Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Sad Movies



Bài Sad Movies do ca sỹ Sue Thompson trình bày năm 1976


Sad Movies (Make Me Cry) là một ca khúc rất xưa, ra đời từ năm 1961 nhưng đến nay vẫn còn được nghe và ưa thích tại nhiều nước trên thế giới. Từ nguyên tác tiếng Anh, Sad Movies đã được chuyển thể sang tiếng Pháp (Quand le film est triste), tiếng Tây Ban Nha (Las caricaturas me hacen llorar), tiếng Brazil (Filme Triste) và cả tiếng Việt (Chuyện phim buồn).

Sad Movies được viết bởi John D. Loudermilk, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ. Nghe Sad Movies, nhiều người cho rằng ca khúc này được sáng tác dựa trên một câu chuyện có thật. Nhưng đúng ra là John D. Loudermilk đã lấy cảm hứng để viết từ một câu nói và một tình tiết nhỏ trong câu chuyện của người bạn gái sau khi xem phim Spartacus (1960). “Phim chiếu xong, đèn bật sáng, khuôn mặt người phụ nữ ngồi cạnh ướt đẫm nước mắt. Cô ấy nói: “Sad movies make me cry” (Phim buồn quá khiến tôi khóc)”. Và thế là Sad Movies ra đời với một câu chuyện mới, gây nhiều xúc động cho người nghe.

Một cô gái đi xem phim một mình vì người yêu của cô nói rằng tối nay phải đi làm, không thể đi cùng. Khi phần tin thế giới vừa bắt đầu thì cô thấy người yêu cùng cô bạn gái thân nhất của cô sánh vai bước vào. Họ đã ngồi ngay hàng ghế phía trước mà không thấy cô. Họ hôn nhau khiến cô chết điếng trong lòng, và cô bật khóc… Cô nặng nề bước về nhà, khi thấy đôi mắt đẫm lệ của con gái, mẹ cô hỏi “Có chuyện gì vậy con?” Và cô đành nói dối mẹ “Phim buồn quá làm con khóc”…

Sad Movies được viết theo lối kể chuyện với ca từ rất bình thường. Những ai thích lối viết ca từ thâm thúy và lãng mạn chắc hẳn sẽ thất vọng. Nhưng cái hay của Sad Movies là ở chỗ khác. Là nhạc buồn, nhưng Sad Movies được viết ở âm giai trưởng (Majeur) thay vì âm giai thứ (Mineur) nên nỗi buồn càng sâu. Thêm vào đó, tiết tấu của ca khúc này không chậm buồn mà lại rộn ràng với điệu chachacha nên Sad Movies tựa như một nỗi buồn tê tái xót xa được giấu kín _ tâm trạng của cô gái bị phụ tình trong bài hát này. Tác giả chỉ đề cập đến hành động, gần như không hề có một tính từ nào diễn tả nỗi buồn của nhân vật trong bài, ngoại trừ hai từ ngắn ngủi “When he kissed her lips, I almost died”. Thế nhưng thủ pháp của Loudermilk đã mang lại hiệu ứng rất thuyết phục đối với người nghe: một cảm xúc đắng chát trước sự lừa dối và phản bội của con người.

Lời bài hát Sad Movies tiếng Anh:

Sad movies always make me cry…

He said he had to work so I went to the show alone
They turned down the lights
and turned the projector on
And just as the news of the world started to begin
I saw my darling and my best friend walk in

Though I was sitting there, they didn't see
and so they sat right down in front of me
when he kissed her lips, I almost died
And in the middle of the colored cartoon
I started to cry
Oh oh oh, sad movies always make me cry
Oh oh oh, sad movies always make me cry

So I got up and slowly walked on home
and mama saw the tears and said, "what's wrong?"
and so to keep from telling her a lie
I just said “sad movies make me cry”
Uh uh uh uh uh uh uh uh…
Sad movies make me cry...

Lời bài hát Sad Movies tiếng Việt:

Chuyện Phim Buồn
Lời Việt: Vũ Xuân Hùng –Nguyễn Duy Biên

Những khi lỡ xem phim buồn,
Thường làm tôi khóc ngất ngây...

Đành lấy có mỗi vé vậy
Vì biết chắc tối anh đi làm
Đèn đóm tắt hết khi phòng máy
Sắp chiếu khuôn phim đầu

Và đúng tới lúc khúc phim tình thế
Quốc tế đang vui nhộn,
Chợt trông thấy cô bạn thân
Và anh yêu nói cười cùng bước vô...

Vì bóng tối quá dầy,
Chẳng ngó thấy nơi tôi ngồi
Bởi thế tới ghế trên còn trống,
Chúng sát vai nhau ngồi

Chúng ghé sát hôn tình tứ
Khiến tôi điên dại
Lòng bao tái tê và mắt chợt bỗng ướt nhòa,
Từng giọt buồn xót xa...

Người ơi sao chiếu chi những phim u buồn,
Để lòng giận ai xót xa?
Người ơi sao chiếu chi những phim u buồn,
Để lòng giận ai gian dối...

Chán ngán bước về,
Buồn trĩu mỗi bước chân tê chồn
Vì thấy nước mắt hoen mặt phấn,
Má hỏi: "Sao con buồn?"
Dối má: "Tối nay rằng đã lỡ trót xem phim buồn
Và xem đúng ngay một phim thật đỗi buồn,
Làm lòng con xót xa..."
 http://mp3.zing.vn/bai-hat/Chuyen-Phim-Buon-Ngoc-Lan/IWZDOBOC.html

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Vở ballet Swan Lake (Hồ Thiên Nga) Peter Ilyich Tchaikovsky



Vở Ballet Swan Lake (Hồ Thiên Nga)do nhà hát Mariinsky-Nga trình diễn


Hồ Thiên nga là vở ballet đầu tiên và cũng là vở ballet nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc Nga Peter Ilyich Tchaikovsky. Mặc dù vở ballet này có nhiều phiên bản nhưng phần lớn các đoàn ballet đều dàn dựng dựa trên phiên bản âm nhạc và biên đạo của Marius Petipa và Lev Ivanov, công diễn lần đầu vào ngày 15/1/1895 tại Nhà hát Mariinsky ở St. Petersburg, Nga. Trong phiên bản này, phần âm nhạc của Tchaikovsky được nhà soạn nhạc Riccardo Drigo, nhạc trưởng chính của Nhà hát Hoàng gia St. Petersburg, sửa đổi.


Màn I
Cảnh I. Công viên trước lâu đài.
Benno và các bạn chờ hoàng tử Siegfried để chung vui trong ngày lễ thành niên của chàng. Hoàng tử tới cùng với thái sư Wolfgang. Cuộc vui bắt đầu. Các thôn nữ và nam thanh niên tặng quà cho hoàng tử, chúc mừng chàng. Hoàng tử rót rượu thưởng các nam thanh niên, còn các thiếu nữ được nhận các dải băng. Thái sư Wolfgang chuếnh choáng say, điều khiển người hầu thực hiện các ý muốn của hoàng tử. Nông dân nhảy múa.
Cảnh II. Người hầu xuất hiện, báo tin về chuyến thăm của nữ hoàng. Cuộc vui chung chùng xuống. Các điệu nhảy ngừng lại. Người hầu vội vã dọn dẹp, xoá dấu vết cuộc vui. Đám thanh niên và thái sư Wolfgang cố gắng tỏ ra tỉnh táo. Nữ hoàng bước vào cùng đoàn tuỳ tùng. Hoàng tử ra đón mẹ. Bà âu yếm trách móc con đã giấu mẹ việc vui chơi chè chén ở đây, bởi vì bà đã biết cả. Bà tới không phải để phá cuộc vui, mà chỉ để nhắc cho hoàng tử nhớ rằng hôm nay đã là ngày cuối cùng chàng được tận hưởng cuộc sống độc thân, ngày mai chàng sẽ phải chọn cho mình một cô dâu. Hoàng tử hỏi mẹ về người vợ tương lai của mình và được nữ hoàng cho biết chàng sẽ phải tự chọn trong số các công chúa được bà mời đến lễ hội ngày mai. Nữ hoàng rời sân khấu sau khi cho phép cuộc vui được tiếp tục.
Cảnh III. Hoàng tử trầm ngâm suy nghĩ, và buồn khi phải chia tay với cuộc sống độc thân. Benno an ủi chàng, rằng đừng để tương lai làm hỏng cuộc vui trong hiện tại. Siegfried ra hiệu để mọi người tiếp tục vui chơi. Cuộc vui và chè chén tiếp tục. Thái sư Wolfgang khiến mọi người cười phá lên vì ông đã say hoàn toàn và nhảy múa rất ngộ nghĩnh.
Cảnh IV. Chiều xuống. Điệu nhảy giã từ, cuộc vui kết thúc.
Cảnh V. Đàn thiên nga trắng xuất hiện bay ngang sân khấu. Đám thanh niên không muốn ngủ và sự xuất hiện của đàn thiên nga khiến họ muốn kết thúc ngày vui bằng một cuộc săn. Benno biết đàn thiên nga bay đi đâu để trú đêm. Để lại thái sư Wolfgang đã say khướt, hoàng tử cùng Benno và đám thanh niên lên đường đi săn.

Màn II. Một địa điểm hoang vu. Phía xa là mặt hồ. Bên phải, trên bờ hồ là một toà lâu đài đổ nát. Trăng sáng.
Cảnh I. Đàn thiên nga trắng bơi trên mặt hồ. Thiên nga đầu đàn mang một vương miện trên đầu.
Cảnh II. Benno cùng một số thanh niên xuất hiện. Nhìn thấy đàn thiên nga, họ định bắn nhưng chúng đã biến mất. Benno còn lại một mình sau khi đã cho đám thanh niên đi báo cho hoàng tử biết họ đã tìm thấy đàn thiên nga. Đàn thiên nga biến thành các cô gái trẻ đẹp, vây lấy Benno và chàng thanh niên bất lực không thể chống lại sự quyến rũ của các cô gái. Hoàng tử cùng đám thanh niên xuất hiện. Đàn thiên nga lùi ra sau. Đám thanh niên muốn nổ súng, nhưng đúng lúc đó lâu đài cổ toả sáng và Odetta xuất hiện, xin họ ngừng tay.
Cảnh III. Siegfried choáng váng vì sắc đẹp của nàng, cấm các bạn mình bắn. Odetta cảm ơn chàng và kể cho chàng nghe nàng và các bạn gái hiện phải chịu phù phép của phù thuỷ độc ác. Ban ngày họ biến thành thiên nga, chỉ đêm về bên lâu đài này được trở lại hình người. Phù thuỷ độc ác mang hình dạng một con cú canh giữ họ. Pháp thuật chỉ được giải khi có ai đó dành tình yêu chung thuỷ cho Odetta, thề suốt đời không yêu người con gái nào khác. Siegfried nghe câu chuyện của nàng. Cú bay đến, biến thành phù thuỷ độc ác, ngồi trong lâu đài và nghe trộm câu chuyện của hai người rồi biến mất. Siegfried hoảng hốt vì ý nghĩ chàng có thể đã vô tình giết Odetta khi nàng là một con thiên nga. Hoàng tử bẻ gẫy cây cung của mình. Odetta an ủi chàng.
Cảnh IV. Odetta cùng các bạn gái nhảy múa để hoàng tử quên nỗi buồn. Siegfried bị sắc đẹp của nàng cuốn hút, quyết tâm cứu nàng. Chàng chưa hề thề yêu ai, bởi vậy lời thề của chàng có thể giải được lời nguyền của lão phù thuỷ. Chàng sẽ giết lão để cứu Odetta cùng các bạn gái của nàng. Odetta cho chàng biết lão phù thuỷ chỉ có thể chết nếu như có một ai đó đủ dũng cảm chết vì tình yêu dành cho nàng. Zigfrid nói chàng sẵn lòng làm việc đó, cái chết vì nàng mang lại cho chàng niềm vui. Odetta tin tưởng vào tình yêu của hoàng tử. Nhưng ngày mai sẽ là ngày trong lâu đài của nữ hoàng mẹ chàng tổ chức vũ hội, tất cả các cô gái đẹp được mời đến dự và chàng phải chọn một trong số họ một người làm vợ. Zigfrid nói chỉ khi nào Odetta xuất hiện chàng mới trở thành vị hôn phu. Nhưng cô gái bất hạnh cho biết đó là thời gian nàng vẫn còn phải mang hình hài thiên nga và chỉ có thể bay quanh lâu đài. Hoàng tử thề sẽ không bao giờ phản bội nàng. Odetta cảm động vì sự thành thật của hoàng tử, nhận lời thề của chàng, nhưng cũng báo cho chàng biết lão phù thủy độc ác sẽ làm mọi việc để cướp lời thề của chàng cho một người con gái khác. Siegfried thề không một phép thuật nào khiến chàng thay lòng đổi dạ với Odetta.
Cảnh V. Bình minh. Odetta chia tay với người yêu và cùng với các bạn gái biến mất. Trời sáng rõ, trên mặt hồ hiện ra một đàn thiên nga. Một con cú lớn vỗ cánh nặng nề bay phía trên mặt hồ.

Màn III. Một căn phòng lộng lẫy. Tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng cho vũ hội.
Cảnh I. Lễ quan ra lệnh cho người hầu làm nốt những công việc chuẩn bị sau cùng. Ông ta đón và xếp chỗ cho các vị khách. Nữ hoàng và hoàng tử Zigfrid xuất hiện cùng với đoàn tuỳ tùng. Các cô gái cùng với cha mẹ của họ lần lượt bước vào. Điệu múa chung. Điệu múa của các cô gái.
Cảnh II. Nữ hoàng dò hỏi con trai đã thấy cô gái nào vừa mắt chưa. Chàng nói tất cả các cô đều đáng yêu, nhưng chàng vẫn chưa thấy cô gái mà chàng phải hẹn thề chung thuỷ suốt đời.
Cảnh III. Nhạc thông báo có những vị khách mới đến. Nhà quý tộc von Rotbart vào cùng con gái Odillia. Siegfried hết sức ngạc nhiên vì nàng quá giống Odetta và hân hoan chào mừng nàng. Odetta, vẫn mang hình hài thiên nga xuất hiện bên cửa sổ, mong bảo vệ chàng khỏi pháp thuật của phù thuỷ độc ác. Nhưng chàng, quá mê mải vì sắc đẹp của Odillia, không nhận ra bất cứ điều gì khác ngoài nàng. Các điệu nhảy lại tiếp tục.
Cảnh IV. Vậy là hoàng tử đã lựa chọn. Chàng tin tưởng rằng Odillia chính là Odetta của chàng, nên chàng chọn Odillia làm vị hôn thê. Von Rotbart trịnh trọng cầm tay con gái trao cho hoàng tử và chàng nói lời thề nguyện vĩnh viễn yêu nàng trước tất cả mọi người. Đúng vào thời điểm đó chàng đột nhiên trông thấy Odetta bên cửa sổ. Chàng hiểu mình đã bị lừa, nhưng đã quá muộn: Lời thề đã được nói ra. Rotbart và Odillia biến mất. Odetta vĩnh viễn bị giam cầm bởi lời nguyền độc ác của mụ phù thuỷ, xuất hiện sau lưng nàng trong hình hài con cú. Tuyệt vọng, hoàng tử bỏ chạy. Mọi người bối rối.

