Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Пламя - Не повторяется такое никогда-Bài hát Liên xô “Điều đó không bao giờ trở lại” hay "Mùa hè đã qua" trong phim 12A4H





Bài hát Liên Xô "Не повторяется такое никогда" dịch ra tiếng Việt là "Điều đó không bao giờ trở lại”.
Một bài hát rất nổi tiếng mà hầu hết các sinh viên Liên Xô những năm 1970 đều biết và hát trong những ngày tốt nghiệp đại học.

Bài "Не повторяется такое никогда" dịch ra tiếng Việt:
“Điều đó không bao giờ trở lại”
Thơ: Plyatskovskiy
Mây lãng đãng ngó vào cửa lớp,
Giờ học sao như dài mãi vô cùng.
Lạo xạo tiếng ngòi bút đưa trên vở
Chữ nối nhau ngay ngắn xếp theo dòng.
Mối tình đầu. Những năm tháng chuông ngân.
Băng trong suốt phủ xanh vũng nước.
Không trở lại, không sao quay lại được,
Không khi nào lặp lại nữa đâu!
Lạ lẫm mắt ai ánh nhìn kín đáo
Ẩn ý lời ai khó hiểu làm sao.
Sau lời ấy lần đầu tiên bỗng thấy
Thế giới kia muốn xoay chuyển lật nhào.
Mối tình đầu. Tuyết đọng đường dây
Trên trời cao – ngôi sao băng vụt sáng…
Không trở lại, ôi những ngày những tháng,
Không bao giờ lặp lại nữa đâu!
Mưa hát thành dòng, nước chảy nối nhau,
Gió xanh non xạc xào thủ thỉ…
Tranh cãi vu vơ, hờn ghen không nguyên cớ.
Tất cả như vừa mới hôm qua.
Mối tình đầu. Những năm tháng ngân xa.
Băng trong suốt lấp lánh xanh vũng nước…
Không lặp lại những tháng ngày khi trước,
Không lặp lại nữa đâu, không trở lại bao giờ!



Bài trên được nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân phổ lời thành bài “Mùa Hè Đã Qua” trong phim 12A4H nổi tiếng
Rồi mùa hè đã qua, trở lại mái trường xưa,
Nhìn lên phía hàng cây xanh bao la nhớ nhung.
Giờ học sao khó quên, mối tình đầu thiết tha,
Ngập ngừng trong ánh mắt ai thoáng nhìn qua.

Mãi trong ta còn nhớ những phút giây bên nhau,
Ngày nào ta chung lối, tay nắm tay nhau vui ca.
Có bao giờ ta trở lại những kỷ niệm xưa êm đềm,
Phút giây thoáng qua trong tim chúng ta vẫn còn thương nhớ.

Thoáng xa ngàn xa chân trời, cháy lên tình yêu cuộc đời,
Tháng năm đã qua đưa ta trở lại bên nhau...

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Tchaikovsky với vở balê Hồ thiên nga



Tchaikovsky với vở balê Hồ thiên nga

Nói tới văn hóa Nga, có lẽ rất nhiều người sẽ nghĩ ngay tới nghệ thuật balê của Nga, và nhắc đến balê Nga thì ai cũng nghĩ ngay tới một vở balê được gọi là “balê của những vở balê”, đó la vở ” Hồ thiên nga” của nhà soạn nhạc lừng danh Tchaikovsky. “Hồ thiên nga” là vở balê đã ra đời từ hơn một trăm năm trước, vào năm 1877, nhưng đến nay nó vẫn là niềm say mê của những ai yêu thích nghệ thuật này. Không phải vô cớ mà vở “Hồ thiên Nga” trụ lại được với thời gian lâu như vậy. Vở balê này gắn với những tên tuổi đã đi vào lịch sử nghệ thuật của thế giới, như nhà soạn nhạc Pie Tchaikovsky, nhà biên đạo múa Petin, Ivanov, Grigorovich. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó bộc bạch được những tâm tư thường cháy bỏng trong mỗi con người: tình yêu tuyệt đối, ước mơ cao cả, nỗi thất vọng, sự cám dỗ của đời thường.
 Vở "Hồ thiên nga" trên sân khấu Nhà hát Mariinsky

1 - Tchaikovsky với "Hồ thiên nga”

“Hồ thiên nga” là vở balê đầu tiên mà Tchaikovsky sáng tác. Ông quan niệm, balê cũng là một bản giao hưởng, và ông đã thể hiện ý tưởng của mình vào vở balê đầu tay này của mình. Tchaikovsky đã làm thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về các vở balê, đưa thứ nghệ thuật giải trí này lên thành một nghệ thuật trừu tượng, sâu sắc, mang được cả chiều sâu của tư duy.
Vào thời Tchaikovsky sáng tác vở “Hồ thiên nga”, ở xứ Bavaria thuộc nước Đức bây giơ,ø có vị vua Lidvig Đệ nhị nổi tiếng lãng mạn, nổi tiếng say mê nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Vua Lidvig Đệ nhị đã cho xây một tòa lâu đài thần tiên tuyệt đẹp gọi là lâu đài Thiên Nga, đứng trên sườn núi trông ra khu hồ cũng mang tên là hồ Thiên nga hết sức thơ mộng. Tòa lâu đài, khu hồ Thiên nga, vị vua lãng mạn đến khác thường đã gợi lên niềm cảm hứng cho Tchaikovsky sáng tác nên vở “Hồ thiên nga” tuyệt tác, một vở balê được xếp vào loại bi, trữ tình. Và có lẽ vì vậy Tchaikovsky đã quyết định đặt cho hoàng tử nhân vật chính của mình một cái tên Đức, dù Tchaikovsky là người Nga.
Hồ thiên nga” ra mắt khán giả lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1877. Sau sáu năm trình diễn thì tạm ngưng. Đối với thời kỳ đó, sáu năm cho một vở diễn đã là rất dài, vì nghệ thuật múa vẫn chưa đạt được độ điêu luyện và chưa truyền đạt được hết cái hồn của âm nhạc Tchaikovsky. Hồ thiên nga chỉ thành danh, chỉ thực sự được biết đến sau khi Tchaikovsky đã qua đời gần 20 năm sau. Vào năm 1895, Hồ thiên nga được dàn dựng lại và từ đó người ta mới cảm nhận được cái đẹp của nhạc Tchaikovsky, cái hồn lãng mạn của “Hồ thiên nga”, cái dịu dàng, quyến rũ của những vũ điệu balê.

