nó có thể khiến bạn cảm thấy gai người về những cảm xúc mới lạ. Thêm vào đó, đầu CD thường được ghi với tần số trong khoảng 20Hz - 20kHz, khoảng âm thanh nghe thấy của tai người. Nhưng dù cho tai người không nghe được các âm ngoài dải tần này, bạn sẽ vẫn có thể "cảm" thấy nó. Đó chính là lợi thế của đĩa than. Chỉ với một máy quay đĩa kha khá và một dàn âm thanh hạng trung, chất âm của bộ này có thể vượt xa chất âm của những bộ chơi CD đắt tiền.

Trong khi đó, sóng âm kỹ thuật số thực sự không phải là sóng, mà chỉ là các bậc thang liên tiếp nhau. Quá trình ghi kỹ thuật số sẽ chụp lại sóng analog ở một tần suất cố định (như với CD là 44.100 lần một giây) và đo các tần suất này ở một độ chính xác nhất định (như ở CD thường là 16-bit, nghĩa là chính xác tới một phần 65.536 giá trị). Nhưng với một số âm như kèn trumpet hay trống có tốc độ thay đổi âm nhanh hơn tần số mẫu thì âm thanh đầu cuối sẽ vẫn bị hiện tượng méo âm.

Mặc dù độ bền và tuổi thọ của đĩa than đã được nâng lên đáng kể, nhưng chúng vẫn có những nhược điểm cố hữu. Do các bản ghi được đọc bằng kim đọc nên sẽ có sự chà xát lên bề mặt thành rãnh đĩa. Nhiệt độ tại điểm tiếp xúc giữa kim đọc và thành rãnh có thể rất cao, và do bằng nhựa nên theo thời gian có thể khiến nhựa nóng lên và bị cạo rơi đi (dù chỉ là các hạt li ti), ảnh hưởng đến chất lượng âm nhạc.

Hoặc nếu không được tinh chỉnh đúng cách, tay cơ và đầu kim đặt trên đĩa với trọng lượng không thích hợp sẽ làm rãnh mòn nhanh hơn. Tất nhiên, việc bị mòn là thực tế không thể tránh được, nhưng bạn vẫn có thể giảm thiểu nó. Khi rãnh bị mòn, âm thanh sẽ bị suy giảm, nó sẽ trở nên sền sệt, hoặc loẹt xoẹt theo thời gian, và cuối cùng chỉ đủ chất lượng để nghe thông thường. Vì thế, nếu chịu khó lau chùi, sử dụng kim đọc đúng cách và bảo dưỡng mâm quay hợp lý sẽ giảm thiểu mức độ mài mòn, nâng cao được tuổi thọ cũng như chất lượng của đĩa than.

Một "kẻ thù" khác của đĩa than là bụi và dầu có trên tay người. Bất kể tay bạn sạch thế nào, trong quá trình lấy đĩa cũng sẽ có nhiều khả năng dầu sẽ bị dính lên bề mặt đĩa, khi đó, chúng sẽ làm các thành rãnh trở nên trơn trượt hơn, dẫn tới giảm chất lượng âm thanh. Bụi dính trên đĩa cũng sẽ tác động không tốt đến kim đọc, bởi nó sẽ giống như một dạng giấy ráp mài mòn kim đọc và thành rãnh. Vì thế yêu cầu tối thượng là phải luôn giữ cho đĩa được sạch sẽ.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là hiện tượng rung. Bất kỳ hoạt động của bộ phận nào, từ tay đọc, mô-tơ quay đĩa, hay tiếng bass từ loa siêu trầm đều có thể tạo ra những độ rung nhất định và các rung động này sẽ truyền đến kim đọc. Để hạn chế, các nhà sản xuất thường chế tạo các máy quay đĩa với kết cấu chắc chắn, chân đế vững vàng, hoặc có thể chế tạo mô-tơ không trực tiếp quay mâm quay mà qua hệ thống truyền động đai để hạn chế rung tối đa. Ngoài ra, nếu cầu kỳ bạn cũng có thể mua các thiết bị phụ trợ chống rung khác cho hệ thống âm thanh của mình khỏi những rung động không mong muốn.

Nếu là người mới chơi đĩa than, bạn sẽ khó tưởng tượng được sao có nhiều vấn đề phải giải quyết đến thế mới có thể nghe nhạc. Nhưng thực ra, cũng như một người chơi xe cổ, dù mất công tốn sức nhưng khi ngồi trên một chiếc mui trần cổ điển lướt trên đường phố, bạn sẽ có nhiều ánh mắt ngưỡng mộ hơn là ngồi trong một chiếc xe 4 chỗ hạng trung.

Về cơ bản, các bài hát trên đĩa than được lưu ở các thành rãnh, theo đó thành ngoài cho kênh trái và thành trong cho kênh phải. Các sóng âm sẽ được máy khắc trên những thành rãnh này.

Giờ để đọc, bạn cần một đầu đĩa than. Đầu đĩa than trực tiếp có mô-tơ gắn với mâm quay, trong khi đầu đĩa than gián tiếp thì có mô-tơ rời nối với trục quay mâm bằng đai truyền động. Kiểu truyền động này giúp giảm tác động rung trong quá trình hoạt động của mô-tơ với mâm quay và đầu đọc, từ đó tăng chất lượng tái tạo âm thanh.

Trên đầu đĩa than sẽ có đầu đọc (phono cartridge) và kim đọc (stylus) gắn với tay cơ (tone arm). Sóng âm khắc trong các rãnh đĩa than sẽ làm rung kim đọc. Rung động cơ học này sẽ được đầu đọc chuyển thành năng lượng điện. Đầu đọc thường có hai dạng: cuộc dây động (moving coil) và nam châm động (moving magnet). Bằng việc chuyển động cuộn dây hoặc nam châm, kim đọc chuyển các xung cơ học thành các xung điện tử.

Xét về chi phí, loại đầu đọc nam châm động có giá thành hợp lý hơn bởi các kim đọc dễ thay thế hơn. Trong khi đó, loại đầu đọc cuộn dây động cho âm thanh sạch và chính xác hơn nhưng đắt hơn, khó tương thích với các đầu preamp phono hơn và kim đọc cũng không dễ dàng thay thế.

Nếu cảm thấy receiver chưa cho một âm trường hợp lý, hãy đầu tư thêm một preamp phono rời. Và nếu đầu tư hợp lý, bạn sẽ không phải thấy hối tiếc vì chi phí bỏ ra cho một chất âm hoàn hảo.

Nguyễn Hà (http://sohoa.vnexpress.net/sh/am-thanh/2011/11/3b9b51b9/Su-tro-lai-cua-%C4%91ia-than)