Màn IV.
Bãi trống cạnh hồ Thiên nga. Xa xa là một lâu đài đổ nát. Các mỏm đá. Đêm.
Cảnh I. Đàn thiên nga ngóng chờ Odetta trở về. Để giấu sự lo lắng trong lòng, họ nhảy múa.
Cảnh II. Odetta xuất hiện. Đàn thiên nga vui mừng đón nàng, nhưng sự thất vọng của nàng đã khiến họ hiểu rằng Siegfried đã phản bội, không vượt qua được thử thách. Mọi hy vọng đã mất, cái ác chiến thắng, không còn gì cứu được Odetta. Nàng vĩnh viễn trở thành nô lệ của các thế lực độc ác. Nàng hiểu rằng tốt nhất là tự vẫn trong hồ để chết khi vẫn còn mang hình hài thiếu nữ, hơn là sống trong lốt thiên nga thiếu Siegfried. Các bạn gái an ủi nàng, nhưng vô ích.
Cảnh III. Hoàng tử xuất hiện. Chàng tìm kiếm Odetta để quỳ dưới chân nàng, xin nàng thứ lỗi, bởi hành động phản bội mà chàng không hề ngờ đến. Chàng chỉ yêu một mình nàng, chàng thề thốt với Odillia chẳng qua chỉ vì nhầm nàng ta là Odetta. Odetta tạm quên nỗi khổ tâm và tai hoạ của mình, nàng vui mừng đón nhận phút giây hạnh phúc.
Cảnh IV. Sự xuất hiện của phù thuỷ độc ác phá hoại phút giây hạnh phúc ngắn ngủi. Hoàng tử phải thực hiện lời hứa của mình, cưới Odillia, còn Odetta khi bình minh đến sẽ vĩnh viễn biến thành thiên nga. Cái chết trở thành sự lựa chọn tốt nhất một khi họ vẫn còn đủ thì giờ. Siegfried thề sẽ chết cùng nàng. Phù thuỷ độc ác hoảng sợ, biến mất. Chàng sẽ chết vì tình yêu cùng với Odetta. Cô gái bất hạnh lần cuối cùng ôm chặt người yêu, rồi chạy lên mỏm đá cao và sẵn sàng nhảy xuống. Phù thuỷ độc ác biến thành con cú, bay bên trên nàng, sẵn sàng để biến nàng thành thiên nga. Hoàng tử vội vã chạy theo Odetta, cùng nàng nhảy xuống hồ. Con cú ngã lăn ra chết.

Tchaikovsky với ballet Hồ Thiên nga

Khi bắt đầu viết Hồ Thiên nga thì P.I.Tchaikovsky đã là một nhà soạn nhạc nổi tiếng mặc dù vẫn còn rất trẻ. Tchaikovsky viết vở ballet đầu tiên của mình theo đơn đặt hàng của Nhà hát Lớn, một phần cũng do nhuận bút khá lớn so với thời bấy giờ - 800 rúp. Mặc dù là một người yêu thích ballet, nhưng nhạc sĩ vẫn cho rằng ballet là “không có được sự tồn tại vững chắc”. Không phải là điều đó không có cơ sở: những vở ballet hồi đó không trụ trên sân khấu được lâu, còn âm nhạc trong những vở ballet thì ngay từ đầu đã không đặt mục đích trở thành âm nhạc nghiêm túc. Và bản thân Tchaikovsky cũng có những cảm xúc khác nhau đối với âm nhạc trong những vở ballet của mình. Khi thì bỗng dưng ông gọi nhạc trong ballet là “hoàn toàn vớ vẩn”, khi thì lại tỏ ra hy vọng rằng một vài đoạn sẽ được phổ biến hơn để làm nền cho những điệu khiêu vũ dạ hội.

Nhạc sĩ đã nghĩ gì khi viết nhạc Hồ thiên nga? Có phải là về những truyện cổ tích Nga, nơi có những “cô gái đẹp như thiên nga” mà ông đã nghe thời thơ bé? Hay là nhớ lại những dòng thơ trong “Vua Saltan” của Pushkin, nhà thơ mà ông vô cùng yêu quý – ở đó con thiên nga sau khi được công tước Gvidon cứu thoát đã “bay lên trên sóng vào bờ rồi lắc mình hóa thành một cô công chúa”? Cũng có thể trước mắt ông lại hiện ra những hình ảnh của thời gian hạnh phúc khi ông đến Kamenka – điền trang của Alekxandra Ilinhichna Đavưđôva, chị mình và cùng những đứa con của bà chị đã dựng những vở kịch gia đình. Một trong số những vở kịch đó là Hồ Thiên nga và Tchaikovsky đã viết nhạc riêng cho vở kịch ấy. Chủ đề thiên nga viết từ thời bấy giờ sau này cũng xuất hiện trong vở ballet mới này.

Cũng vào thời Tchaikovsky sáng tác vở Hồ Thiên nga, ở xứ Bavaria thuộc nước Đức bây giờ có vị vua Ludvig Đệ nhị nổi tiếng lãng mạn, nổi tiếng say mê nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Vua Ludvig Đệ nhị đã cho xây một tòa lâu đài thần tiên tuyệt đẹp gọi là lâu đài Thiên Nga, đứng trên sườn núi trông ra khu hồ cũng mang tên là hồ Thiên nga hết sức thơ mộng. Tòa lâu đài, khu hồ Thiên nga, vị vua lãng mạn đến khác thường đã gợi lên niềm cảm hứng cho Tchaikovsky sáng tác nên vở Hồ Thiên nga tuyệt tác, một vở ballet được xếp vào loại bi, trữ tình. Và có lẽ vì vậy Tchaikovsky đã quyết định đặt cho hoàng tử nhân vật chính của mình một cái tên Đức, dù Tchaikovsky là người Nga.

Có lẽ là tất cả các yếu tố này đều tác động đến nhà soạn nhạc – đó là trạng thái tâm hồn của ông. Và một điều khác cũng rất quan trọng đối với chúng ta – vốn là một nhà soạn nhạc giao hưởng, nên trong Hồ Thiên nga không phải là âm nhạc minh họa cho những tình tiết của libretto, mà là âm nhạc tổ chức hành động sân khấu, cuốn theo mình suy nghĩ của biên đạo múa, bắt nhà biên đạo hình thành sự phát triển các sự kiện trên sân khấu, và các hình tượng của các nhân vật, quan hệ của họ theo ý đồ của nhà soạn nhạc. Sau này Piotr Ilich nói “Ballet cũng là một bản giao hưởng”. Nhưng khi xây dựng vở ballet Hồ Thiên nga, vở ballet đầu tiên của mình, thì khi đó ông đã tư duy như thế - trong những nốt nhạc của ông mọi thứ đều liên quan với nhau, tất cả các chủ đề ngắn đều được đan xen vào thành một nút chặt mà người ta sẽ gọi đó là kịch nghệ âm nhạc.

Chỉ tiếc rằng năm 1877, khi vở ballet Hồ thiên nga được trình diễn lần đầu tiên trên sân khấu Moscow thì chẳng có nhà biên đạo nào hiểu được tác giả và có thể ở ngang tầm những tư tưởng của nhà soạn nhạc. Khi đó Julius Reizinger, biên đạo múa của Nhà hát Lớn đã rất chăm chỉ, cần mẫn thử đem những giải pháp sân khấu của mình để minh họa cho kịch bản văn học do nhà soạn kịch V. Beghichev và diễn viên múa V.Geltser viết ra. Reizinger sử dụng âm nhạc như truyền thống – âm nhạc chỉ là phần nền nhịp điệu. Kết quả thử nghiệm không thành công và người ta quên lãng Hồ Thiên nga trong một thời gian khá lâu. Hồ Thiên nga chỉ thành danh, chỉ thực sự được biết đến sau khi Tchaikovsky đã qua đời gần 20 năm sau. Vào năm 1895, Hồ Thiên nga được dàn dựng lại và từ đó người ta mới cảm nhận được cái đẹp của nhạc Tchaikovsky, cái hồn lãng mạn của Hồ Thiên nga, cái dịu dàng, quyến rũ của những vũ điệu ballet.

Hồ Thiên nga sau khi Tchaikovsky qua đời
Lần sinh ra thứ hai của Hồ Thiên nga xảy ra sau đó gần 10 năm. Đó là vào năm 1893, sau khi nhà soạn nhạc vĩ đại đã qua đời – tại một buổi trình diễn âm nhạc tưởng nhớ Tchaikovsky, Lev Ivanov, một biên đạo múa Peterburg đã trình diễn cho công chúng xem hồi hai của vở ballet, hồi múa “thiên nga” trong phương án biên đạo của mình.

Lev Ivanov là một biên đạo múa khiêm tốn của nhà hát Mariinsky (nay là nhà hát opera và ballet mang tên S.Kirov), người luôn luôn là cái bóng của bậc thầy Marius Petipa lừng danh. Ivanov có trí nhớ âm nhạc hiếm thấy, những người chứng kiến kể rằng chỉ cần nghe một lần những tác phẩm âm nhạc phức tạp đi nữa thì Ivanov cũng có thể chơi lại chính xác trên piano. Nhưng khả năng “tưởng tượng tạo hình” những hình tượng âm nhạc của Ivanov còn hiếm thấy hơn nhiều. Vốn rất yêu những nhạc phẩm của Tchaikovsky, Ivanov đã cảm nhận rất sâu sắc và tinh tế thế giới cảm xúc của vở ballet này và đã sáng tạo ra một bản giao hưởng vũ đạo tương tự “những bài ca chân thành” của Tchaikovsky. Đã hơn 100 trôi qua kể từ ngày ấy, nhưng “bức tranh thiên nga” do Ivanov biên đạo vẫn còn có thể nhìn thấy trong bất kỳ dàn dựng cổ điển nào của Hồ Thiên nga.

Đó là Ivanov đã nghĩ ra những cô gái trắng bị phù phép với đôi tay bắt chéo trên bộ váy ballet và mái đầu cúi thấp – ngay trong tư thế ấy người ta đã đoán ra hình bóng một con chim xếp cánh. Ivanov đã tìm ra cho các nữ diễn viên ballet dáng vẻ và sự uy nghi uyển chuyển của từng chuyển động, bắt những đôi tay hát lên thành nhạc – và ngay lập tức trước mắt mỗi khán giả xuất hiện hình tượng những bài hát buồn bã kéo dài, những dàn đồng ca trầm mặc của những nàng tiên cá rusalka, những cánh đồng vô tận và thiên nhiên giản dị của phương bắc. Và tâm hồn Nga đã được thổi vào câu chuyện của Siegfried, chàng hoàng tử Đức và nữ hoàng thiên nga với cái tên Pháp Odetta.

Marius Petipa nhận ra ngay giá trị của giải pháp tuyệt vời của Ivanov và đề nghị Ivanov cùng biên đạo dàn dựng trọn vẹn vở ballet. Petipa và nhạc trưởng Riccardo Drigo bắt đầu từ bản tổng phổ. Còn Modest Ilich em trai của nhạc sĩ đã biên tập lại libretto. Bản tổng phổ của Hồ Thiên nga thực tế cũng có khá nhiều nhược điểm, trước hết là quá dài, vì có nhiều đoạn được viết tiếp theo lời đề nghị của Julius (Ventsel) Reizinger, người đã “đảm bảo” cho thất bại của buổi trình diễn đầu tiên ở Moscow năm 1877. Bản tổng phổ do Marius Petipa và Ricardo Drigo biên tập lại đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới và đã đánh dấu bước chuyển đổi chất lượng mới của ballet.

Và Marius Petipa thì đã chấp nhận lời thách đố của “đối thủ” tài năng của mình: ông đã biên đạo những cảnh dạ vũ và hội hè của cung đình. Petipa đã để thiên nga trắng Odetta tương phản với thiên nga đen Odillia – sự mệt mỏi bi thương tương phản với sự quyến rũ mạo hiểm và sự xảo trá dịu dàng, điệu múa trầm mặc của đàn thiên nga đối lập với những đan xen phức tạp của những điệu waltz cung đình và sự náo nhiệt rực rỡ của những điệu múa Hunggary, Ba Lan, Tây Ban Nha, Neapol và điệu múa Nga. Lần đầu tiên nền ballet Nga nhận được một vai nữ do hai nhà biên đạo múa cùng sáng tạo - vai diễn kép Odetta-Odillia, vai diễn luôn luôn là ước mơ của bất kỳ nữ diễn viên ballet nào, và cũng là hòn đá thử vàng đối với những khả năng kỹ thuật và nghệ thuật của diễn viên ấy. Người đầu tiên đóng vai Odetta-Odillia trong kịch bản của Petipa-Ivanov, nữ diễn viên ballet người Ý Pierina Lenhiani là một diễn viên điêu luyện được thừa nhận. Và chính diễn viên này đã khiến công chúng phải kinh ngạc vì một màn ảo thuật trước giờ họ chưa từng thấy, màn ảo thuật mà đến tận ngày nay vẫn làm cho trí tưởng tượng của công chúng, kẻ cả những khán giả đầy kinh nghiệm lẫn những khán giả chưa hề xem ballet phải hồi hộp – 32 fuette. Nhưng chính trong Hồ Thiên nga thì Petipa đã làm cho màn ảo thuật này trở thành đặc trưng thuyết phục của hình tượng.

Motiv “kép” luôn luôn là một motiv hấp dẫn đối với các biên đạo dàn dựng vở ballet này. Một số biên đạo muốn nhấn mạnh sự mẫu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, nên chia các nhân vật ta “trắng” và “đen”, như Agrippina Vaganova và Alekxandr Gorsky đã chia vai diễn Odetta-Odillia ra cho hai diễn viên, điều này làm đơn giản đi chiều sâu triết học và tâm lý của hình tượng vốn ngay từ đầu đã có thể thấy tính hai mặt của tâm hồn.

Vai diễn Odetta-Odillia đã trở thành bước ngoặt trong tiểu sử của nhiều nữ diễn viên ballet xuất sắc. Từ bấy đến giờ tất cả các biên đạo ballet, khi thể hiện những ý tưởng của mình, thì cũng luôn luôn giữ lại những thành công tất yếu của buổi trình diễn xa xưa năm 1895 – những cảnh “thiên nga” đã nói của Ivanov, và pas de deux “đen” lừng danh của Petipa. Phiên bản biên đạo nổi tiếng của M.Petipa và L.Ivanov đã ra đời như thế và vẫn còn sống trên sân khấu đến tận ngày nay.

Hồ Thiên nga được dàn dựng ở Nhà hát Lớn không phải một lần. Trong thế kỷ XX, kịch mục của Nhà hát Lớn không thể hình dung nổi là không có Hồ Thiên nga. Một trong số người thể hiện nổi bật nhất là Alekxandr Gorsky, người đã để lại dấu ấn không phai mờ của mình trong biên đạo của Hồ Thiên nga trên sân khấu Nhà hát Lớn. Năm 1920 Gorsky mời đạo diễn kịch nổi tiếng Nhemirovich-Đanchenko làm đồng tác giả, và đạo diễn lừng danh của Nhà hát Nghệ thuật đã đưa sự tìm kiếm sự thật sân khấu vào Nhà hát Lớn. Ví dụ, sự biến đổi các cô gái thành thiên nga rồi lại từ thiên nga thành người trở nên trực quan hơn – khi thì gắn cánh vào trang phục các nữ diễn viên, khi lại tháo ra, và việc tạo hình cử động cũng được chia ra hai phần rõ ràng – “phần người” và phần “thiên nga”. Sau đó Nhà hát Lớn đưa vào kịch mục một bản dàn dựng khác, chứa đựng cả biên đạo của Petipa, Ivanov và Gorsky, còn hồi 4 thì được Asaf Messerer biên đạo lại mới hoàn toàn.