2 - “Hồ thiên nga” và những cách nhìn khác nhau

Vở “Hồ thiên nga” đến nay có hai trường phái dàn dựng khác nhau, nhưng cũng đều rất được hâm mộ và mỗi vở thể hiện câu chuyện “Hồ thiên Nga” theo một khía cạnh khác nhau. Các nhà hát của Saint Petersburg thể hiện vở balê này theo sự dàn dựng của nhà soạn nhạc Rikardo Drigo với sự biên đạo múa của hai nhà đạo diễn nổi tiếng là Petin- người Đức, và Ivanov- người Nga. Còn Nhà hát lớn, trường phái của Moskva thì thể hiện vở diễn này theo đúng cái hồn nhạc của Tchaikovsky qua sự biên đạo múa của Grigorovich.
Vở “Hồ thiên nga” của Drigo ra đời lần đầu tiên vào năm 1895. Nhạc sỹ Rikardo Drigo đã không lấy toàn bộ nhạc của Tchaikovsky sáng tác cho “Hồ thiên nga”. Ông lấy những đoạn trích từ những sáng tác khác nhau của Tchaikovsky để đưa vào “Hồ thiên nga”, có cả những đoạn Drigo tự viết nhạc. “Hồ thiên nga” trong sự chuyển thể của Drigo mang nhiều nét cổ tích, mang nhiều nét huyện thoại hơn. Và “Hồ thiên nga” trở thành một huyền thoại thật đẹp, thật cảm động về tình yêu.
Nhà biên đạo múa người Đức Petin đã mang đến cho vở diễn cái không khí tưng bừng của những vũ điệu, cái hào nhoáng của những buổi lễ hội nơi cung đình, còn nhà biên đạo múa Ivanov đã làm cho vở balê “Hồ thiên nga” mang được bóng dáng tâm hồn Nga. Những cánh thiên nga yểu điệu rập rờn nối đuôi nhau bên bờ hồ phủ sương, những mái đầu nghiêng nghiêng mềm mại, làm người ta hình dung được những đàn chim thiên nga bên bờ hồ phương bắc. Những bước chân mềm mại, những cánh tay uyển chuyển theo dòng nhạc êm đềm làm người ta như thấy hiển hiện trước mắt những cánh chim nhè nhẹ đong đưa theo những tiếng hát buồn da diết của loài chim thiên nga.
Năm 1969 nhà biên đạo múa nổi tiếng của nhà hát lớn, ông Grigorovich, người hết sức say mê Tchaikovsky đã quyết định trả lại cho “Hồ thiên nga” cái hồn ban đầu của nó. Ông đã dàn dựng lại vở diễn theo đúng hồn nhạc của Tchaikovsky- một dòng nhạc đầy cảm xúc, đầy kịch tính, nhưng cũng thật lãng mạn. “Hồ thiên nga” trong cách nhìn của Grigorovich, không còn là một câu chuyện cổ tích về tình yêu nữa mà đã là một thế giới nội tâm đầy mơ mộng nhưng cũng thật sóng gió. Một thế giới của thật và giả, của trắng và đen thật gần nhau, thật khó phân biệt.
Nhưng dưới thời Liên Xô còn tồn tại, dàn dựng của Grigorovich phải thay đổi rất nhiều, đặc biệt là kết cục của nó. Những nhà lãnh đạo văn hóa Liên Xô khi đó không cho phép nàng Odetta, biểu tượng của niềm tin, của cái đẹp được chết trong tay của số phận. Mãi tới năm 2000, vở “Hồ thiên nga” mới được sửa lại theo đúng kịch bản của Grigorovich, một kịch bản theo sát ý tưởng lúc ban đầu của Chaikovsky nhất.

3 -Hoàng tử Digfrid và giấc mơ đi tìm sự tuyệt đối

Trong kịch bản của Drigo, “Hồ thiên nga” là một câu chuyện tình yêu thật đẹp.
Hoàng tử xứ Đức Digfrid vừa tròn 18 tuổi. Cha mẹ tổ chức chúc mừng chàng thật linh đình, những vũ điệu vui nhộn của khắp xứ Âu châu được mang ra trình diễn trong Hoàng cung, từ những vũ điệu vui nhộn của xứ Tây Ban Nha tới những điệu Valse lôi cuốn của Hung gari và Ba lan. Buổi chiều, bạn bè rủ hoàng tử vào rừng đi săn và họ dừng chân nghỉ lại bên bờ hồ yên tĩnh. Trong ánh trăng bàng bạc hoàng tử được chứng kiến một quanh cảnh thật kỳ lạ. Những con chim thiên nga mềm mại, trắng muốt từ từ thoát khỏi lốt thiên nga và biến thành những cô gái thật yêu kiều. Odetta, bà chúa của bầy thiên Nga đã làm hòang tử Digfrid bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp yêu kiều của mình. Odetta kể cho hoàng tử nghe về số phận của mình và các nàng thiên nga khác. Các nàng bị lão phù thủy độc ác Rotbart phù phép, biến thành những con chim thiên nga. Chỉ đến đêm, họ mới được trở lại làm người. Ma thuật của lão phù thủy chỉ biến mất nếu nàng Odetta gặp được một người hết lòng yêu thương và chung thủy với nàng. Bên bờ hồ thiên nga, Hoàng tử Digfrid đã thề sẽ mãi mãi yêu nàng Odetta.
Khi hoàng tử Digfrid trở về hoàng cung, thì cha mẹ của chàng lại tổ chức yến tiệc linh đình để kén vợ cho chàng. Tất cả các tiểu thư không làm chàng mềm lòng. Nhưng phù thủy Rotbart vô cùng thâm độc. Hắn cải trang cho cô con gái Odillia của mình mang dáng vẻ của bà hoàng thiên Nga Odetta và đã làm hoàng tử bị tưởng nhầm. Chàng vui mừng định công bố Odillia là vợ chưa cưới của mình, nhưng rồi chàng chợt thấy hình bóng của Odetta hiện về. Hoàng tử chợt bừng tỉnh và hiểu rằng chàng đã bị phủ thủy Rotbart đánh lừa.
Bên bờ hồ thiên nga các nàng thiên nga hồi hộp chờ đợi bà chúa Odetta của mình được giải thoát. Nhưng nàng Odetta buồn bã cho biết hoàng tử đã phụ bạc lại lời thề thủy chung của mình. Hoàng tử cũng chạy đến xin tha thứ vì sự nhầm lẫn của mình. Nhưng lời thề của hoàng tử đã không còn linh nghiệm nữa. Để cứu người yêu và bầy chim thiên nga, hoàng tử đã quyết định tìm đến cái chết. Nàng Odetta và hoàng tử đã cùng chết bên nhau trong lòng hồ thiên nga, nhưng tình yêu của họ thì từ đó đã trở thành bất tử.
Trong kịch bản của Grigorovich, “Hồ thiên nga” không còn là một huyền thoại về tình yêu nữa, mà nó đã mang đầy tính nội tâm, đầy tính triết lý.
Những cánh chim thiên nga yêu kiều bên bờ hồ, không còn là những nàng tiên bị phù phép, mà là thế giới của cái đẹp, của những mơ ước trong thế giới nội tâm của hoàng tử Digfrid. Nàng tiên thiên Nga Odette chính là hình ảnh của tình yêu, của sự dịu dàng tuyệt đối mà chàng được số phận cho nhìn thấy.
Nhưng số phận là một vị thần thật nghiệt ngã, chẳng cho người ta được êm ấm, dễ dàng đạt được mơ ước của mình. Số phận mách bảo cho hoàng tử sự hiện diện của Odette, nhưng cũng gửi đến cho hoàng tử nàng Odillia để thử thách. Odillia thật giống Odetta về hình thức, và hoàng tử đã bị nàng mê hoặc. Chỉ đến khi nhận nàng là vợ chưa cưới, Hoàng tử mới biết mình bị nhầm lẫn. Nhưng số phận không cho phép chàng làm lại. Khi chàng không còn giữ được sự trong trắng trong chính tâm hồn mình, thì giấc mơ trong trắng của khàng cũng chết. Khi chàng đã phản bội lại niềm tin, thì tình yêu tuyệt đối cũng không thể sống nổi, dù chàng được tha thứ. Và nàng Odetta đã bị chết trong tay của số phận nghiệt ngã ngay khi ngày mới bắt đầu.
Dù được dựng ở khía cạnh nào, khía cạnh huyền thoại, hay khía cạnh triết lý thì vở “Hồ thiên nga” cũng làm người xem mê đắm bởi vẻ đẹp của mình, bởi những giai điệu thật đặc sắc của mình và làm người ta phải suy tư về tình yêu, về niềm tin, về cuộc đời..

Đôi điều về lịch sử vở ba lê “Hồ thiên nga”

Tất nhiên là bạn biết giai điệu mở đầu vở ba lê “Hồ thiên nga”, giai điệu dẫn chúng ta đến bên bờ hồ nước kỳ lạ, nơi đó tình cảm của nữ hoàng thiên nga Odetta và hoàng tử Siegfried đã nảy sinh, còn lão phù thủy độc ác Rotbart cùng cô con gái Odillia – người giống Odetta như đúc thì làm mọi cách để hủy hoại tình yêu của họ. Công chúa Odetta cùng những người bạn gái bị lão phù thủy độc ác biến thành thiên nga…
Truyền thuyết chăng? Tất nhiên, nhưng khi viết nhạc cho vở ba lê này thì Piotr Ilich Traikovsky đi tìm trong câu chuyện cổ tích đó những ý nghĩ và tâm trạng gần gũi với ông và với những người cùng thời. Và như thế tác phẩm đã ra đời, và khi theo dõi những gì xảy ra trên sân khấu bạn thấy trong quan hệ của các nhân vật, trong sự tuyệt vọng và hy vọng của họ, trong sự cố gắng bảo vệ quyền được hạnh phúc của mình là sự đối kháng giữa cái thiện và cái ác, của ánh sáng và đêm tối.
Khi bắt đầu viết “Hồ thiên nga” thì P.I.Traikovsky đã là một nhà soạn nhạc nổi tiếng mặc dù vẫn còn rất trẻ. Traikovsky viết vở ba lê đầu tiên của mình theo đơn đặt hàng của Nhà hát Lớn, một phần cũng do nhuận bút khá lớn so với thời bấy giờ - 800 rúp. Mặc dù là một người yêu thích ba lê, nhưng nhạc sĩ vẫn cho rằng ba lê là “không có được sự tồn tại vững chắc”. Không phải là điều đó không có cơ sở: những vở ba lê hồi đó không trụ trên sân khấu được lâu, còn âm nhạc trong những vở ba lê thì ngay từ đầu đã không đặt mục đích trở thành âm nhạc nghiêm túc. Và bản thân Traikovsky cũng có những cảm xúc khác nhau đối với âm nhạc trong những vở ba lê của mình. Khi thì bỗng dưng ông gọi nhạc trong ba lê là “hoàn toàn vớ vẩn”, khi thì lại tỏ ra hy vọng rằng một vài đoạn sẽ được phổ biến hơn để làm nền cho những điệu khiêu vũ dạ hội.
Nhạc sĩ đã nghĩ gì khi viết nhạc “Hồ thiên nga”? Có phải là về những truyện cổ tích Nga, nơi có những “cô gái đẹp như thiên nga” mà ông đã nghe thời thơ bé? Hay là nhớ lại những dòng thơ trong “Vua Saltan” của Pushkin, nhà thơ mà ông vô cùng yêu quý – ở đó con thiên nga sau khi được công tước Gvidon cứu thoát đã “bay lên trên sóng vào bờ rồi lắc mình hóa thành một cô công chúa”? Cũng có thể trước mắt ông lại hiện ra những hình ảnh của thời gian hạnh phúc khi ông đến Kamenka – điền trang của Alekxandra Ilinhichna Đavưđôva, chị mình và cùng những đứa con của bà chị đã dựng những vở kịch gia đình. Một trong số những vở kịch đó là “Hồ thiên nga”, và Traikovsky đã viết nhạc riêng cho vở kịch ấy. Chủ đề thiên nga viết từ thời bấy giờ sau này cũng xuất hiện trong vở ba lê mới này.
Có lẽ là tất cả các yếu tố này đều tác động đến nhà soạn nhạc – đó là trạng thái tâm hồn của ông. Và một điều khác cũng rất quan trọng đối với chúng ta – vốn là một nhà soạn nhạc giao hưởng, nên trong “Hồ thiên nga” không phải là âm nhạc minh họa cho những tình tiết của libretto, mà là âm nhạc tổ chức hành động sân khấu, cuốn theo mình suy nghĩ của biên đạo múa, bắt nhà biên đạo hình thành sự phát triển các sự kiện trên sân khấu, và các hình tượng của các nhân vật, quan hệ của họ theo ý đồ của nhà soạn nhạc. Sau này Piotr Ilich sẽ nói “Ba lê cũng là một bản giao hưởng”. Nhưng khi xây dựng vở ba lê “Hồ thiên nga”, vở ba lê đầu tiên của mình, thì khi đó ông đã tư duy như thế - trong những nốt nhạc của ông mọi thứ đều liên quan với nhau, tất cả các chủ đề ngắn đều được đan xen vào thành một nút chặt mà người ta sẽ gọi đó là kịch nghệ âm nhạc.
Chỉ tiếc rằng năm 1877, khi vở ba lê “Hồ thiên nga” được trình diễn lần đầu tiên trên sân khấu Matxcơva thì chẳng có nhà biên đạo nào hiểu được tác giả và có thể ở ngang tầm những tư tưởng của nhà soạn nhạc. Khi đó Julius Reizinger, biên đạo múa của Nhà hát Lớn đã rất chăm chỉ, cần mẫn thử đem những giải pháp sân khấu của mình để minh họa cho kịch bản văn học do nhà soạn kịch V. Beghichev và diễn viên múa V.Geltser viết ra. Reizinger sử dụng âm nhạc như truyền thống – âm nhạc chỉ là phần nền nhịp điệu. Kết quả thử nghiệm không thành công, và người ta quên lãng “Hồ thiên nga” trong một thời gian khá lâu.
Lần sinh ra thứ hai của “Hồ thiên nga” xảy ra sau đó gần 10 năm. Đó là vào năm 1893, sau khi nhà soạn nhạc vĩ đại đã qua đời – tại một buổi trình diễn âm nhạc tưởng nhớ Traikovsky thì Lev Ivanov, một biên đạo múa Peterburg đã trình diễn cho công chúng xem hồi hai của vở ba lê, hồi múa “thiên nga” trong phương án biên đạo của mình.