Còn Iuri Grigorovich lại bắt tay vào dàn dựng Hồ Thiên nga vì tình thế bắt buộc. Năm 1968 đoàn ballet của Nhà hát Lớn dự định đi lưu diễn ở Anh. Trong chương trình biểu diễn có cả Hồ Thiên nga, nhưng vở ballet từ năm 1956 tới lúc đó không được cập nhật nên trông đã có vẻ lỗi thời. Kết quả là thay cho quá trình cập nhật thông thường thì một quá trình sáng tạo thật sự đã xảy ra. Cùng với người cộng sự ăn ý – họa sĩ phục trang Simon Virsaladze, Grigorovich đã đưa ra một quan niệm mới của vở ballet này. Hầu như toàn bộ biên đạo ballet được làm mới hoàn toàn, mặc dù tất cả những gì tốt nhất của Gorsky, Petipa đều được giữ lại, còn hồi 2 – hồi “thiên nga” của Ivanov thì được Grigorovich bỏ bớt đi những gì được các biên đạo tiếp theo thêm vào. Và Grigorovich đã chối bỏ hoàn toàn sự tìm kiếm sự thật cổ tích trên sân khấu (những con thiên nga bằng giấy các tông rời bỏ mặt hồ không trở lại nữa).

Trong libretto cũng không còn tên của Rotbart – lão phù thủy đã phù phép Odetta. Rotbart trở thành Ác thần, và có ngôn ngữ múa (trước đó Rotbart chỉ “nói” bằng ngôn ngữ kịch câm) và trở thành một trong những nhân vật chính của vở ballet một cách không chính thức, để cho người xem có thể hình dung về vai trò đen tối theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là bản thân số phận cám dỗ chàng hoàng tử vẫn còn chưa biết rằng giữ chung thủy với lý tưởng của mình khó đến thế nào; hay đó là chính chàng hoàng tử bị khía cạnh đen tối của tâm hồn mình lôi kéo. Và như vậy trong kịch bản đã xuất hiện hai cặp nhân vật kép: Thiên nga trắng (Odetta) – Thiên nga đen (Odillia), Hoàng tử trắng (Siegfried) và đen (Ác thần). Tính chất triết học của dàn dựng này còn được nhấn mạnh ở cách bài trí sân khấu – tổng quát đến tối đa. Những đường nét của lâu đài mờ ảo, chỉ thấy bóng gió là một tòa lâu đài theo kiểu gô tích trung đại. Hồ nước bị phù phép cũng mờ ảo và không có cây cối – phong cảnh ấy vẽ ra không phải để cho người ta ngắm cảnh đẹp của thiên nhiên và hội họa sân khấu.

Tuy nhiên cảnh cuối cùng của vở ballet lại không được Bộ Văn hóa tán thành. Cơn bão lớn trên hồ đã giết cả đàn thiên nga. Ác thần mừng chiến thắng. Odetta chết. Hình tượng hoàng tử đánh mất hoàn toàn tất cả mọi lý tưởng không làm cho Ekaterina Furseva, Bộ trưởng Bộ Văn hóa hài lòng. Kết quả là họ đem vở Hồ Thiên nga cũ sang biểu diễn ở Anh, còn vở mới thì được lệnh phải chỉnh lý. Kết quả là các nhân vật chính hạnh phúc trong đoạn kết. Chỉ đến năm 2001 thì Grigorovich mới được dựng lại theo suy nghĩ ban đầu của mình.

Ngày nay Hồ Thiên nga là một trong những vở ballet nổi tiếng nhất và được khán giả yêu quý nhất. Từ sau buổi trình diễn năm 1895 thì Hồ Thiên nga đã được thừa nhận là đỉnh cao trữ tình của nhà hát ballet Nga. Có lẽ Hồ Thiên nga đã có mặt trên tất cả các sân khấu ballet của thế giới. Các thế hệ biên đạo múa của nhiều nước đã, đang và sẽ còn suy ngẫm về Hồ Thiên nga, để tìm cách đạt đến sự bí mật và chiều sâu triết học của âm nhạc Tchaikovsky. Nhưng hình ảnh con thiên nga trắng do trí tưởng tượng của nhạc sĩ vĩ đại sinh ra sẽ mãi mãi là biểu tượng của nền ballet Nga, biểu tượng của sự trong sáng, vĩ đại, của sắc đẹp quyền quý của ballet Nga. Và không phải ngẫu nhiên mà chính các nữ diễn viên ballet Nga khi đóng vai nữ hoàng thiên nga Odetta đã còn lại trong ký ức của khán giả như những huyền thoại tuyệt đẹp – Marina Semenova, Galina Ulanova, Maya Plisetskaya, Raisa Struchkhova, Natalia Bessmertnova…

Lưu Hải Hà & Nguyễn Quỳnh Hương (nhaccodien.info) tổng hợp

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Bản Giao hưởng "dang dở" của Franz Schubert- 8 Symphony "Unfinished"




Franz Schubert - âm nhạc và cuộc đời dang dở

"Khúc nhạc chiều" với giai điệu buồn da diết của nhạc sĩ thiên tài người Áo đã khiến cả nhân loại phải thổn thức. Con người bình dị này đã miệt mài sáng tạo trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình và để lại 10 bản sonate, 20 bản tứ tấu, 10 bản giao hưởng và 5 vở opera cho kho tàng âm nhạc cổ điển thế giới.


Nhạc sĩ Franz Schubert.

Schubert từng có 15 năm làm thày giáo tiểu học theo nghiệp cha, nhưng thực ra ông nghĩ tới âm nhạc nhiều hơn dạy học. Khi mới tuổi 18, Schubert viết bản lider (ca khúc thơ có đệm đàn piano) đầu tiên. Ông là người có công phối hợp đến mức tuyệt vời thể loại thi ca và giai điệu.

Trong số 10 bản giao hưởng đồ sộ của ông có một bản giọng si thứ, sáng tác vào năm 1822 chưa hoàn thành. Sau này, giới phê bình âm nhạc gọi tên là bản Giao hưởng bỏ dở. Mãi về sau, người ta mới biết được Schubert rất hay bị đau ốm, nên ông không thể hoàn thành trọn vẹn bản giao hưởng tuyệt vời đó. Đây là bản giao hưởng duy nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển chỉ có hai chương. Tuy nhiên, chính sự dang dở ấy đã khai mở một mạch nguồn âm nhạc vô tận, mỗi người có cách phát triển ý nhạc đó theo cảm xúc riêng.

Năm 1815, Hoàng đế nước Pháp Napoleon bị phế truất. Niềm hy vọng về tự do và cách mạng thổi bùng khắp nơi. Ban ngày, người dân bàn tán về số phận của châu Âu, ban đêm khiêu vũ trong các quán rượu, nhà hàng và các lâu đài quý tộc. Chính những nơi này sinh ra những điệu valse, mà sau này dòng họ Johann Strauss đã khai thác triệt để và trở thành những bản valse bất tử của nhân loại. Khi ấy, Schubert thường thết đãi bạn bè nhạc sĩ bằng những bản nhạc do mình sáng tác trong những buổi dạ hội mang tên Những buổi tối Schubert. Các sáng tác của ông được giới nhạc sĩ đương thời ngưỡng mộ. Thế nhưng, ông lại không có được vị trí xứng đáng trong danh sách những nhạc sĩ hàng đầu của thành Vienne lúc bấy giờ.

Cuộc sống của thiên tài rất nghèo túng. Đôi khi, ông viết liên tục không nghỉ trong một ngày, chỉ mong kiếm được một khoản kha khá từ các nhà sản xuất. Có nhà xuất bản chỉ chịu trả cho ông 6 bản lider trong số 24 bản của tập Hành trình mùa đông với giá 15 franc rẻ mạt.

Tuy vậy, Schubert vẫn miệt mài sáng tác. Các tác phẩm của ông thấm đượm nỗi u buồn và ca ngợi sự chịu đựng phi thường của con người trước số phận bất hạnh. Những giai điệu ấy cũng chan chứa tình yêu cuộc sống cho đến phút cuối cuộc đời.

Khúc nhạc chiều bất hủ của ông sáng tác là để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu trộm nhớ. Để làm cho nàng bất ngờ, ông nhờ một bạn thân là ca sĩ, trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Tối đó, người ta bí mật khiêng cây đàn piano vào trong vườn, tất cả đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn lãng mạn và độc đáo. Thế nhưng, Schubert lại quên không đến. Trớ trêu thay, cô gái lại đem lòng yêu chính chàng ca sĩ, chứ không dành trái tim cho Schubert.

Vào một ngày mùa đông tháng 11 năm 1828, nhạc sĩ thiên tài giã từ thế giới ở tuổi 32, vì căn bệnh thuỷ đậu tại nhà của một người anh em ở ngoại ô thành Vienne. Khi ông mất, người ta kiểm kê tài sản và chỉ đếm được vẻn vẹn 6 shilling đồng sáu xu và một đống bản thảo nhạc viết tay.

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Bắn không rơi, tôi xin lao thẳng vào B52



Phim "Em bé Hà Nội", bộ phim nói về cuộc sống người Hà Nội trong cuộc chiến "Điện Biên Phủ trên không-1972".

Vào những đêm mùa đông cuối năm 1972, tuổi thơ tôi đã từng chứng kiến những đợt mưa bom do máy bay Mỹ thả và cả máy bay B52 rơi trên bầu trời Hà Nội. Khi đọc bài viết dưới đây, tôi vẫn cảm thấy cảm xúc hào hùng của những ngày chiến đấu của quân và dân Hà Nội chống lại "siêu pháo đài bay B52" của Mỹ (xin nói thêm, Anh hùng lực lượng vũ trang-phi công Vũ Xuân Thiều là một người con Hà Nội và nếu còn sống thì đã trở thành người anh rể họ của tôi). Blog5sao.

“Bắn không rơi, tôi xin lao thẳng vào B52”
(Dân trí) - Thượng úy phi công Vũ Xuân Thiều báo cáo: “Bắn B52 địch không rơi tại chỗ, tôi xin lao thẳng vào nó”. Ngày 28/12/1972, anh đã lao thẳng chiếc Mig của mình vào B52 địch. Hoa Kỳ công nhận đây là chiếc máy bay cuối cùng bị không quân Bắc Việt bắn hạ tại chỗ.


Xác máy bay B52 bị quân dân Thủ đô bắn hạ, rơi trên đường Hoàng Hoa Thám.

Trung tướng Vũ Xuân Vinh, nguyên phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, người đã có mặt tại Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân suốt 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội cho biết: Tính đến tháng 11 năm 1972, Hội nghị 4 bên ở Paris đã họp đến gần 160 phiên nhưng vẫn bế tắc. Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lệnh cho các lực lượng vũ trang: “Có nhiều khả năng địch sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng pháo đài bay chiến lược B52 đánh vào Hà Nội - Hải Phòng. Do đó nhiệm vụ của quân chủng Phòng không - Không quân là tập trung mọi khả năng, nhằm đúng đối tượng B52 mà tiêu diệt”.

Đúng vậy, ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn ký phê chuẩn chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ 2, bắt đầu đánh trên không vào Hà Nội, Hải Phòng vào 7 giờ sáng ngày 18/12/1972 (giờ Hà Nội là 19 giờ ngày 18/12/1972), đồng thời tiếp tục thả thuỷ lôi phong toả Cảng Hải Phòng.

B52 là loại "siêu pháo đài bay chiến lược" do hãng Bô-inh sản xuất, chiếc đầu tiên được đưa bay thí nghiệm vào 16/4/1952 nên được gọi B52. Sau 20 năm, năm 1972, B52 đã được qua 8 lần cải tiến từ B-52A đến B-52G, B-52H. Mỗi chiếc B-52G hoặc H (loại bị bắn rơi tại Hà Nội tháng 12/1972) có thể mang trên dưới 100 quả bom với trọng lượng từ 17 đến 30 tấn cùng nổ chỉ trong phạm vi 3 đến 10 giây đồng hồ.

Mỗi B52 được trang bị 15 máy điện tử phát nhiễu chống các loại ra-đa của đối phương. Khi B52 tấn công mục tiêu còn có máy bay EB66 gây nhiễu phía ngoài và nhiều tốp F4 thả nhiễu tiêu cực là những bó sợi hợp kim nhôm trong khu vực độ dài khoảng từ 40km đến 70km, dầy khoảng 2km để gây nhiễu. Trung bình mỗi B52 đi chiến đấu có 7 máy bay chiến thuật đi kèm.

Hoa kỳ cho rằng “Đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của loại B52 bất khả xâm phạm”.



Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt kế hoạch đánh B52 Mỹ tại Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân tháng 12 năm 1972.

Theo Thượng Tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài: “Từ mùa xuân năm 1968, Bác Hồ đã nói: Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ dung B52 ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Trước đây, trước khi ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Trung tướng Vũ Xuân Vinh cho biết Quân chủng Phòng không - Không quân đã cử nhiều đoàn cán bộ vào các chiến trường nghiên cứu cách chống nhiễu trong đánh máy bay địch. Từ thực tế chiến trường, cán bộ chiến sĩ Quân chủng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý, xây dựng thành những cẩm nang “Cách chống nhiễu thông tin”, “Quy trình bắt B52 trong nhiễu”... và đặc biệt là cuốn sách “Cách đánh B52 của Bộ đội Tên lửa”. Cuốn sách này dày 30 trang, là sự đúc kết kinh nghiệm, công sức, trí tuệ của một tập thể và phải đổi bằng cả xương máu của nhiều cán bộ, chiến sĩ...

Cuốn cẩm nang đánh B52 hoàn chỉnh trong tháng 11/1972 đã nhanh chóng được phổ biến, triển khai đến các đơn vị chiến đấu, được gọi là "Cuốn sách đỏ", đã góp phần làm sụp đổ thần tượng Pháo đài bay B52 Mỹ.

Trung tướng Vũ Xuân Vinh nhớ lại sự kiện ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Quân chủng phòng không không quân và chỉ thị: “Cho phép tên lửa các cậu bắn thoải mái, không phải bắn phát một nữa!”.

Ngày đầu tiên của “Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972), 3 máy bay B52 bị tiêu diệt và trận quyết định ngày 26/12/1972 có 8 máy bay B52 bị tiêu diệt.

Mức độ B52 bị tiêu diệt đạt 17,6% (34/193 chiếc), vượt xa mức mà Nhà Trắng có thể chấp nhận được từ 1 - 2%, buộc Mỹ phải chấm dứt cuộc tập kích chiến lược và trở lại Hội nghị Paris...

Đêm 18 rạng sáng ngày 19/12/1972, Đế quốc Mỹ cho 87 lần chiếc B52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật ném bom Hà Nội. Đêm 19/12, chúng tổ chức tiếp 3 đợt bắn phá dã man Hà Nội với 93 lần chiếc B52 và 163 lần chiếc máy bay chiến thuật.