Lev Ivanov là một biên đạo múa khiêm tốn của nhà hát Mariinsky (nay là nhà hát opêra và ba lê mang tên S.Kirov), người luôn luôn là cái bóng của bậc thầy Marius Petipa lừng danh. Ivanov có trí nhớ âm nhạc hiếm thấy, những người chứng kiến kể rằng chỉ cần nghe một lần những tác phẩm âm nhạc phức tạp đi nữa thì Ivanov cũng có thể chơi lại chính xác trên piano. Nhưng khả năng “tưởng tượng tạo hình” những hình tượng âm nhạc của Ivanov còn hiếm thấy hơn nhiều. Vốn rất yêu những nhạc phẩm của Traikovsky, Ivanov đã cảm nhận rất sâu sắc và tinh tế thế giới cảm xúc của vở ba lê này, và đã sáng tạo ra một bản giao hưởng vũ đạo tương tự “những bài ca chân thành” của Traikovsky. Đã hơn 100 trôi qua kể từ ngày ấy, nhưng “bức tranh thiên nga” do Ivanov biên đạo vẫn còn có thể nhìn thấy trong bất kỳ dàn dựng cổ điển nào của “Hồ thiên nga”.
Đó là Ivanov đã nghĩ ra những cô gái trắng bị phù phép với đôi tay bắt chéo trên bộ váy ba lê và mái đầu cúi thấp – ngay trong tư thế ấy người ta đã đoán ra hình bóng một con chim xếp cánh. Ivanov đã tìm ra cho các nữ diễn viên ba lê dáng vẻ và sự uy nghi uyển chuyển của từng chuyển động, bắt những đôi tay hát lên thành nhạc – và ngay lập tức trước mắt mỗi khán giả xuất hiện hình tượng những bài hát buồn bã kéo dài, những dàn đồng ca trầm mặc của những nàng tiên cá rusalka, những cánh đồng vô tận và thiên nhiên giản dị của phương bắc. Và tâm hồn Nga đã được thổi vào câu chuyện của Siegfried, chàng hoàng tử Đức và nữ hoàng thiên nga với cái tên Pháp Odetta.
Marius Petipa nhận ra ngay giá trị của giải pháp tuyệt vời của Ivanov và đề nghị Ivanov cùng biên đạo dàn dựng trọn vẹn vở ba lê. Petipa và nhạc trưởng Richard Drigo bắt đầu từ bản tổng phổ. còn Modest Ilich em trai của nhạc sĩ đã biên tập lại libretto. Bản tổng phổ của “Hồ thiên nga” thực tế cũng có khá nhiều nhược điểm, trước hết là quá dài, vì có nhiều đoạn được viết tiếp theo lời đề nghị của Julius (Ventsel) Reizinger, người đã “đảm bảo” cho thất bại của buổi trình diễn đầu tiên ở Matxcơva năm 1877. Bản tổng phổ do Marius Petipa và Ricardo Drigo biên tập lại đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới và đã đánh dấu bước chuyển đổi chất lượng mới của ba lê.
Và Marius Petipa thì đã chấp nhận lời thách đố của “đối thủ” tài năng của mình: ông đã biên đạo những cảnh dạ vũ và hội hè của cung đình. Petipa đã để thiên nga trắng Odetta tương phản với thiên nga đen Odillia – sự mệt mỏi bi thương tương phản với sự quyến rũ mạo hiểm và sự xảo trá dịu dàng, điệu múa trầm mặc của đàn thiên nga đối lập với những đan xen phức tạp của những điệu valse cung đình và sự náo nhiệt rực rỡ của những điệu múa Hung ga ri, Ba lan, Tây Ban Nha, Neapol và điệu múa Nga. Lần đầu tiên nền ba lê Nga nhận được một vai nữ do hai nhà biên đạo múa cùng sáng tạo - vai diễn kép Odetta-Odillia, vai diễn luôn luôn là ước mơ của bất kỳ nữ diễn viên ba lê nào, và cũng là hòn đá thử vàng đối với những khả năng kỹ thuật và nghệ thuật của diễn viên ấy. Người đầu tiên đóng vai Odetta-Odillia trong vở kịch của Petipa-Ivanov, nữ diễn viên ba lê người Ý Pierina Lenhiani là một diễn viên điêu luyện được thừa nhận. Và chính diễn viên này đã khiến công chúng phải kinh ngạc vì một màn ảo thuật trước giờ họ chưa từng thấy, màn ảo thuật mà đến tận ngày nay vẫn làm cho trí tưởng tượng của công chúng, kẻ cả những khán giả đầy kinh nghiệm lẫn những khán giả chưa hề xem ba lê phải hồi hộp – 32 fuette. Nhưng chính trong “Hồ thiên nga” thì Petipa đã làm cho màn ảo thuật này trở thành đặc trưng thuyết phục của hình tượng
Môtiv “kép” luôn luôn là một môtiv hấp dẫn đối với các biên đạo dàn dựng vở balê này. Một số biên đạo muốn nhấn mạnh sự mẫu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, nên chia các nhân vật ta “trắng” và “đen”, như Agrippina Vaganova và Alekxandr Gorsky đã chia vai diễn Odetta-Odillia ra cho 2 diễn viên, điều này làm đơn giản đi chiều sâu triết học và tâm lý của hình tượng vốn ngay từ đầu đã có thể thấy tính hai mặt của tâm hồn
Vai diễn Odetta-Odillia đã trở thành bước ngoặt trong tiểu sử của nhiều nữ diễn viên ba lê xuất sắc. Từ bấy đến giờ tất cả các biên đạo ba lê, khi thể hiện những ý tưởng của mình, thì cũng luôn luôn giữ lại những thành công tất yếu của buổi trình diễn xa xưa năm 1895 – những cảnh “thiên nga” đã nói của Ivanov, và pas de deux “đen” lừng danh của Petipa. Phiên bản biên đạo nổi tiếng của M.Petipa và L.Ivanov đã ra đời như thế đấy và vẫn còn sống trên sân khấu đến tận ngày nay.