Đêm 20 rạng sáng 21/12/1972, không quân Mỹ đánh phá Hà Nội với 8 tốp B52 (24 chiếc), gần 170 chiếc máy bay chiến thuật. Đêm đầu, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 3 B52 Mỹ, 4 máy bay chiến thuật, bắt sống 6 giặc lái. Chiếc B-52G đầu tiên rơi tại chỗ ở Phù Lỗ, Đông Anh. Sau đó ta hạ tiếp 7 B52, bắt sống nhiều giặc lái.

Trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không”, báo chí phương Tây nhận định chua cay: “Cứ với tốc độ này, chỉ 3 tháng nữa B52 sẽ bị tuyệt chủng!”.


Việt kiều mừng chiến thắng trước Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber - Paris sau buổi ký kết Hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973.

Trong phiên 171 của Hội nghị Paris tại Kléber ngày 21/12/1972, vừa vào họp, trưởng đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố: “Để biểu thị sự phản đối những cuộc ném bom cực kỳ dã man và thái độ đàm phán lật lọng của phía Mỹ, đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa với sự đồng ý của đoàn đại biểu Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam quyết định bỏ phiên họp lần thứ 171”.

Cả 2 đoàn Việt nam bỏ Hội nghị ra về. Cuộc họp chỉ kéo dài 58 phút.

Đêm 28/12/1972, được thông báo có B52, thượng úy phi công Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích. Anh báo cáo với trung đoàn trưởng: “Bắn mà B52 địch không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó”.

21 giờ 45 ngày 28/12/1972, Vũ Xuân Thiều bắn bị thương chiếc B-52D của phi công Lơ-uýt rồi anh đã lao thẳng chiếc Mig của mình vào B52 địch. Phía Hoa kỳ công nhận đây là chiếc máy bay cuối cùng bị không quân Bắc Việt bắn hạ tại chỗ.

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, không lực Mỹ đã huy động gần một nửa số máy bay chiến lược B52 (193/400 chiếc) với 663 lần xuất kích; một phần ba số máy bay chiến thuật (1.077/3.041 chiếc) với 3.920 lần xuất kích, cùng nhiều lực lượng, phương tiện, vũ khí khác. Đó thực sự là một cuộc chiến tàn bạo và huỷ diệt mà theo Mỹ, chúng có thể biến Hà Nội thành bình địa...

Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đến ngày 29/12, riêng Hà Nội đã bắn rơi 23 B52, nhiều chiếc bị rơi ngay tại chỗ, bắt sống nhiều giặc lái.

Sau sự kiện này, Tổng thống Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam từ 30/12/1972, đi đến việc ký kết Hội nghị về "chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam" tại Paris ngày 27/1/1973.

Những chiến thắng này thuộc công lao tập thể của toàn thể các cán bộ chiến sĩ Phòng không- Không quân, từ Tư lệnh đến anh em các đơn vị tên lửa, cao xạ, ra-đa; của toàn thể lực lượng vũ trang, công an, tự vệ...

Ngoài ra không thể quên công lao của các chiến sĩ áo trắng ngành Y. Ngay khi có báo động B52, mặc cho bom rơi đạn nổ trên đầu, anh chị em không ngại hi sinh, nhanh chóng từ nhà đến bệnh viện cấp cứu những người bị thương do bom đạn giặc Mỹ. Hàng chục bác sĩ, dược sĩ , công nhân viên các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Sanh Pôn..., sinh viên trường Đại học Y thực tập tại các bệnh viện đã trở thành liệt sĩ.

Trước những đống gạch đổ nát của bệnh viện Bạch Mai, chị bác sĩ Y-vo-nơ, chuyên gia huyết học người Pháp đã không cầm nổi nước mắt nói:

- Tôi chỉ là một bác sĩ, một người làm khoa học nhưng lúc này thấy cần phải làm chính trị để tố cáo tội ác man rợ của Đế quốc Mỹ đã ném bom tàn phá một bệnh viện mà ở đó chỉ có tình thương.

Cũng tại đây, chị Jane Fonda, một nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ bày tỏ:

- Tôi sẵn sàng từ bỏ những thu hoạch kinh tế lớn đến hàng trăm nghìn đô-la mỗi lần hợp đồng đóng phim của tôi để dành cho một việc làm chính trị: đấu tranh chấm dứt cuộc chiến tranh tàn bạo ở Việt nam, chấm dứt những hành động bất nhân của những tên G.I.(Gendarmeri international; có nghĩa là: sen đầm quốc tế) khét tiếng.

Tổng thư ký Hội đồng hòa bình thế giới, ông Rô-mét Săng-đờ-ra nói:

- Cuộc chiến tranh của các bạn Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh mới trong lịch sử, trong từ điển của tất cả các thứ tiếng. Nó có nghĩa là lòng dũng cảm tuyệt vời, lòng quyết tâm và chủ nghĩa anh hùng, nó có nghĩa là tất cả những gì mà mọi người mong muốn tìm trên thế giới này.

* * *

Tháng 12 năm 2012. Đã 40 năm qua, nhớ lại những câu chuyện mười hai ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội năm xưa, càng thấy tự hào về tinh thần chiến đấu ngoan cường, về lòng yêu nước vĩ đại của những người con quê hương Thăng Long - Hà Nội đã trên 1.000 năm tuổi.

Đỗ Sâm
Nguồn: http://dantri.com.vn/xa-hoi/ban-khong-roi-toi-xin-lao-thang-vao-b52-673297.htm

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Bản concerto op.64 dành cho Violin của Felix Mendelssohn



Bản Concerto cho Violin và dàn nhạc giọng Mi thứ Op.64 được viết vào năm 1844 tặng cho Ferdinand David - concertmaster của dàn nhạc Leipzig Gewandhaus và cùng với các Violin Concerto của Beethoven, Brahms, Bruch, Tchaikovsky, đây được coi là một viên ngọc sáng nhất trong kho tàng các tác phẩm dành cho violin. Những giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết đầy sức lôi cuốn đặc trưng cho phong cách của Mendelssohn tạo cho bản nhạc một sức hút vô cùng mãnh liệt.

 1- Về bản nhạc Violin Concerto giọng Mi thứ, Op. 64


Lịch sử hình thành

Có rất nhiều nhạc sĩ trưởng thành trong thời kỳ âm nhạc lãng mạn - thời điểm mà “cái đầu chi phối trái tim” là phong cách sáng tác chủ đạo của các nhạc sĩ. Phong cách này cho phép cảm xúc bay bổng của người nhạc sĩ vượt lên trên các quy tắc soạn nhạc chuẩn mực. Cũng trong thời kỳ này, kỹ thuật biểu diễn đã được đưa lên một cấp độ mới bởi Franz Liszt (piano) và Niccolo Paganini (violin). Kể từ đó, một loạt tác phẩm có những kỹ thuật đáng kinh ngạc đã liên tục được ra đời, có thể kể đến 3 bản piano concerto của Tchaikovsky, các piano concerto của Rachmaninov. Về violin, chúng ta có các bản: concerto số 1 của Bruch, và tất nhiên, không thể không kể đến bản concerto giọng Mi thứ của Felix Mendelssohn.

Felix Mendelssohn (1809 - 1847) là một thần đồng, tài năng của ông thậm chí còn bộc phát sớm hơn cả Mozart. Năm 14 tuổi, ông đã hoàn thành được 12 bản giao hưởng dành cho dàn nhạc dây. Năm 17 tuổi, ông đã hoàn thành bản Overture của vở “Giấc mộng đêm hè”, đây chính là một bước trưởng thành lớn trong phong cách sáng tác của ông. Không chỉ có tài năng âm nhạc, Mendelssohn còn chơi rất giỏi cả violin lẫn piano. Thêm vào đó, ông còn là một nhà thơ, họa sĩ có tài, nói được nhiều ngôn ngữ, thông thạo triết học; và đặc biệt, ông bơi rất cừ!

Phong cách sáng tác của Mendelssohn rất đặc trưng, với tính chất tươi sáng, tinh nghịch không thể nhầm lẫn được. Các tác phẩm của ông bao trùm mọi cảm xúc, từ vui vẻ lạc quan cho tới buồn rầu u uất, nhưng luôn ở một mức độ vừa phải, có giới hạn. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các tập tác phẩm Bài ca không lời dành cho piano độc tấu, trong đó Mendelssohn đã thể hiện rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, một cách tinh tế. Nhiều nhà phê bình cho rằng Mendelssohn được sinh ra để là một thiên tài, nên chắc chắn sẽ thành công. Điều này có thể đúng, nhưng với bản concerto viết cho violin và dàn nhạc giọng Mi thứ, Op. 64 có thể cho thấy một cách nhìn khác.

Bản concerto viết cho violin và dàn nhạc, giọng Mi thứ, Op.64 là một trong những tác phẩm lớn cùa Felix Mendelssohn. Nó đóng một vị trí cực kỳ quan trọng trong danh mục các tác phẩm dành cho đàn violin, và là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất và được trình diễn nhiều nhất mọi thời đại.

Vào năm 1836, Mendelssohn được chỉ định làm nhạc trưởng của dàn nhạc Leipzig Gewandhaus, và ông đã chọn Ferdinand David - người bạn thân, đồng thời cũng là một nghệ sĩ vĩ cầm đầy tài năng làm bè trưởng của dàn nhạc. Trong một bức thư gửi cho David đề ngày 30 tháng 7 năm 1838 , ông viết: "Tôi đang rất muốn viết một tác phẩm concerto trong mùa đông này. Khúc dạo đầu của bản nhạc giọng Mi thứ này cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi, làm cho tôi không lúc nào được yên". David một mặt rất vui vớiđiều này, nhưng đồng thời cũng có ý muốn tác phẩm phải thật lộng lẫy, đầy kỹ xảo, nhằm phô diễn hết tài năng của mình. Tuy nhiên, tác phẩm phải mất đến hơn 6 năm để hoàn thành. Có khá nhiều lý do cho sự chậm trễ này, một trong số đó là bản giao hưởng số 3, vốn được sáng tác xen giữa thời gian này, sau đó là khoảng thời gian không mấy vui vẻ tại Berlin khi Mendelssohn phải phục vụ cho hoàng đế nước Phổ - Frederick William đệ Tứ. Nhưng có một nguyên nhân đặc biệt, đó là sự e dè, hoài nghi bản thân của chính tác giả. Vì kiểu tác phẩm đòi hỏi sự rực rỡ, phô diễn, nhiều biến hóa này khá xa lạ với phong cách của Mendelssohn - vốn thiên về truyền thống.

Trong thời gian đó, Mendelssohn vẫn giữ liên lạc với David qua thư từ, trao đổi về nội dung cũng như các chi tiết, kỹ xảo, kỹ thuật cần có của bản concerto này. Có thể nói, đây là bản concerto đầu tiên cho phép người nghệ sĩ biểu diễn tham gia vào quá trình thai nghén, hình thành tác phẩm, tạo một tiền đề tốt cho các bản concerto của các tác giả khác được sáng tác sau này. Nhờ đó, tác phẩm không chỉ vượt qua khỏi cái bóng khổng lồ của Beethoven, mà còn kết hợp được cả tính trữ tình thơ ca của Schubert cùng sự cách tân trong kỹ thuật biểu diễn. Trong đó đáng chú ý nhất là tính liên tục gần như không có đoạn nghỉ giữa 3 chương nhạc, không chỉ vậy, các chương còn tự gắn kết với nhau; sau đó là vai trò chủ động của violin ngay phần đầu tác phẩm, cùng sự biến hóa liên tục của các chủ đề. Có ý kiến cho rằng với sự cách tân này, Mendelssohn đã thay đổi hoàn toàn hình thức concerto cổ điển; đồng thời đưa tác phẩm này trở thành bản concerto đầu tiên theo đúng phong cách lãng mạn.

Tác phẩm đượcđề thời điểm hoàn thành vào ngày 16 tháng 9 năm 1844, chỉ vỏn vẹn 3 năm trước ngày ông mất. Tuy vậy, sau đó Mendelssohn vẫn thường xuyên trao đổi với David và chỉnh sửa tổng phổ rất nhiều lần, thậm chí ngay cả sau lần công diễn đầu tiên tại Leipzig vào ngày 13 tháng 3 năm 1845. Trong một bức thư vào tháng 6, ông nói viết cho David: "Anh đừng cười nhạo tôi, tôi thấy xấu hổ lắm, nhưng bây giờ chả biết làm thế nào cả. Tôi vẫn đang cố xoay xở với bản nhạc này đây".

Trong buổi công diễn đầu tiên, vì bị ốm nên Mendelssohn không thế chỉ huy dàn nhạc, vai trò nhạc trưởng được trao cho nhà soạn nhạc người Đan Mạch Niels Gade. Trái ngược với sự lo lắng trước đó của Mendelssohn, tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt ngay trong lần công diễn đầu tiên, và được biểu diễn lần thứ hai vào mùa thu năm đó. Khoảng 1 tháng sau buổi biểu diễn lần thứ hai này, theo kế hoạch thì Clara Schumann sẽ biểu diễn bản concerto viết cho piano và dàn nhạc của chồng mình - Robert Schumann tại Dresden. Nhưng thật đáng tiếc, vị bị ốm nên bà đã không thể biểu diễn. Nhạc trưởng của buổi hòa nhạc, Ferdinand Hiller đã thay thế bằng bản concerto cho violin của Mendelssohn. Solist chính là Joseph Joachim – một học trò của David, khi đó mới 15 tuổi. Những tràng pháo tay không ngớt dành cho màn trình diễn tuyệt vờicủa người nghệ sĩ trẻ chính là một trong những nấc thang đầu tiên đưa ông trở thành một tượng đài vĩ cầm lớn của thế kỷ 19.

Sau Joachim, cũng có rất nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã trình diễn tác phẩm này. Tuy nhiên, không thể cho rằng đây là một tác phẩm dễ trình diễn. Một mặt, tác phẩm tạo ra khá nhiều cơ hội phô diễn các kỹ thuật phức tạp; tuy nhiên, tính thơ ca của tác phẩm sẽ cho thấy khả năng cảm thụ âm nhạc, cũng như khả năng biểu đạt của người nghệ sĩ.

Cấu trúc tác phẩm

Chương 1: Allegro molto appassionato
Bản concerto được bắt đầu ngay bằng tiếng violin da diết, sau đó chủ đề đầu tiên này được dàn nhạc lặp lại. Đây là sự đổi mới táo bạo của Mendelssohn, trong đó ông đảo ngược thứ tự xuất hiện của nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc. Trước đó, trong suốt khoảng thời gian từ thời kỳ âm nhạc Cổ Điển đến âm nhạc Lãng Mạn, hầu hết các bản concerto thường được mở đầu bởi một chủ đề do dàn nhạc diễn tấu, sau đó nhạc cụ độc tấu có thể lặp lại chủ đề đó, hoặc có thể giới thiệu một chủ đề mới.