“Hồ thiên nga” được dàn dựng ở Nhà hát Lớn không phải một lần. Trong thế kỷ XX, kịch mục của Nhà hát Lớn không thể hình dung nổi là không có “Hồ thiên nga”. Một trong số người thể hiện nổi bật nhất là Alekxandr Gorsky, người đã để lại dấu ấn không phai mờ của mình trong biên đạo của “Hồ thiên nga” trên sân khấu Nhà hát Lớn. Năm 1920 Gorsky mời đạo diễn kịch nổi tiếng Nhemirovich-Đanchenko làm đồng tác giả, và đạo diễn lừng danh của Nhà hát Nghệ thuật đã đưa sự tìm kiếm sự thật sân khấu vào Nhà hát Lớn. Ví dụ, sự biến đổi các cô gái thành thiên nga rồi lại từ thiên nga thành người trở nên trực quan hơn – khi thì gắn cánh vào trang phục các nữ diễn viên, khi lại tháo ra, và việc tạo hình cử động cũng được chia ra hai phần rõ ràng – “phần người” và phần “thiên nga”. Sau đó Nhà hát Lớn đưa vào kịch mục một bản dàn dựng khác, chứa đựng cả biên đạo của Petipa, Ivanov và Gorsky, còn hồi 4 thì được Asaf Messerer biên đạo lại mới hoàn toàn.
Còn Iuri Grigorovich lại bắt tay vào dàn dựng “Hồ thiên nga” vì … tình thế bắt buộc. Năm 1968 đoàn ba lê của Nhà hát Lớn dự định đi lưu diễn ở Anh. Trong chương trình biểu diễn có cả “Hồ thiên nga”, nhưng vở ba lê từ năm 1956 tới lúc đó không được cập nhật nên trông đã có vẻ lỗi thời. Kết quả là thay cho quá trình cập nhật thông thường thì một quá trình sáng tạo thật sự đã xảy ra. Cùng với người cộng sự ăn ý – họa sĩ phục trang Simon Virsaladze, Grigorovich đã đưa ra một quan niệm mới của vở ba lê này. Hầu như toàn bộ biên đạo ba lê được làm mới hoàn toàn, mặc dù tất cả những gì tốt nhất của Gorsky, Petipa đều được giữ lại, còn hồi 2 – hồi “thiên nga” của Ivanov thì được Grigorovich bỏ bớt đi những gì được các biên đạo tiếp theo thêm vào. Và Grigorovich đã chối bỏ hoàn toàn sự tìm kiếm sự thật cổ tích trên sân khấu (những con thiên nga bằng giấy các tông rời bỏ mặt hồ không trở lại nữa).
Trong libretto cũng không còn tên của Rotbart – lão phù thủy đã phù phép Odetta. Rotbart trở thành Ác thần, và có ngôn ngữ múa (trước đó Rotbart chỉ “nói” bằng ngôn ngữ kịch câm) và trở thành một trong những nhân vật chính của vở ba lê một cách không chính thức, để cho người xem có thể hình dung về vai trò đen tối theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là bản thân số phận cám dỗ chàng hoàng tử vẫn còn chưa biết rằng giữ chung thủy với lý tưởng của mình khó đến thế nào; hay đó là chính chàng hoàng tử bị khía cạnh đen tối của tâm hồn mình lôi kéo. Và như vậy trong vở kịch đã xuất hiện hai cặp nhân vật kép: Thiên nga trắng (Odetta) – Thiên nga đen (Odillia), Hoàng tử trắng (Zigfrid) và đen (Ác thần). Tính chất triết học của dàn dựng này còn được nhấn mạnh ở cách bài trí sân khấu – tổng quát đến tối đa. Những đường nét của lâu đài mờ ảo, chỉ thấy bóng gió là một tòa lâu đài theo kiểu gô tích trung đại. Hồ nước bị phù phép cũng mờ ảo và không có cây cối – phong cảnh ấy vẽ ra không phải để cho người ta ngắm cảnh đẹp của thiên nhiên và hội họa sân khấu.
Tuy nhiên cảnh cuối cùng của vở ba lê lại không được Bộ Văn hóa tán thành. Cơn bão lớn trên hồ đã giết cả đàn thiên nga. Ác thần mừng chiến thắng. Odetta chết. Hình tượng hoàng tử đánh mất hoàn toàn tất cả mọi lý tưởng không làm cho Ekaterina Furseva, Bộ trưởng Bộ Văn hóa hài lòng. Kết quả là họ đem vở “Hồ thiên nga” cũ sang biểu diễn ở Anh, còn vở mới thì được lệnh phải chỉnh lý. Kết quả là các nhân vật chính hạnh phúc trong đoạn kết. Chỉ đến năm 2001 thì Grigorievich mới được dựng lại theo suy nghĩ ban đầu của mình…
Ngày nay “Hồ thiên nga” là một trong những vở ba lê nổi tiếng nhất và được khán giả yêu quý nhất. Từ sau buổi trình diễn năm 1895 thì “Hồ thiên nga” đã được thừa nhận là đỉnh cao trữ tình của nhà hát ba lê Nga. Có lẽ “Hồ thiên nga” đã có mặt trên tất cả các sân khấu ba lê của thế giới. Các thế hệ biên đạo múa của nhiều nước đã, đang và sẽ còn suy ngẫm về “Hồ thiên nga”, để tìm cách đạt đến sự bí mật và chiều sâu triết học của âm nhạc Traikovsky. Nhưng hình ảnh con thiên nga trắng do trí tưởng tượng của nhạc sĩ vĩ đại sinh ra sẽ mãi mãi là biểu tượng của nền ba lê Nga, biểu tượng của sự trong sáng, vĩ đại, của sắc đẹp quyền quý của ba lê Nga. Và không phải ngẫu nhiên mà chính các nữ diễn viên ba lê Nga khi đóng vai nữ hoàng thiên nga Odetta đã còn lại trong ký ức của khán giả như những huyền thoại tuyệt đẹp – Marina Semenova, Galina Ulanova, Maya Plisetskaya, Raisa Struchkhova, Natalia Bessmertnova…


Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Beethoven Symphony no. 3 - Philippe Herreweghe



Nhiều nhà nghiên cứu so sánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Napoleon và nhiều danh tướng khác. Nhưng có một điều khác biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là người chỉ huy "trăm trận trăm thắng" mà còn là một con người có tính nhân văn cao cả và khi mất đi đã để lại tiếng thơm cho đời. Các danh tướng khác trên thế giới đâu có được như vậy.
Beethoven sáng tác bản Giao hưởng số 3 nổi tiếng, đây là Bản giao hưởng ban đầu được Beethoven đề tặng Napoleon. Tuy vậy, sau khi nghe tin Napoleon lên ngôi hoàng đế thì ông đã giận giữ chụp lấy nó và xé nát. Beethoven đã thất vọng vì Napoleon hóa ra cũng chỉ là một con người tầm thường, đầy tham vọng và đã chà đạp lên quyền lợi của mọi người để đạt tới mong muốn của mình – lên ngôi hoàng đế.
Mời mọi người lắng nghe bản Giao hưởng số 3 của Beethoven còn được gọi là bản "Anh hùng" xứng đáng được dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp chứ không phải Napoleon.

Beethoven - Symphony No. 9 (Proms 2012)



Bản giao hưởng số 9 cung rê thứ, opus 125 của Beethoven thuộc vào số ít tác phẩm của nền nghệ thuật thế giới, như những đỉnh núi cao nhất, trội hơn tất cả những gì mà những thiên tài nghệ thuật của nhân loại tạo nên.
Đây là tác phẩm giao hưởng trọn vẹn cuối cùng do Ludwig van Beethoven biên soạn. Hoàn thành vào năm 1824.
Bản giao hưởng này có lẽ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất trong tất cả các tác phẩm của âm nhạc cổ điển châu Âuvà được xem là một trong những kiệt tác của Beethoven, được soạn khi ông điếc hoàn toàn. Có thể nói nó đóng một vai trò văn hóa nổi bật trong xã hội hiện đại. Đặc biệt, âm nhạc trong chương thứ tư (bỏ phần lời) được dùng làm bài ca chính thức của Liên Minh Châu Âu.

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Tìm hiểu về đồng hồ cổ.




Lịch sử về đồng hồ odo
Hãng đồng hồ Odobez khởi nguồn từ năm 1708 tại vùng Morbier (Pháp), cái nôi sản sinh ra rất nhiều hãng đồng hồ tủ danh tiếng của thế giới. Trải qua nhiều đời truyền nghề chế tạo máy đồng hồ tủ, năm 1843, Francois Désiré Odobez kế thừa truyền thống dòng họ cộng với trí tuệ và sự khéo léo của bản thân để chế tạo thành công những chiếc máy đồng hồ tủ vỏ sắt, nổi tiếng cho tới tận ngày nay.
Năm 1885, Léon Odobez sáng lập ra “Nhà sản xuất Odobez cha và con” đặt tại Morez (sát Morbier), chuyên sản xuất đồng hồ tủ với văn bằng sáng chế “Sự cải tiến ghi nhận với máy Cage fer Odobez”.
Năm 1920, hãng đồng hồ Odo (viết tắt của Odobez) chính thức ra đời và chỉ 11 năm sau đó đã trở nên nổi tiếng toàn thế giới với đồng hồ treo tường Odo mang hiệu Carillon Odo.
Năm 1937, nhạc sỹ Vincent Scotto đã sáng tác riêng và đưa vào những chiếc đồng hồ treo tường Carillon Odo những bản nhạc vui nhộn.
Năm 1950, những chiếc đồng hồ treo tường Odo với điệu nhạc “coucou valse” đã trở lên quen thuộc trên toàn thể nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung.
Năm 1955, hãng đồng hồ Odo tung ra mẫu đồng hồ “Jaquemar Odo” với hình người đánh chuông (người máy đánh chuông).

Từ năm 1970 đến năm 1989: Những kỹ thuật viên hàng đầu của hãng Odo đã cải tiến máy Cage fer Odobez bằng cách thêm vào đó nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và phát triển thêm nhiều mẫu mã, gam màu cho các tủ đồng hồ Odo.
Liên tiếp trong 2 năm 1993 và 1994, hãng Odo vinh dự được nhận giải “Cadran d’Or” (Mặt đồng hồ vàng)- Giải thưởng danh giá nhất nước Pháp dành cho thương hiệu đồng hồ tủ.
Năm 1996, Đài truyền hình quốc gia Pháp đã phát một phóng sự trên toàn nước Pháp ca ngợi lịch sử hình thành và phát triển cũng như những đóng góp to lớn của hãng đồng hồ Odo.
Từ năm 1997, hãng Odo không ngừng tăng cường sáng tạo những mẫu sản phẩm mới và mở rộng thị phần ra toàn thế giới.

Đồng Hồ odo có mấy đời?
Nói đến odo cũng chẳng khác nào nhắc đến vespa hay lambetta,bao gồm rất nhiều đời và dành riêng cho nhiều thị trường khác nhau,nhưng ở Việt Nam phổ biến nhất vẫn là các đời 54,57,62,Jaquemar và cả 24,36. Đặc biệt nhất vẫn là chiếc 36.odo 36 đặc biệt ở chỗ đời này rất hiếm,việc sở hữu 1 chiếc 36 cũng như 1 tay chơi vespa sở hữu acma hay GS150,1 tay chơi lam sở hữu 1 con LD...Nếu ai đã từng chơi 36 thì chắc hẳn sẽ không muốn chơi những dòng khác nữa bởi lẽ đây có thể là dòng có tiếng chuông hay nhất của odo và giá trị sưu tập rất cao.

  Ở Việt Nam

  Đồng hồ Odo  xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm nhưng nó chỉ trở nên phổ cập vào những năm 30 của thế kỷ trước khi người Pháp trong quá trình đô hộ đã mang vào Đông Dương những chiếc đồng hồ treo tường Odo nổi tiếng.
Ngày đó, vật trang trí nội thất không thể thiếu được trong những dinh thự sang trọng chính là những chiếc đồng hồ Odo. Cùng với năm tháng, điệu nhạc Westminster quen thuộc phát ra từ chiếc đồng hồ treo tường Odo đã hằn sâu vào tâm trí của hàng vạn người yêu chuộng đồng hồ Việt Nam. Ở nhiều gia đình Việt, những chiếc đồng hồ Odo đã được truyền từ đời này sang đời khác, thậm chí được coi như những món đồ gia bảo- bất khả xâm phạm.

Huyền bí gông đồng.

Đồng hồ nhạc (cổ) không chỉ xem giờ mà còn phát ra bản nhạc sau mỗi 15 phút (30 phút) và điểm giờ. Phần lớn những bản nhạc này là những bài thánh ca. Nhạc phát ra do tác động của vồ vào gông (côn). Gông cho tiếng nhạc mê hồn chính là gông đồng.


Để có nhiều đồng hồ cổ không khó, chỉ cần đam mê, thời gian và tài chính. Nhưng sở hữu một chiếc đồng hồ cổ, nhạc hay thì không phải người sưu tầm nào cũng có, bởi một lẽ giản đơn: Nhạc hay là “tổng hòa của các mối quan hệ” phức tạp trong một chiếc đồng hồ cùng các yếu tố ngoại cảnh. Người chơi phải có đôi tai âm nhạc và cái đầu biết về âm học.

Nếu quan niệm: Một bộ Hi- end có chất lượng khi tái hiện tác phẩm âm thanh một cách trung thực. Người thưởng thức như đứng trước dàn nhạc hoặc ca sỹ rồi để mặc những nốt nhạc diệu kỳ cuốn tâm hồn vào phiêu diêu, thì việc thẩm định đồng hồ nhạc khó hơn vì không có “vật chuẩn” để so sánh. Tất cả phụ thuộc vào trình độ thẩm âm của người chơi.