Chỉ vài giây sau đó, trong sự mạnh mẽ của bè dây, chủ đề chính được violin giới thiệu; điều này gây cho thính giả cảm giác như bản concerto được bắt đầu từ lâu rồi. Các giai điệu tuyệt đẹp sau đó lần lượt tiếp nối cho đến cuối chương 1. Một điều đặc biệt là Mendelssohn đã tự mình viết đoạn cadenza (khúc trổ ngón), và đặt nó ở đoạn cuối của phần phát triển chủ đề. Với vị trí này, nó không dẫn tới một kết thúc cho chương nhạc, mà đóng vai trò như một khúc chuyển chủ đề khéo léo, khiến dư âm của chương 1 còn kéo dài qua chương 2.

Chương 2: Andante
Ngay trong khi bè dây đang dứt những nốt cuối cùng của chương 1, tiếng oboe đã vang lên sâu thẳm, da diết, mở đầu cho chương 2.

Sau đoạn dạo của dàn nhạc, violin bắt đầu những chủ đề đầu tiên. Tiếng violin nức nở, da diết dẫn dắt thính giả qua những cảm xúc khác nhau, chủ đề nối tiếp chủ đề cho đến hết chương 2.

Kết thúc, violin quay về chủ đề đầu tiên, âm thanh nhỏ dần, rồi nhịp độ thay đổi đột ngột, báo hiệu chương 2 kết thúc, chuyển sang chương 3.

Chương 3: Allegretto non troppo – Allegro molto vivace
Tiếng violin cất lên cao vút, được dàn nhạc phụ họa, rồi đột nhiên âm thanh cất lên hồ hởi, mạnh mẽ. Sau đó violin lần lượt phô diễn các giai điệu của mình, từng đoạn nảy đầy kỹ thuật của ác-sê, kỹ thuật chạy nốt điêu luyện của violin, tiếng timpani dồn dập, bè dây đầy hứng khởi …thay nhau vượt lên trước. Rồi violin phô diễn nốt những nốt nháy ma thuật, bè dàn nhạc to dần, đuổi bắt lẫn nhau mãnh liệt rồi đột nhiên cùng đồng thanh, âm thanh như vỡ òa trong niềm vui, đưa bản concerto về một kết thúc huy hoàng.

Tầm ảnh hưởng của tác phẩm

Bản concerto của Mendelssohn có ảnh hưởng sâu đậm và truyền cảm hứng cho các thế hệ nhạc sĩ sau đó. Có thể nói, các kỹ thuật, giai điệu, phong cách của tác phẩm này đã trở thành mẫu mực, thường xuyên được các nhạc sĩ khác tiếp thu và phát triển trong các tác phẩm của họ. Một số ví dụ là: cách đặt đoạn cadenza khác thường trong concerto cho violin của Tchaikovsky (ngay trước hồi kết chương 1) hay đoạn cadenza trong concerto của Sibelius cũng được dùng để kéo dài thêm phần phát triển chủ đề như trong bản concerto của Mendelssohn.

Nối tiếp Mendelssohn, các nhạc sĩ bắt đầu tự sáng tác các đoạn cadenza, các solist không cần phải ứng tấu như các tác phẩm thời kỳ của Mozart hay Beethoven nữa. Thêm vào đó, sự nối tiếp chặt chẽ của 3 chương nhạc cũng cho các nhạc sĩ một cách biểu đạt mới, điển hình là bản concerto số 2 cho piano của Franz Liszt.

Năm 1906, trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 75 của mình, Joseph Joachim đã nói: “…Người Đức có 4 bản concerto cho violin. Bản concerto oai hùng, mãnh liệt nhất là của Beethoven. Mẫu mực nhất là tác phẩm của Brahms. Quyến rũ, du dương nhất là Bruch. Nhưng sâu sắc nhất, từ sâu thẳm trong tâm hồn, là viên ngọc sáng tỏa ra từ trái tim - là bản concerto của Mendelssohn. ..”

Với những giai điệu tuyệt vời, quả thật không quá ngạc nhiên khi tìm thấy rất nhiều bản thu của tác phẩm này trên thị trường. Gần như nó là một tác phẩm bắt buộc phải biểu diễn của mọi nghệ sĩ. Trong số các bản thu này, bản thu của Isaac Stern cùng với dàn nhạc Boston Symphony Orchestra được rất nhiều người yêu thích, vì không chỉ có kỹ thuật biểu diễn điêu luyện, ông còn cho thính giả được thực sự đắm mình trong sự quyến rũ của những giai điệu âm nhạc. Bên cạnh đó, các bản thu của Leonid Kogan, Anne Sophie Mutter, Arthur Grumiaux, Chio Lang Lin cũng rất đáng quan tâm. Mỗi bản thu đều có nét quyến rũ riêng, người thì chơi với phong cách nồng nàn, quyến rũ; người thì chơi với tốc độ cao, đầy nhiệt huyết. Nhưng dù đến với bản thu nào, chắc chắn ai cũng sẽ yêu thích những giai điệu tuyệt vời của bản concerto này!

2- Về nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn (1809-1847)

Felix Mendelssohn (tên đầy đủ Jacob Ludwig Felix Mendelssohn) là một thần đồng âm nhạc, một nghệ sĩ piano xuất sắc, một nhạc sĩ vĩ đại, một nhạc trưởng tài ba, một nhà phê bình bậc thầy.

Sinh ngày 3 tháng 2 năm 1809 tại Hamburg, Đức, là cháu nội của nhà triết học nổi tiếng thế kỷ XVIII Moses Mendelssohn, Felix được sống trong một gia đình khá giả và có nền giáo dục rất tốt (bố cậu, ông Abraham là chủ ngân hàng miền Bắc nước Đức). Felix còn có hai chị gái (Fanny, Rebekah) và một em trai (Paul) đều có năng khiếu về âm nhạc trong đó đặc biệt chị cả Fanny là người bạn rất thân thiết và có ảnh hưởng rất lớn đến Felix sau này.

Do rất sung túc về kinh tế nên gia đình Mendelssohn thường xuyên tổ chức các hoạt động âm nhạc tại nhà riêng. Điều này đã giúp cho tài năng thiên bẩm của Felix được bộc lộ từ rất sớm. Cũng giống như Mozart, Mendelssohn nổi tiếng là một thần đồng từ khi còn rất nhỏ. Được mẹ, bà Leah Solomon dạy cho những bài tập piano đầu tiên khi 6 tuổi, đến 7 tuổi đi học ở Berlin với thầy giáo Ludwig Berger dạy piano và Karl Zelter dạy sáng tác - cả hai đều là người rất nổi tiếng thời bấy giờ. 9 tuổi cậu bé đã có buổi biểu diễn piano trước công chúng, 11 tuổi đã có những tác phẩm đầu tay. Được sự hậu thuẫn lớn từ gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần (điều rất hiếm đối với nhiều nhạc sĩ khác) Mendelssohn hoàn toàn chuyên tâm vào việc biểu diễn piano và sáng tác. Ngoài ra cậu còn bộc lộ năng khiếu hội hoạ của mình qua các bức tranh màu nước.

Trong thời kì đi du lịch Paris với chị gái Fanny, Felix đã nghiên cứu các tác phẩm của Mozart và Bach, trong đó âm nhạc của Bach đã đặc biệt lôi cuốn cậu. Khi Mendelssohn 12 tuổi, cậu bé được Zelter dẫn đến gặp nhà thơ vĩ đại Johann Wolfgang von Goethe. Goethe tỏ ra rất mến Mendelssohn và cậu bé ở nhà ông trong hơn 2 tuần lễ. Sau một lần nghe Mendelssohn biểu diễn, Goethe, khi đó đã 72 tuổi nói: “Khi tôi buồn, tôi nghe Mendelssohn đàn và tìm thấy niềm vui” và cậu bé trở thành người bạn nhỏ của ông. Cuộc tiếp xúc này rất quan trọng đối với sự nghiệp của Mendelssohn. Sau này, hai người còn thường xuyên gặp gỡ nhau và Mendelssohn đã sáng tác bản Piano quartet giọng Si thứ để tặng Goethe.

Gia đình thường xuyên thuê các nhóm nhạc về nhà để trình diễn các tác phẩm của Mendelssohn, chính điều này đã tạo diều kiện để cậu có những đánh giá chính xác hơn về các tác phẩm của mình.

Cùng lứa tuổi với các nhạc sĩ khác như Schumann, Chopin và Liszt nhưng tài năng của Mendelssohn được thừa nhận đầu tiên ở châu Âu. Từ năm 11 đến 15 tuổi Mendelssohn sáng tác 13 bản giao hưởng cho dàn dây và bản giao hưởng số 1 giọng Đô thứ, Op. 11. 16 tuổi, chàng trai trẻ hoàn thành một tác phẩm thính phòng xuất sắc: bản octet (bát tấu) cho dàn dây giọng Mi giáng trưởng, Op. 20 (cho 4 violin, 2 viola, 2 cello) và đã bắt đầu gây được sự chú ý. Lục lọi trong thư viện của Goethe, tình cờ Mendelssohn bắt gặp vở kịch Giấc mộng đêm hè của Shakespeare và thế là năm 1826, khi mới 17 tuổi, tác phẩm lớn đầu tiên của Mendelssohn: bản Overture “A Midsummer Night's Dream” Op. 21 (Giấc mộng đêm hè) ra đời và đạt được những thành công vang dội. Từ Vienna đến Paris, tên tuổi Mendelssohn luôn được nhắc đến với một sự kính nể. Tại Berlin năm 1827, lần đầu tiên tiếp xúc với bản nhạc này Chopin đã nhận xét: “Overture A Midsummer Night's Dream có thể khiến bất kỳ nhạc sĩ nào cũng phải kinh hoàng. Tuy kế thừa truyền thống cổ điển nhưng Mendelssohn lại có một tâm hồn lãng mạn. Đây không phải là thế giới vô hình do trí tưởng tượng xây dựng nên, cái thế giới khơi lên những ước mơ này là một thế giới có thật”. Một lời nhận xét vô cùng có giá trị nếu như ta biết rằng Chopin không hứng thú gì lắm với việc sáng tác cho dàn nhạc.

Theo học lịch sử và triết học (với Georg Friedrich Hegel) tại đại học Berlin từ năm 1826 đến năm 1829, Mendelssohn càng có điều kiện tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích cho công việc sáng tác của mình.

Kể từ đó con đường hoạt động nghệ thuật của Mendelssohn luôn được trải đầy hoa hồng. Năm 1829, ông đến Anh - nơi có nhiều điểm tương đồng về văn hoá với nước Đức thời kỳ đó. Mendelssohn được giới âm nhạc Anh đón chào nồng nhiệt và ông tỏ ra rất hạnh phúc. Trong thời gian này ông có đến thăm Scotland và Hebrides, chính nơi đây đã tạo cho Mendelssohn nguồn cảm hứng viết nên tác phẩm nổi tiếng overture “The Hebrides” Op. 26 (còn có tên khác là “Động Fingal”) - một trong những bản nhạc thành công nhất trong nền âm nhạc lãng mạn Đức thế kỷ 19 và những ý tưởng ban đầu về bản giao hưởng số 3 Scottish giọng La thứ, Op. 56 cũng bắt đầu được hình thành. Trong lần gặp gỡ Goethe lần cuối cùng tại Weimar vào tháng 5 năm 1830, một bài thơ của Goethe đã truyền cảm hứng cho Mendelssohn sáng tác nên bản cantata thế tục First Walpurgis-Night. Tháng 10 năm 1830, nhà soạn nhạc trẻ băng qua dãy núi Alps tiến vào nước Ý. Trong nhật ký Mendelssohn có viết: “Bây giờ tôi đang ở Ý và chắc chắn rằng đây sẽ là chuyến đi tuyệt vời nhất của tôi”. Mendelssohn đã không lầm. Sự đồ sộ của nền văn hoá Rome đã thực sự quyến rũ ông. Những công trình kiến trúc vĩ đại, những bức tranh vô cùng nổi tiếng từ thời Phục hưng và cả cuộc sống bình dị của người dân nơi đây đã khiến Mendelssohn như bị thôi miên. Tuy thời gian ở Ý chỉ khoảng 10 tháng nhưng đây là một trong những giai đoạn thăng hoa nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Năm bản cantata, Concerto số 1 cho Piano và dàn nhạc giọng Son thứ, Op. 25 ra đời trong thời gian này và chính nước Ý tươi đẹp là nguồn cảm hứng để Mendelssohn sáng tác bản giao hưởng số 4 Italian giọng La trưởng, Op. 90 - một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của ông.

Là người có trái tim nhân hậu và tâm hồn gần gũi với thiên nhiên, âm nhạc của Mendelssohn đầy chất thơ, trữ tình, duyên dáng và tha thiết. Tám tập Bài ca không lời viết cho piano (mỗi bản gồm 6 tiểu phẩm được viết trong khoảng thời gian 1829 - 1845) là những ví dụ diển hình nhất. Các cung bậc của cảm xúc được biểu đạt một cách hoàn hảo, giai điệu giản dị nhưng vô cùng sâu lắng. Mendelssohn chính là đại diện tiêu biểu nhất cho trường phái Lãng mạn.

Rời nước Ý, Mendelssohn qua Thuỵ Sĩ, Pháp rồi đến Anh một lần nữa. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1832, tại London, ông cùng người bạn mình là nghệ sĩ piano Ignaz Moscheles thực hiện rất nhiều chương trình hoà nhạc. Đặc biệt đích thân Mendelssohn biểu diễn các tác phẩm dành cho đàn organ của mình tại thánh đường St. Paul.

Trở về Berlin, Mendelssohn cưới Cecile Jeanrenaud - con gái một mục sư theo đạo Tin Lành. Đây là một cuộc hôn nhân hạnh phúc và họ có với nhau 5 người con.

Năm 1835, vô cùng đau xót trước sự qua đời của người cha thân yêu, chỉ trong vòng vài tháng Mendelssohn đã sáng tác xong bản oratorio St. Paul, Op.36 nhằm bày tỏ sự nhớ thương vô hạn. Mười năm sau, bản oratotio thứ hai Elijah, Op.70 ra đời. Cả hai tác phẩm này đều có nguồn gốc tôn giáo và chịu ảnh hưởng từ âm nhạc của Bach.

Năm 1840, Mendelssohn hoàn thành bản giao hưởng số 2 Lobgesang “Hymn of Praise” giọng Si giáng trưởng, Op. 52. Tác phẩm này chịu ảnh hưởng từ bản giao hưởng số 9 của Beethoven và cũng là bản giao hưởng có sử dụng các ca sĩ đơn ca và dàn hợp xướng. Mendelssohn đã goi bản giao hưởng này của mình với cái tên “Symphony - Catata”.

Mendelssohn có một tình cảm rất gắn bó với nước Anh. Trong suốt cuộc đời mình ông sang Anh tất cả 9 lần. Năm 1842, Mendelssohn được Nữ hoàng Victoria mời đến biểu diễn ở điện Buckingham và đích thân Nữ hoàng đã hát một số bài hát của ông.