Đồng hồ nhạc hay phải hoàn hảo từ gông, máy, vỏ, thậm chí đến từng chi tiết nhỏ nhất như chiếc ốc vít. Nhưng đóng vai trò quan trọng nhất là bộ gông.

Về chất liệu, dân sưu tầm tạm chia thành hai loại: gông đồng (đồng bạch hoặc đồng vàng) và gông thép. Từ xa xưa, dường như nhà chế tạo đã bị mê hoặc bởi chất âm đặc biệt của gông đồng nên đã phát huy tối đa thế mạnh của mỗi loại bằng cách cài lẫn gông đồng với gông thép trong cùng một bộ gông ở một số loại đồng hồ.

Nếu như gông thép tiếng vang, lảnh, hơi ồn ào và phô trương thì gông đồng có chất âm đặc trưng: Độ ngân sâu hơn, tiếng mượt mà, vang nhưng ấm, nghe có hồn và chững chạc. Nó tựa như việc ta chuyển từ âm-ly bán dẫn sang chơi đồ đèn hàng hiệu vậy. Với loại gông thép (chơi cho máy tạ to) nghe có vẻ trầm, nhưng trầm theo kiểu ùm ùm mà thiếu mất sự tinh tế.

Trong các loại gông đồng, hiện dân chơi chú ý tới gông đồng hồ Girod của Pháp (8 gông, bên nhạc 4, bên giờ 4, đều bằng đồng) và đồng hồ Odo đời 36. Máy Girod cho dù đăng ký thương hiệu (Marque Deposee) song không được chuộng, nhưng quý ở bộ gông và chơi được 2 bản nhạc. Dân sưu tầm có thể chuyển gông này sang đánh ở những đồng hồ có bộ cơ nhẹ, thoáng hơn Girod, nhưng phải cùng số vồ và vị trí đánh.

Gông đồng ở những đồng hồ cổ, tiếng hay hơn gông đồng của các loại đồng hồ non tuổi được mang từ nước ngoài về thời gian gần đây như loại 3 lỗ kiểu vai bò để bàn của Đức, loại 2 tạ treo tường. Mặc dù cũng dùng gông đồng, nhưng tiếng nhạc của hàng non tuổi thường chua và hèn, không đạt. Chưa ai lý giải được nguyên nhân của sự khác nhau đó. Phải chăng chất liệu, phụ gia và cách thức chế tác gông đồng cổ đã thất truyền?

Ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng âm thanh của bộ gông mà ít người để ý là vồ. Vồ phải zin, vì nhà sản xuất đã tính toán độ nặng cũng như kích thước vồ phù hợp cho từng bộ gông. Phần da ở vồ phải tốt (đều, gọn, độ cứng vừa phải, chưa lão hóa). Da vồ cứng quá làm cho tiếng nhạc cứng, thô và chói; da vồ mềm quá thì tiếng bẹt. Không còn gì đau xót bằng việc để dính dầu vào phần da của vồ. Nhớt đã dính vồ coi như tiêu: tiếng tịt. Có kẻ điên rồ đi nhỏ keo 502 vào phần vồ da để tiếng nghe to hơn?! Nó chẳng khác gì nối đôi tép cóc hàng chợ vào đôi Tannoy vậy. Quả là một sự xúc phạm sâu sắc! Tuyệt đối không lắp lẫn các loại vồ khác nhau vì như thế sẽ làm sai nhạc. Một số đồng hồ nhạc (hàng non tuổi) dùng vồ nhựa. Nhưng vồ nhựa ra tiếng bì, thiếu sự phóng khoáng. Đó là chưa kể khi nhựa lão hóa, tiếng nhạc trở nên khô, làm mất đi phần lịch lãm vốn có của gông đồng.

Nói như thế không có nghĩa phủ nhận cách chơi sáng tạo (chẳng hạn như thay vồ để tìm kiếm một chất âm, màu âm khác lạ). Nhưng để chơi theo cách này, người sưu tầm phải thực sự có... tầm. Giống như dân chơi đồ Hi- end, khi dám nhổ đèn, đổi dây để kiếm tìm chất âm lạ thì cũng xứng đáng là tay tổ trong làng chơi rồi.

Nếu chơi Hi-end, phòng nghe quyết định một phần chất lượng âm thanh, thì vỏ gỗ của đồng hồ và vị trí treo cũng ảnh hưởng tới tiếng nhạc. Đây là lúc dân chơi sử dụng kiến thức âm học cho dù không cầu kỳ phải mua tấm hút âm, tản âm. Điều này ai cũng biết nhưng thường quên: Treo vỏ cách tường 1cm tiếng sẽ hay hơn.

Với đồng hồ nhạc, người ta có thể gia công y chang toàn bộ máy móc, duy nhất bộ gông là... chịu. Gông đồng cho thứ âm thanh tuyệt hảo, ngọt mà không chua, mềm nhưng chắc khỏe, ấm áp mà tự tin, sâu lắng. Gông đồng bền vững cùng thời gian. Đó cũng là lý do tại sao dân sành chơi đổ xô lùng gông đồng cổ. Nhưng ai chưa có nhiều kinh nghiệm, khi mua phải thận trọng. Bởi nhìn bằng mắt rất khó phân biệt mà chủ yếu chỉ nhờ vào đôi tai.

Trong cái tĩnh lặng, thiêng liêng của thời khắc chuyển giao năm cũ, gông đồng tung vào không gian tiếng nhạc trầm hùng rồi đĩnh đạc điểm 12 tiếng báo hiệu xuân sang. Nó đang nhẩn nha kể một câu chuyện cổ tích về thời gian đấy. Hãy lắng nghe !

Nguồn: sưu tầm internet.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Piano Sonata No.14 giọng Đô thăng thứ, Op. 27 No. 2. Bản "Ánh trăng" của Ludwig van Beethoven



Piano Sonata No.14 giọng Đô thăng thứ, Op. 27 No. 2 "Ánh trăng" 
Tác giả: Ludwig van Beethoven
Thời gian sáng tác: 1801 Đề tặng: nữ bá tước Giulietta Guicciardi
Tác phẩm gồm 3 chương: I. Adagio sostenuto II. Allegretto III.

 Presto agitato Piano Sonata số 14, về sau thường được gọi là Sonata “Ánh trăng”, được Beethoven thêm vào tiêu đề tác phẩm cụm từ "Quasi una fantasia" (trong tiếng Ý có nghĩa là "gần như một fantasy"), bởi nó không theo mẫu mực của sonata truyền thống trong đó chương đầu tiên thường ở thể sonata và những chương được bố trí tuần tự theo quy luật nhanh - chậm – nhanh.