Không chỉ là một nhà soạn nhạc vĩ đại, Mendelssohn còn được biết đến với tư cách một nhạc trưởng tài ba. Ông có công rất lớn trong việc dàn dựng lại các tác phẩm nổi tiếng tưởng như đã chìm vào quên lãng của các nhạc sĩ thời kỳ trước. Điển hình là năm 1829, tuy chỉ mới 20 tuổi nhưng Mendelssohn đã được Berlin Choral Academy tin tưởng giao cho việc làm sống lại kiệt tác vĩ đại của Johann Sebastian Bach “St.Matthew Passion” sau 79 năm kể từ ngày Bach qua đời. Năm 1833, ông chỉ huy dàn nhạc Dusseldorf công diễn tác phẩm “Messiah” của George Frideric Handel. Và vào năm 1839, hơn mười năm sau khi Franz Schubert qua đời Mendelssohn đã chỉ huy bản giao hưởng số 9 “The Great” của Schubert để tưởng nhớ người nhạc sĩ vĩ đại.

Mendelssohn còn là một nhà phê bình âm nhạc bậc thầy. Chính ông là người cổ suý nhiệt thành nhất cho nền âm nhạc lãng mạn đương thời với những cái tên như Chopin, Liszt và Schumann - người bạn thân nhất của ông. Mendelssohn cũng chính là người chỉ huy đầu tiên các tác phẩm của Schumann như bản giao hưởng số 1 năm 1841 và sau đó là concerto cho piano và dàn nhạc cùng với Clara - vợ của Schumann.

Cái họ Bartholdy (họ của đạo Cơ đốc) được cha của Mendelssohn thêm vào nhằm che giấu nguồn gốc của dòng họ. Tuy nhiên đến khi trưởng thành, Mendelssohn luôn tỏ ra tự hào về gốc gác Do Thái của mình và ông đã bỏ đi cái tên Bartholdy và giữ lại đúng họ của mình là Mendelssohn.

Năm 1835 được giao trọng trách chỉ huy dàn nhạc Leipzig Gewandhaus, năm 1841 được vua Frederick William IV mời làm giám đốc âm nhạc và năm 1842 là người sáng lập ra Nhạc viện Leipzig, Mendelssohn được cả nước Đức kính trọng.

Vào năm 1843, 17 năm sau kể từ ngày sáng tác overture, thực hiện nốt ước mơ dang dở thời trai trẻ, Mendelssohn hoàn thành phần âm nhạc cho vở kịch A Midsummer Night's Dream Op.61 của Shakespeare với trích đoạn tuyệt vời nhất: Wedding March (hành khúc đám cưới) mà ngày nay luôn được vang lên ở bất kỳ đám cưới nào trên khắp thế giới như là một nghi lễ bắt buộc.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Mendelssohn: bản Concerto cho Violin và dàn nhạc giọng Mi thứ Op.64 được viết vào năm 1844 tặng cho Ferdinand David - concertmaster của dàn nhạc Leipzig Gewandhaus và cùng với các Violin Concerto của Beethoven, Brahms, Bruch, Tchaikovsky, đây được coi là một viên ngọc sáng nhất trong kho tàng các tác phẩm dành cho violin. Những giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết đầy sức lôi cuốn đặc trưng cho phong cách của Mendelssohn tạo cho bản nhạc một sức hút vô cùng mãnh liệt.

Là người yêu thích không khí gia đình, Mendelssohn luôn tỏ ra yêu thương và gần gũi với những người thân. Sau cái chết của người cha (1835), bảy năm sau mẹ ông qua đời (1842), sức khoẻ của Mendelssohn ngày càng yếu dần và ông sống khép mình hơn. Và khi Fanny - nguời chị gái, người bạn thân thiết nhất của ông qua đời ngày 14 tháng 5 năm 1847, Mendelssohn bị khủng hoảng và suy sụp hoàn toàn. Mendelssohn mất ngày 4 tháng 11 năm 1847 tại Leipzig ở tuổi 38 để lại vở oratorio Christus còn dang dở trong sự tiếc thương của toàn bộ châu Âu. Ông được chôn ở nghĩa trang Holy Cross Church ngay cạnh mộ Fanny. Trong buổi đưa tiễn ông, có một dàn hợp xướng hát các trích đoạn trong “St.Matthew Passion” của Johann Sebastian Bach.

Felix Mendelssohn là một hiện tượng rất đặc biệt trong âm nhạc lãng mạn thế kỷ XIX. Không phải chịu đựng cảnh nghèo khổ như Franz Schubert, cũng không bị bệnh tật giày vò như Robert Schumann hay phải sống xa xứ như Frederic Chopin, Mendelssohn có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho âm nhạc mà không phải chịu bất kỳ sức ép hay những lo toan đời thường nào. Cuộc đời ông cũng thanh bình như chính âm nhạc của ông vậy. Có thể nói toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Mendelssohn có nhiều nét tương đồng với Mozart trong đó nổi bật lên là sự dịu dàng và trong sáng. Những miền đất ông đã đi qua, những phong cảnh thiên nhiên mà ông yêu thích đều làm cảm xúc trong Mendelssohn tuôn trào và hình thành nên những tác phẩm xuất sắc. Trong ngôi đền dành cho những nhạc sĩ vĩ đại, Mendelssohn luôn có một chỗ đứng vững chắc bên cạnh những tên tuổi lớn như Bach, Mozart hay Beethoven.

Nguồn: nhaccodien.info

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Beethoven - Für Elise - Piano & Orchestra



“ Thư gửi Elise” – tinh tế và xúc cảm

Có lẽ bản nhạc bản nhạc Für Elise hay chúng ta vẫn biết với cái tên “Thư gửi Elise” của Beethoven là một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất thế giới, bản nhạc mang lại cảm xúc cho triệu người nghe và như một chất xúc tác, một nguồn cảm hứng kỳ diệu cho hàng triệu người .

“Thư gửi Elise” vang lên khắp nơi.

Ngày nay chúng ta thường nghe thấy Thư gửi Elise (Für Elise) ở khắp mọi nơi như cho nhạc chuông điện thoại, còi ôtô, đồ chơi trẻ em.Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã sử dụng Für Elise như là nguồn cảm hứng, như là chất liệu âm nhạc trong các tác phẩm của mình.Năm 2002, ca sĩ nhạc Rap Nas đã dùng Für Elise làm nhạc nền cho ca khúc rap “I Can” của mình. Trong album Whitney’s Greatist Hits của ca sĩ Whitney Houston và Deborah Cox, Für Elise đã xuất hiện ở bài “Same Script, Different Cast”.

Tinh tế, trong sáng và tràn đầy tình cảm

Như tất cả mọi trạng thái, cảm xúc muôn đời của tình yêu Thư gửi Elise dạt dào tình cảm, mang lại cho người nghe một sự cuốn hút khó kiềm chế. Bản nhạc không quá phức tạp về mặt kỹ thuật, thậm chí bạn có thể chơi nó bằng một tay trên phím dương cầm, nhưng để đạt được tình cảm dạt dào, sâu lắng, tinh tế và đặc biệt rất trong sáng của Beethoven thể hiện trong bản nhạc là điều không đơn giản. Và như mọi thành tựu trong cuộc sống, để đạt đến sự giản dị và trong sáng luôn là điều rất khó khăn.Nhạc sĩ Beethoven đã sáng tác Thư gửi Elise khoảng năm 1810, khi ông đã 40 tuổi và đã được khẳng định là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất của mọi thời đại. Trong khoảng thời gian này, Beethoven đã bị điếc rồi. Vậy thì Thư gửi Elise đã được sáng tác trong cái sự “yên tĩnh” của nhạc sĩ. Như ai đó đã từng nói “ Tình yêu có chiều sâu hơn khi người ta lớn tuổi”. Thư gửi Elise mang lại sự sâu sắc vô cùng, như sự chiêm nghiệm của người đàn ông đã trải qua bao thăng trầm, cay đắng nhưng vẫn còn nguyên vẹn một tình yêu mãnh liệt và trong sáng trước một cô gái. Bản nhạc như một lời tỏ tình nhẹ nhàng du dương nhưng cháy bỏng. Tôi nghĩ rằng bạn không thể nghe nó một lần. Cũng giống như sự quyến rũ của tình yêu bạn cho phép mình được bay bổng và “phá cách” trong suy nghĩ và hành động để bày tỏ cảm xúc với người tình…Bạn có thể luyện kỹ thuật như: tốc độ cho đúng, hợp lý, âm thanh rõ ràng sau một thời gian tập luyện, nhưng một yêu cầu quan trọng khác không thấy được viết vào bản nhạc, đó là tinh thần,tư tưởng, tình cảm của cuộc đời của Beethoven. Và chính vì vậy đã hàng ngàn nghệ sĩ piano biểu diễn Thư gửi Elise vẫn miệt mài tập luyện, vì muốn thể hiện bản nhạc một cách “toàn vẹn” cần rất nhiều thời gian hiểu biết, tích lũy, cảm nhận để làm sao thể hiện những dòng âm thanh trào dâng mà vẫn sâu lắng và đặc biệt là trong sáng một cách kỳ lạ của người đàn ông 40 tuổi trải qua quá nhiều vất vả, bi kịch trong cuộc đời mà vẫn đang yêu đắm say…

Elise là ai?

Thực sự ra, cái tên của tác phẩm là do các nhà nghiên cứu về Beethoven khẳng định đã thấy lời đề tặng “Für Elise” do tác giả viết trên bản thảo, nhưng bản thảo đó cũng thất lạc từ lâu. Ngoài ra, cũng có nguyên do đặc biệt khác để có cái tên “Elise”.Thực tế là Beethoven đã không lập gia đình. Trong khoảng thời gian sáng tác bản nhạc này thì nhạc sĩ đã yêu Therese Malfatti. Cô này là một trong những cô đã từ chối lời cầu hôn của Beethoven. Hơn thế nữa, nét chữ của tác giả cực kỳ nát. Do vậy, một số học giả đã suy ra cái đầu đề của bản nhạc là do đọc nhầm từ chữ “Therese” thành “Elise”, họ còn cho rằng tác phẩm lúc đó đã được nhạc sĩ viết tặng cho một cô học sinh đang theo học, cô này tên là Theresa. Cứ như là một câu đố đầy bí ẩn vậy, sự giải thích này cũng không hẳn là duy nhất, tuy là chữ “Therese” và “Elise” khác nhau khá nhiều.Chúng ta cũng không có tài liệu, thư từ nào của những người cùng thời với Beethoven nhắc tới cái tên “Elise”, nhưng cũng không hẳn là không có cái tên này trong cuộc đời của nhạc sĩ. Với chứng bệnh điếc của mình, Beethoven đã dần dần tự mình rút lui ra khỏi đám đông, vì vậy nếu muốn tìm hiểu thông tin của nhạc sĩ qua tài liệu của những người thân của ông cách đây hơn 200 năm thì quả là một điều rất khó. Tuy vậy, một số thư từ, tài liệu đã được tìm ra sau thời gian nhạc sĩ bị điếc, thì vào năm 1827 có bức thư cho “người tình bất hủ”. Mặc dù vậy, với rất nhiều nghiên cứu và phỏng đoán thì “người tình” này và Elise cũng chưa chưa chắc đã là một người. Và có thể cái tên Elise là một trong những điều bí hiểm ẩn còn phải nghiên cứu trong cuộc đời của Beethoven.

Thêm một sự tinh tế khác

Có một điều lý thú nữa là giai điệu bản nhạc được bắt đầu là E (mi) – D# (rê thăng) – E (mi), có thể tương tự là E (mi) – Eb (mi giáng) – E (mi). Ba nốt nhạc này ở tiếng Đức được ký hiệu là E – Es – E, và những chữ cái này có trong chữ ThErESE hoặc là EliSE.Nhưng cho dù cái tên “Elise” là do đọc sai, hay là một mối tình bí mật nào đó, hay là một người phụ nữ nào đó đã đem lại nguồn cảm hứng sáng tác cho Beethoven, mà cũng có thể họ chưa từng gặp mặt nhau. Thì điều bí mật này sẽ mãi mãi trong sự tưởng tượng của chúng ta. Có điều chúng ta được biết rằng Beethoven đã viết đi viết lại bản nhạc này trong vòng mấy năm liền, nhưng khi ông còn sống, ông chưa từng cho xuất bản, và bản nhạc đã được tìm thấy dưới dạng là một bản thảo viết tay.

Một chút phân tích bản nhạc:

“Für Elise” được viết ở giọng La thứ (A minor – a moll) và còn được goi là bản Bagatelle.Thế nào là giọng La thứ?Đi sâu vào lý thuyết âm nhạc thì hơi rắc rối. Nhưng để phân biệt sự khác nhau giữa các giọng, cơ bản người ta quy định ra 15 loại khác nhau. Đó là từ không có dấu gì ở đầu dòng nhạc đến 7 dấu thăng (#) hoặc dấu giáng (b) (tuy là có 3 cặp khác tên nhưng trùng âm thanh.)Ở đây, giọng La thứ là giọng không có dấu gì ở đầu dòng nhạc và gần như là giống với giọng Đô trưởng (C major – C dur) , hay còn gọi là giọng Đô.Bản Bagatelle?Thường là tác phẩm ngắn và nội dung có thể là để thể hiện, mô tả những sự bất thường của thời tiết, sự thay đổi của thiên nhiên.Bắt đầu bản “Für Elise” là nét chuyển động nhẹ nhàng mềm mại. Nhưng sau đó được chia ra làm 2 hướng phát triển khác lạ, không đoán trước được, mà đều bắt nguồn từ nét nhạc đầu tiên của bản nhạc. Và nét nhạc chính thì luôn luôn được vang lên trong toàn bộ tác phẩm.Hình thức (form) của tác phẩm được viết theo hình thức rondo. Một hình thức mà sau khi hết phần giai điệu đầu tiên (A) tiếp theo là phần phát triển (B), sau khi hết phần B thì phần A được nhắc lại, và sau đó là một phần phát triển khác (C), kết thúc là phần A được nhắc lại lần nữa. Có thể viết tắt là A B A C A. Đây là mẫu thường được dùng nhất, nhưng hình thức rondo cũng có thể có thêm nhiều các phần phát triển khác nữa (D, E, F …vân vân), còn tùy thuộc vào ý đồ tác giả.

Vài nét về Beethoven

Tay đàn điêu luyện.Ludwig Van Beethoven (1770-1827), người Đức, một nhạc sĩ bị điếc.Beethoven được coi là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng ông cũng nổi tiếng về tính cáu bẳn của mình, Và chúng ta thật khó mà hình dung nổi những đau khổ vất vả mà người nhạc sĩ vĩ đại này đã từng trải qua trong đời. Tài năng biểu diễn âm nhạc của Beethoven đã bộc lộ rất sớm từ lúc còn nhỏ, và ông bị người cha ác nghiệt nghiện rượu đã tận dụng tài năng của đứa con để kiếm tiền. Kỹ thuật chơi đàn của Beethoven tiến bộ rất nhanh, nhưng tiền thì đã không kiếm được nhiều như mong muốn. Khi Beethoven 11 tuổi, ông đã có thể chơi đàn oóc trong cung đình thay cho thầy của mình. Khi Beethoven 17 tuổi, ông đến Vienna. Theo dự định thì ông sẽ học sáng tác với Mozart, nhưng Beethoven lại phải quay về nhà ngay tức thì vì bà mẹ hấp hối. Thế rồi bà mẹ qua đời. Vài năm sau, Beethoven cũng trở lại Vienna, nhưng ông không còn cơ hội học sáng tác nữa, vì Mozart đã qua đời ở tuổi 35.Ông bố của nhạc sĩ cũng qua đời cùng năm Beethoven quay lại Vienna. Nhưng nỗi buồn này đã không làm thay đổi những bước đi mới trong sự nhiệp âm nhạc của nhạc sĩ. Lúc đó, ở độ tuổi hai mươi mấy, Beethoven đã theo học với một số nhạc sĩ nổi tiếng. Sau đó, những tác phẩm sáng tác của ông bắt đầu được chú ý tới với cả khen lẫn chê. Nhưng Beethoven đã khẳng định được mình là một trong những người chơi đàn ngẫu hứng siêu nhất thời đó. Người ta kể lại rằng tay đàn của ông đạt tới trình độ mà nhiều nghệ sĩ đàn piano mơ ước. Khoảng năm 1800, ông cho xuất bản 2 bản sonata, đó là bản Pathétique và bản Sonata Ánh trăng. Có thể coi cả 2 bản này đã là bước chuyển lớn từ thời kỳ cổ điển sang lãng mạn, cái thời mà các nhạc sĩ bắt đầu viết ra những cảm xúc riêng tư của mình mà không bị bó buộc vào việc sáng tác nhạc cho nhà thờ hoặc cho các cung điệnSự lạc quan đến lạ kỳNhưng những tai ương của Beethoven đâu có chấm dứt. Trong tình trạng sức khỏe đau yếu thường xuyên, thì cũng khoảng 1800, ông bắt đầu cảm nhận khả năng nghe của mình càng ngày càng kém, và rồi ông bị điếc luôn. Rõ ràng thời kỳ này đã thực sự là một thời gian thật kinh khủng đối với nhạc sĩ. Ông đã viết di chúc và định tự tử, Nhưng ông đã vượt qua và tiếp tục sống, tiếp tục sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của mình với một sự lạc quan đến diệu kỳ, ông đã viết như sau: “Linh hồn ta sẽ điều khiển cái thân thể yếu đuối của ta”. Với khả năng thật phi thường, kỹ thuật sáng tác của ông vẫn luôn tiếp tục phát triển, mặc dù ông bị điếc, và rồi một số lượng rất lớn tác phẩm của ông được viết ra trong khi ông không nghe được chút nào. Nhưng tinh thần, tư tưởng và sức sống mãnh liệt của ông thể hiện rất rõ trong từng tác phẩm.Dù ông quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc của mình và đã nổi tiếng khắp châu Âu, nhưng ông càng ngày càng xa lánh mọi người. Với bao lần đổ vỡ trong tình yêu, cộng với cái tính nóng như lửa của ông đã làm ông suy sụp.Năm 1827, Beethoven qua đời. Ông đã để lại cho hậu thế những bản nhạc bất hủ. Những tác phẩm này vẫn tiếp tục được lưu truyền tới hàng trăm năm sau.. Nhạc sĩ cũng đã để lại bản di chúc cuối cùng và bức thư cho “người tình bất hủ” của mình, tuy là đã có rất nhiều giả thuyết và phỏng đoán, nhưng không ai có thể tìm ra được chính xác người đàn bà đó là ai. Beethoven chưa bao giờ lập gia đình và không có đứa con nào. Đã có hàng trăm người đưa đám tang ông, nhưng vẫn có thể cho rằng ông đã qua đời trong sự cô đơn, và chưa được người đời thông cảm hết.Người đời kể lại rằng khi bị điếc Beethoven đã thèm được nghe tiếng đàn piano đến nỗi ông nằm áp tai xuống sàn nhà, và với tay lên đánh mạnh xuống phím đàn, để hòng mong cảm nhận được sự rung động của âm thanh. Tuy tay đàn của ông vẫn hoàn hảo mỗi khi ông chơi đàn một mình, nhưng ông cũng đã không còn có thể biểu diễn cùng dàn nhạc được như trước nữa.Cũng có thể nói, Beethoven là một nhạc sĩ không hề biết mệt mỏi, trong đời ông, ông đã thay đổi địa chỉ đến 50 lần. Ông sống chủ yếu ở Bonn (Đức), là nơi ông sinh ra, và ở Vienna (Áo), thủ đô âm nhạc của thế giới. Ở Bonn, người ta làm một bảo tàng về ông.Không ai biết ngày sinh sủa Beethoven. Nhưng có tài liệu nói là ông được làm lễ rửa tội vào ngày 17 tháng 12. Mà lễ rửa tội thường được làm sau khi ra đời một ngày, cho nên nhiều người cho rằng ông sinh ngày 16.

Bộ tân ước của âm nhạc

Beethoven đã sáng tác rất nhiều trong đời. Cho tới ngày nay, những ý tưởng và hình tượng âm nhạc trong các bản giao hưởng của ông vẫn luôn là đề tài để thảo luận không ngừng. Người ta thường coi 32 bản Sonata cho piano của ông là bộ tân ước của âm nhạc, và toàn tập prelude và fuga cho đàn phím của nhạc sĩ Johann Sebastian Bach là cựu ước. Một vài giai điệu rất nổi tiếng trên thế giới là do Beethoven sáng tác, nhưng khá nhiều người không biết là của ông. Nét giai điệu của bản giảo hưởng số 5 và số 9 thì là quá phổ biến.Tuy là bị điếc, nhưng ông lại có thể sáng tác tác phẩm cho cả dàn nhạc, mà hơn 200 năm sau, âm thanh của những bản giao hưởng vẫn mãi tuyệt vời. Hiện nay, bản giao hưởng số 9 “hướng tới niềm vui” đang được sử dụng là quốc ca của khối cộng đồng châu Âu. Và giai điệu nổi tiếng nhất thế giới mà ai cũng biết, đó là đoạn mở đầu của bản giao hưởng số 5. Những tác phẩm không thể bỏ qua của Beethoven:· 1. Piano Sonata số 8 “Pathétique”· 2. Piano Sonata số 12 (Chương hành khúc tang lễ)· 3. Piano Sonate số 14 “Sonate Ánh Trăng”· 4. Piano Sonate số 17 “Bão Tố”· 5. Piano Sonatina số 2 (Nhẹ nhàng nhí nhảnh. Những tác phẩm gây chấn động:· 1. Bản giao hưởng (Symphony) số 5· 2. Bản giao hưởng số 7· 3. Bản giao hưởng số 9 “Hướng tới niềm vui” (với dàn hợp xương)–Beethoven nói:

Bạn hỏi tôi rằng tôi có được những ý tưởng từ đâu? Điều này tôi không thể nói một cách chính xác. Nhưng những điều đó đến một cách bất ngờ, đến trực tiếp hoặc đến gián tiếp. Tôi chớp ngay lấy chúng bằng đôi bàn tay này. Trong không gian, trong rừng, trong khi đi dạo, trong cái tĩnh lặng của ban đêm hay trong ánh hoàng hôn, tất cả những điều đó thì được nhà thơ chuyển tải thành lời, nhưng tôi chuyển chúng thành những âm thanh. Những âm thanh này giằng xé, gầm gào, bão tố trong tôi đến khi tôi viết chúng ra thành những nốt nhạc./.

Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1627%3A-th-gi-elise--tinh-t-va-xuc-cm&catid=95%3Angh-thut-hc&Itemid=154&lang=vi

Beethoven - Moonlight - Piano & Orchestra - Part I/Sonat Ánh trăng


Năm 1801, ngoài việc sáng tác, để trang trải cuộc sống Beethoven còn nhận dạy nhạc cho các cô gái con nhà quý tộc. Trong số các học trò của mình, ông đã đem lòng yêu say đắm nữ bá tước 17 tuổi có tên là Giulietta Guicciardi.
Tuy nhiên, với vẻ ngoài xấu xí, tình yêu của Beethoven đã bị cự tuyệt. Trái tim của ông dường như tan vỡ sau khi Giulietta từ chối lời tỏ tình trong một đêm trăng tuyệt đẹp. Trong sự đau đớn, người nghệ sĩ đa tình của chúng ta lang thang khắp thành Viên và vô tình đứng cô độc trên một cây cầu bắc ngang sông Đa Nuýp diễm lệ.
Beethoven thực sự thức tỉnh trước vẻ huyền diệu của tự nhiên với ánh trăng sáng lấp lánh trên dòng sông. Không gian tĩnh lặng tràn ngập ánh trăng và vẻ bí hiểm của màn đêm, người nghệ sĩ nghèo vẫn đứng cô đơn trong niềm tuyệt vọng. Bất chợt, trong khi cả thành Viên đang chìm trong giấc ngủ thì đâu đó, tiếng dương cầm vẫn vang lên mãnh liệt. Bị mê hoặc bởi những nốt nhạc, Beethoven bước đi một cách vô định.
Đó là một khu ổ chuột nghèo nàn, chỉ có một ngôi nhà duy nhất có đèn còn sáng. Beethoven tiến lại và thấy một người cha đang lắng nghe tiếng đàn của cô con gái. Người nói với nhà nhạc sĩ vĩ đại rằng con gái của ông bị mù và rất yêu âm nhạc. Ước mơ duy nhất của cô bé là được ngắm nhìn vẻ đẹp của ánh trăng trên dòng Đa Nuýp thân thương. Nhưng chắc chắn không ai có thể đem đến điều giản dị ấy trừ phép màu của chúa. Hàng đêm, cô bé chỉ biết câm lặng và chìm đắm trong những nốt nhạc.
Xúc động trước tình cảnh của người cha và đứa con, Beethoven ngồi xuống ghế, chàng nhìn ánh trăng lung linh ngoài cửa và bắt đầu lướt tay trên chiếc dương cầm cũ kỹ. Những giai điệu ngân lên, lúc thì huyền ảo và kỳ bí như ánh trăng trong màn đêm, khi thì mãnh liệt và ào ạt như dòng Đa Nuýp. Hai cha con trong ngôi nhà nghèo ôm nhau khóc trong hạnh phúc, mọi nỗi đau dường như tan biến. Tiếng nhạc vẫn vang lên và cả ba người đắm chìm trong một thế giới huyền ảo mà chỉ có họ mới hiểu hết được. Âm nhạc chính là thứ đã vực dậy trái tim đầy đau khổ của chàng nhạc sĩ nghèo, làm cho cuộc sống của chàng trở nên quý giá đến từng giây. Ánh mắt người cha chưa bao giờ toát lên vẻ sung sướng như thế, ông trìu mến nhìn chàng nhạc sĩ đang say sưa với chiếc đàn cũ. Còn cô bé có lẽ mới là người hạnh phúc nhất thế gian, đôi mắt của cô đang nhìn thấy Đa Nuýp thân thương chở đầy ánh trăng, cô ngồi trên một chiếc thuyền buồm tuyệt đẹp lướt nhẹ trên dòng sông mến thương..... Và thế là cả thành viên đã ngập chìm trong ánh trăng.
Suốt cuộc đời của Beethoven, Sonate Ánh trăng là bản nhạc viết cho đàn dương cầm nổi tiếng nhất. Giá trị của nó không nằm trên những tờ giấy hay những lời khen sáo rỗng, nó là hiện thân của sự tự do trong sáng tác và những xúc cảm kì diệu đầy lãng mạn mà chỉ có những người vĩ đại nhất của thế giới mới miêu tả được qua các phím đàn. Và khi bạn muốn nói với ai đó về Sonata Ánh trăng, hãy dùng chính trái tim của mình.

- sưu tầm -

Beethoven, Ludwig van


Là người đại diện cuối cùng của trường phái cổ điển thành Vienna, nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig van Beethoven đã có những đóng góp vĩ đại vào tiến trình phát triển của âm nhạc cổ điển thế giới. Không có một di sản đồ sộ về số lượng như các bậc tiền bối của trường phái cổ điển thành Viên Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791) hay Joseph Haydn (1732 – 1809) nhưng Beethoven đã đem đến cho thế giới âm nhạc một phong cách mới, phong cách anh hùng ca rực lửa và tràn ngập tinh thần tranh đấu, vươn tới tự do cùng những cách tân vĩ đại. Với sự cải cách mạnh mẽ về nội dung lẫn hình thức, ở hầu hết các thể loại âm nhạc như sonata, concerto và giao hưởng, Beethoven đều để lại dấu ấn thiên tài của mình. Cả cuộc đời của ông thực sự là bản anh hùng ca của một con người có nghị lực phi thường vượt qua mọi khó khăn, thử thách và chiến thắng bệnh tật.

Ludwig van Beethoven sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Ông nội của nhà soạn nhạc thiên tài, Ludwig van Beethoven, giữ chức nhạc trưởng của nhà hát cung đình Bonn. Cha của nhạc sỹ, Johann van Beethoven, cũng là thành viên của dàn nhạc cung đình và là một bợm nhậu. Chính tật xấu này của Johann đã dìm gia đình ông và tuổi thơ Beethoven lâm vào cảnh địa ngục. Sau cái chết của người ông và sự nghiện ngập của người cha, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu nghiêm trọng, Beethoven đành phải thôi học từ rất sớm. Chính vì vậy, sau này, khi lớn lên, Beethoven đã nỗ lực học và tự học rất nhiều để tự bù đắp kiến thức cho mình. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, do sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, Beethoven được học nhạc từ nhỏ. Dù được giảng dạy một cách tuỳ hứng trong roi vọt, tài năng thiên bẩm đã khiến cậu bé Beethoven biết chơi thành thạo đàn clavecin, violin, flute... Buổi biểu diễn đầu tiên của Beethoven trước khán giả thành Bonn là vào ngày 26-3-1778 với một bản concerto cho đàn clavecin.
 
Ngôi nhà nơi Beethoven chào đời tại Bonn nay cũng  là bảo tàng
BeethovenTháng 10-1779, Beethoven bắt đầu theo học môn đối vị và nghệ thuật bè trầm với Kh. Neefe và chịu ảnh hưởng lớn về quan điểm thẩm mỹ từ người thầy đáng kính này. Năm 12 tuổi, Beethoven được đưa vào dàn nhạc cung đình với vai trò trợ lý đàn organ cho Neefe. Trong thời gian này, Beethoven được Neefe hướng dẫn về Bình quân luật của Johann Sebastian Bach (1685-1750) và bắt đầu biết đến George Frideric Handel (1685-1759), tác giả mà sau này, Beethoven đặc biệt ngưỡng mộ.
 
Sự nghèo túng luôn là bạn đồng hành với Beethoven trong những năm tháng trưởng thành. Ngoài việc chơi cho dàn nhạc cung đình, ông phải đi dạy học để kiếm tiền nuôi gia đình. Tuy vậy, những ước mơ về một chân trời âm nhạc mới mẻ ngoài phạm vi thành Bonn vẫn không ngừng thôi thúc ông tìm đến với thành Vienna, học hỏi những nhà soạn nhạc danh tiếng. Mùa xuân năm 1787, chàng nhạc sỹ thành Bonn đã đến đây để tìm gặp Mozart và đáng tiếc là chỉ được gặp Mozart một lần duy nhất. Sau khi nghe Beethoven chơi ngẫu hứng bên phím piano, Mozart đã choáng váng trước tài nghệ phi thường: “Hãy nhìn kỹ chàng trai này, rồi cả thế giới sẽ phải nói về anh ta”. Điều đáng buồn là cuộc gặp gỡ giữa hai con người thiên tài này chỉ diễn ra ngắn ngủi bởi Beethoven phải vội vã rời Vienna về Bonn vì mẹ bị ốm nặng. Cái chết của người mẹ hiền hậu, nhẫn nại đã không chỉ khiến Beethoven rơi vào tình trạng tuyệt vọng mà còn kéo theo sự sụp đổ của gia đình, vốn luôn luôn được bà mẹ dày công vun đắp.
 
May mắn cho Beethoven và cũng cho nhạc cổ điển bởi trong những năm tháng này, Beethoven đã có được sự nâng đỡ tinh thần từ hai người bạn tốt như Stephan von Breuning và Franz Wegeler, những người sẽ tận tụy gắn bó cả cuộc đời với ông. Thông qua mối quan hệ bè bạn này, Beethoven đã tiếp xúc với giới trí thức thành Bonn, mở con đường lớn đưa ông đến với văn học cổ điển Đức, văn học Hy Lạp cổ đại, văn học Anh. Beethoven đặc biệt say mê và chịu ảnh hưởng lớn của Homero với các bản trường ca “Iliad”, “Odisea”, Plutarque với “Tiểu sử các danh nhân” và William Shakespeare với các vở kịch nổi tiếng của ông. Hai nhà thơ Đức đương thời là Goethe và Schiller cũng chinh phục được Beethoven.
 
Beethoven
năm 1804 (chân dung do W. J. Mahler vẽ)Một sự kiện gây chấn động châu Âu thời bấy giờ cũng để lại dấu ấn sâu sắc cho Beethoven, đó là cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789. Những luồng tư tưởng tiên tiến từ cuộc cách mạng đã được Beethoven tiếp nhận hết sức hào hứng. Riêng cá nhân Napoleon được Beethoven hết sức ngưỡng mộ và thán phục. Có thể nói cuộc cách mạng Pháp 1789 đã góp phần thắp lên tinh thần rực lửa đấu tranh vì quyền tự do, bình đẳng của con người và phong cách anh hùng ca như các tác phẩm sau này của ông. Chính những biến động về tư tưởng đã giúp ông đi đến quyết định, rời thành Bonn vào tháng 11-1792 để đến với thành Vienna, trung tâm văn hóa của châu Âu thời bấy giờ. Giai đoạn ở thành Vienna sẽ là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành và bước thăng hoa trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của Beethoven. Ông đến với thành Vienna trong sự hào hứng của tuổi trẻ và niềm tin vào một môi trường học tập mới. Như các nhạc sỹ đương thời, Beethoven đã có được nhà bảo trợ cho quá trình theo đuổi nghệ thuật của mình, công tước Lichnowsky. Mặc dù nhận bảo trợ của Lichnowsky nhưng Beethoven trong mọi trường hợp vẫn giữ vững phẩm giá, lòng kiêu hãnh, lập trường kiên định về chính trị, quan điểm sống và coi đó là điều sống còn của cuộc đời mình.
 
Song song với quá trình sáng tác, Beethoven còn theo học các nhạc sỹ danh tiếng của thành Vienna để củng cố và hệ thống lại kiến thức âm nhạc của mình. Trong số các người thầy đáng kính ấy thì, nhà soạn nhạc vĩ đại Haydn, cha đẻ của giao hưởng, đóng vai trò quan trọng. Cũng phải nói thêm là đây cũng là thời kỳ sáng tác rực rỡ của Haydn nên nhà soạn nhạc già này đã không có nhiều thời gian dành cho Beethoven. Tuy nhiên, với vai trò của người đi trước, Haydn đã đưa ra những nhận xét xác đáng và những lời khuyên qúy báu về các tác phẩm mới sáng tác của Beethoven. Có một giai thoại kể lại rằng, khi Beethoven hỏi ý kiến thầy về các tác phẩm của mình, Haydn đã thốt lên sau những phút trầm tư suy nghĩ: “Anh gây cho tôi cảm tưởng về một con người có mấy cái đầu, mấy trái tim và mấy linh hồn”. Khi đã ổn định được cuộc sống và học tập thêm về âm nhạc, Beethoven bắt đầu ra mắt công chúng thành Vienna và nhanh chóng nhận được sự chú ý đặc biệt. Nhiều nhà hoạt động nghệ thuật cũng đánh giá cao tài năng của ông và hào hứng cho rằng: “Người nghệ sỹ này đã bù đắp cho chúng ta sự tổn thất sau cái chết của Mozart”. Không chỉ sáng tác, Beethoven còn là người đầu tiên đưa ra một phong cách mới trong nghệ thuật chơi piano: phong cách anh hùng ca.
 
Trong thời gian này, Beethoven tập trung sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc quy mô nhỏ tuy nhiên, ở các tác phẩm ấy đã xuất hiện dấu ấn của thiên tài, tiêu biểu như Piano sonata số 8 giọng Đô thứ "Pathetique" (1799), số 14 giọng Đô thăng thứ "ánh trăng" (1801), số 17 giọng Rê thứ "Tempest" (1801), overture “The Creatures of Prometheus” (1801)...
 
Sự hoàn chỉnh về nội dung và hình thức của khúc mở màn cho vở ballet “The Creatures of Prometheus” đã đưa overture trở thành một tác phẩm khí nhạc độc lập, tiền thân của loại tác phẩm giao hưởng một chương, giao hưởng có tiêu đề sau này. Riêng về sonata, Beethoven đã đem lại cho thể loại này một tầm vóc mới. Trước đây, các bậc tiền bối của ông đã sáng tạo ra thể loại sonata chưa có sự tương phản lớn giữa các chương và bản thân trong một chương cũng chưa thể hiện sự phát triển rõ nét giữa các chủ đề. Về sự sáng tạo của Beethoven ở thể loại sonata, các nhà hoạt động âm nhạc sau này đã cho rằng, Beethoven đã làm rõ phần triển khai cơ cấu các chủ đề, phân tích và tổng hợp các nét đấu tranh kịch tính, mạnh mẽ để tạo nên phần trung tâm của tác phẩm. Beethoven còn sáng tạo ra phần coda (phần kết) với nhiệm vụ là tổng kết tác phẩm bằng những nét chấm phá đầy rõ nét. Với tính chất kịch tính cao, thể hiện không chỉ giữa các chương mà phản ánh được sự phát triển nội tại trong từng chương này, Beethoven đã tạo ra sự phát triển mới về cả về nghệ thuật và tư tưởng trong các tác phẩm âm nhạc thính phòng.
 
Tài năng của Beethoven đã được khẳng định và một tương lai rực rỡ đã đến với nhà soạn nhạc thiên tài này. Khi người ta những tưởng bước đường nghệ thuật và cuộc sống riêng tư của Beethoven sẽ suôn sẻ thì bất hạnh đã đổ ụp xuống đầu ông. Lần này, không phải là sự túng quẫn về tài chính mà lại là bệnh tật. Căn bệnh điếc đáng nguyền rủa đã trở thành vật ngăn cách ông với tất cả. Đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về căn bệnh kỳ lạ này ở người nhạc sỹ thiên tài và lý giải nguồn gốc căn bệnh. Đến nay, có nhiều cách lý giải căn bệnh này của ông, một trong những cách đó là việc tập trung cao độ trong quá trình sáng tác chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn bệnh điếc của Beethoven. Điều đau xót hơn cả với nhạc sỹ là trước khi mắc căn bệnh này, ông có thính giác tinh tường, nhạy cảm đến mức hiếm có. Nỗi thống khổ về bệnh tật đã hành hạ ông và dẫn đến sự tuyệt vọng. Thậm chí, ông đã nghĩ đến việc tự tử. Tất cả những dằn vặt, đau đớn, đấu tranh nội tâm của nhà soạn nhạc được thể hiện qua bản di chúc Heiligenstadt nổi tiếng viết vào tháng 10-1802. Tuy nhiên, chiến thắng được bản thân, ý chí và nghị lực của Beethoven đã đưa ông đến với những thành công mới với những tác phẩm in đậm những phẩm chất tốt đẹp này. Ngay từ lời đề tựa bản giao hưởng số 2 giọng Rê trưởng op 36 đã cho thấy rõ điều đó: “Tôi muốn nắm lấy cổ số mệnh. Tuyệt vời biết bao nếu như ta có thể sống ngàn lần cuộc sống này!”.
 
Beethoven năm 1815Sau thời kỳ Heiligenstadt, Beethoven trở lại với âm nhạc với tinh thần và tình yêu cuộc sống của một con người hoàn toàn mới. Chính nét mới mẻ này đã đem lại sức sống và tầm vóc tư tưởng mới cho các tác phẩm của ông giai đoạn sau này. Những cách tân táo bạo, đưa hình thức và nội dung của các tác phẩm âm nhạc thoát khỏi lối mòn của các bậc tiền bối đã giúp Beethoven vươn tới đỉnh cao trong nghệ thuật, đặc biệt ở tác phẩm sáng tác từ năm 1803. Bản giao hưởng số 2 giọng Rê trưởng op 36 được coi là cầu nối của hai giai đoạn sáng tác nghệ thuật trước và sau năm 1803. Và các nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, đỉnh cao trong giai đoạn trưởng thành của Beethoven chính là các tác phẩm: Piano Sonata No.21 giọng Đô trưởng "Waldstein", Piano Sonata số 23 giọng Pha thứ "Appassionata", vở opera “Fidelio” và chùm 7 bản giao hưởng. Trong số các tác phẩm này, bản giao hưởng số 3 giọng Mi giáng trưởng "Eroica" có số phận đặc biệt không chỉ vì trước ngày công diễn, Beethoven đã xóa lời đề tặng Napoleon trên bản tổng phổ mà là sự cân đối và đẹp lạ thường của nó. Các nhà phê bình âm nhạc đều đánh giá cao tác phẩm này, coi đó là cột mốc mở ra đỉnh cao mới của nền âm nhạc giao hưởng thế kỷ 19. Sáng tác vĩ đại này không những có quy mô lớn mà còn có tư tưởng, khát vọng lớn lao vượt tầm thời đại. Tại tác phẩm này, chương menuetto kiểu cách đã được thay thế bằng chương Scherzo tươi vui (trước đây, trong bản giao hưởng số 1 Beethoven từng thế chỗ menuetto bằng Scherzo).
 
Tiếp sau thành công của bản giao hưởng số 3 là những chùm tác phẩm chói sáng của Beethoven với các bản giao hưởng được liệt vào hàng kinh điển trong kho tàng âm nhạc giao hưởng thế giới với các thể loại: kịch tính, bi kịch, ngợi ca thiên nhiên, sử thi: giao hưởng số 4 giọng Si giáng trưởng được nhạc sỹ Schumann ví như “cô gái Hy Lạp mảnh dẻ giữa hai người khổng lồ phương Bắc”, giao hưởng 5 giọng Đô thứ được mệnh danh là giao hưởng định mệnh, giao hưởng số 6 giọng Fa trưởng "Pastorale" được gọi là bản giao hưởng đồng quê, giao hưởng số 7 giọng La trưởng, giao hưởng số 8 giọng Pha trưởng và đỉnh cao giao hưởng số 9 giọng Rê thứ. Có câu chuyện về bản giao hưởng số 9 rằng nếu có người ngoài trái đất nào tới thăm hành tinh xanh của chúng ta thì để giải thích về con người, chỉ cần cho họ nghe bản giao hưởng số 9 này. Câu chuyện này đã nói lên được tính chất sử thi, tầm vóc và quy mô của tác phẩm. Có thể nói bước tiến về nghệ thuật của Beethoven là kết quả của quá trình học hỏi không mệt mỏi trong những năm tháng ở thành Vienna và cũng như sự chín muồi về tư tưởng của ông. Sâu xa hơn, đó còn là kết quả của quá trình phát triển âm nhạc giao hưởng mà các bậc tiền bối đã gây dựng lên, trong đó có sự phát triển của dàn nhạc giao hưởng, yếu tố giúp thể hiện các ý tưởng âm nhạc của ông. Về xã hội, tác động mạnh mẽ nhất đến Beethoven giai đoạn này là vẫn là luồng tư tưởng do cuộc cách mạng 1789 đem lại. Tuy Napoleon đã phản bội lại cách mạng song lý tưởng về một xã hội con người với con người sống trong tự do, bình đẳng, bác ái vẫn rực sáng trong ông.
 
Sẽ là không đầy đủ nếu không nhắc đến vị trí của các bản overture và 5 bản concerto cho piano với dàn nhạc, 1 bản concerto bộ ba cho piano, violin và cello, bản concerto duy nhất viết cho violin và dàn nhạc trong sự nghiệp âm nhạc của Beethoven. Với sức biểu đạt mạnh như một bản giao hưởng, các tác phẩm này của ông được đánh giá cao bởi sự súc tích, cô đọng, tính khái quát và mối quan hệ chặt chẽ giữa các chủ đề. Bằng tài năng của mình, Beethoven đã chứng minh rằng với những thể loại tác phẩm khí nhạc có quy mô nhỏ cũng có sức sống và tầm vóc như các tác phẩm lớn. Đây sẽ là tiền đề cho các nghệ sỹ thế hệ sau không tiếp tục khai phá để cho ra đời nhiều thể loại mới, làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc cổ điển. Riêng bản concerto cho violin duy nhất của ông cũng trở thành bản concerto kinh điển cho thể loại này.
 
Thành công về nghệ thuật nhưng cuộc sống riêng tư của ông lại không mấy may mắn. Mặc dù luôn luôn khao khát một mái ấm gia đình thực sự nhưng chưa khi nào, Beethoven gặp được người bạn gái tri âm, tri kỷ, sẵn sàng cùng ông đi hết cuộc đời. Ông từng có nhiều mối tình, phần lớn đều bất hạnh và có cái kết ảm đạm giống nhau bởi theo nhận xét của nhiều người thì vẻ bề ngoài không mấy hào hoa phong nhã, tính cách độc đoán (ảnh hưởng của bệnh điếc) và nhất là không có một gia sản hấp dẫn đã loại ông ra khỏi tầm ngắm của các thiếu nữ thời đó. Cũng phải nói thêm rằng, tuy có tính cách độc đoán, thậm chí có phần khắc nghiệt, nhưng với bạn bè, bao giờ ông cũng cư xử hết sức chân thành và đây là một trong những đức tính đẹp nhất của ông.
 
Cả cuộc đời của Beethoven là quá trình học tập, sáng tác không mệt mỏi và chiến đấu vượt qua số phận, qua những đắng cay thử thách của cuộc đời. Trong những ngày cuối đời, trên giường bệnh, ông vẫn không nguôi nghiền ngẫm đến đề tài của bản giao hưởng số 10. Dự định này đã mãi mãi không thể thực hiện được bởi trái tim nhà soạn nhạc thiên tài đã vĩnh viễn ngừng đập vào ngày 26-3-1827. Ông mất đi để lại một khoảng trống không dễ lấp đầy trong âm nhạc. Không chỉ thành Vienna mà cả thế giới âm nhạc rơi lệ tiễn đưa người anh hùng... Beethoven tuy không còn nữa nhưng với những người yêu nhạc cổ điển thì hình ảnh Beethoven với ánh mắt rực lửa, đầy thách thức trên gương mặt cương nghị đang sải những bước dài mạnh mẽ, cương quyết vẫn còn đó trong âm nhạc và cuộc đời.
 
Thanh Nhàn (nhaccodien.info)