 Beethoven sáng tác bản sonata này vào năm 1801 và đề tặng cho cô học trò 17 tuổi của mình là nữ bá tước Giulietta Guicciardi, người mà (theo một số tài liệu) ông đã đem lòng yêu. Năm 1832 (một số tài liệu cho là năm 1836), tức vài năm sau khi Beethoven qua đời, nhà thơ và là nhà phê bình âm nhạc Đức Ludwig Rellstab đã so sánh những giai điệu mượt mà trong chương đầu của tác phẩm với ánh trăng trên hồ Lucerne và tác phẩm mang tên "Ánh trăng" từ đó. Đây là một trong những tác phẩm của Beethoven được nhiều người biết đến nhất và nó thường xuyên được trình diễn và ghi âm.

 Chương đầu của tác phẩm được viết ở hình thức sonata rút gọn với giai điệu chậm rãi và tha thiết. Một giai điệu mà nhà soạn nhạc Pháp Hector Berlioz gọi là "lamentation" (lời than vãn) được chơi (chủ yếu bằng tay phải) tương phản với phần đệm ostinato nhịp ba. Chương nhạc có sắc thái chủ yếu là pianissimo (pp) hay "rất êm ả) và âm lớn nhất nó có là mezzo-forte (mf) hay "mạnh vừa". Chương nhạc đã gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều thính giả, chẳng hạn như Berlioz đã viết về nó như sau: "là một trong những bài thơ mà ngôn ngữ loài người không biết cách diễn tả". Tác phẩm rất phổ biến ở thời Beethoven tới mức làm nhà soạn nhạc bực tức. Chính tác giả đã viết : "Chắc chắn là tôi đã viết những tác phẩm tốt hơn thế." Chương adagio sostenuto khi được biểu diễn một cách chuẩn xác có thể có một hiệu quả sâu sắc đối với người biểu diễn như Berlioz đã giả thuyết là không thể mô tả được bằng ngôn ngữ một cách thỏa đáng.

 Chương thứ hai của tác phẩm là phần minuet và trio tương đối truyền thống; một khoảng khá thanh bình được viết ở giọng Rê giáng trưởng, tương đương với giọng Đô thăng thứ - giọng chủ điệu của toàn tác phẩm. Tám nhịp đầu tiên mang những âm điệu thong thả, nhẹ nhàng dường như để chuẩn bị cho điệu minuet khởi đầu ở giọng La giáng thứ, sang đoạn đoạn hai âm nhạc mới định hình theo giọng chủ điệu Rê giáng trưởng, nhịp 5-8.

 Chương kết được viết ở hình thức sonata, mang tính chất sôi nổi và là chương quan trọng nhất trong toàn bộ tác phẩm. Nó phản ánh một thử nghiệm của Beethoven là đặt chương quan trọng nhất trong một bản sonata ở cuối cùng (điều này cũng được tiến hành trong sonata đi kèm trong tập tác phẩm Op. 27 No. 1 và về sau trong Piano Sonata No.28 giọng La trưởng Op. 101). Lối viết có nhiều hợp âm rải nhanh và các âm nhấn mạnh mẽ. Việc biểu diễn hiệu quả đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật tốt và cảm xúc mãnh liệt. Người ta biết rằng chính Beethoven khi chơi đã làm vỡ búa và đứt dây đàn và thật dễ dàng hình dung ra chuyện này khi ông chơi chương cuối.

 Charles Rosen (nghệ sĩ piano và nhà lí luận âm nhạc người Mĩ) đã nhận xét về chương kết này như sau: "Nó là chương khó kiểm soát nhất trong việc diễn tả xúc cảm. Cho đến ngày nay, hai trăm năm đã trôi qua, sự mãnh liệt của nó vẫn gây kinh ngạc."

 Hiệu quả âm nhạc mạnh mẽ sôi nổi trong chương ba được tạo nên chủ yếu bởi sắc thái thể hiện piano. Việc sử dụng các làn giai điệu mang âm hưởng mạnh dần (sforzando) và một số ít đoạn nhạc mang tính chất cực mạnh (fortissimo) đã tạo ra nhưng cảm giác nồng nhiệt sôi nổi thay vì sắc thái mạnh bao quát trong cả chương nhạc.

 Kí hiệu dùng pedal của Beethoven 
Ở phần mở đầu tác phẩm, Beethoven đã viết một đoạn chỉ dẫn rằng nên nhấn pedal duy trì (sustain pedal - một trong 3 pedal của đàn piano) trong suốt chương thứ nhất. Tiếng Ý viết là "Si deve suonare tutto questo pezzo delicatissimamente e senza sordino" (cả đoạn nhạc cần được chơi một cách thật tinh tế và không dùng chặn tiếng). Piano hiện đại có thời gian duy ngân rung dài hơn các cây đàn thời Beethoven. Vì thế chỉ dẫn này của Beethoven không thể được các nghệ sĩ chơi piano hiện đại tuân theo mà không tạo ra âm thanh nghịch tai một cách khó chịu. Một lựa chọn để giải quyết vấn đề này là biểu diễn tác phẩm trên một cây đàn được phục hồi hay là bản sao của loại piano mà Beethoven đã dùng. Những người đề xuất cách biểu biểu diễn am hiểu về mặt lịch sử này khi sử dụng những cây piano như thế đã thấy rằng việc biểu diễn tác phẩm theo cách tôn trọng chỉ dẫn gốc của Beethoven là khả thi.

Khi diễn tấu là trước công chúng trên một cây piano hiện đại, phần lớn người chơi ngày nay cố gắng đạt được một hiệu quả tương tự như hiệu quả mà Beethoven đòi hỏi khi chỉ thay đổi pedal lúc nào cần thiết để tránh những nghịch âm thái quá. Chẳng hạn như Ấn bản tổng phổ Ricordi không bao gồm các dấu sử dụng pedal trong suốt chương đầu. Có tác phẩm của người biên tập trong thế kỉ 20, với ý muốn làm việc biểu diễn thuận tiện hơn trên nhạc cụ hiện đại. "Half pedaling" - nhấn một phần pedal giảm âm – cũng thường được sử dụng để giả cách duy trì ngắn hơn của pedal thời đầu thế kỉ 19. Charles Rosen gợi ý dùng cả "half-pedaling" và cách thay đổi pedal một phần giây đồng hồ sau.

Nguồn: nhaccodien.info

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Những đoạn phim lịch sử ghi lại ngày 30/4/1975 tại Hà Nội và Sài Gòn



Hà Nội chào mừng Sài Gòn giải phóng ngày 30/4/1975



Phim tư liệu ghi lại hình ảnh ngày Sài Gòn giải phóng

 Đúng 11' 30' ngày 30-4-1975 tin chiến thắng được phát sóng trên hệ thống loa phát thanh thành phố ( lúc bấy giờ loa phát thanh được đặt ở các nơi công cộng /nhà nào khá giả thì có radio ) , cả Hà Nội như vỡ òa ra khi hay tin Sài Gòn kết nghĩa và cả miền nam thân yêu được hoàn toàn giải phóng , không phải chờ lâu người Hà Nội và các vùng lân cận đã đổ ra đường tạo thành những dòng người khổng nồ vô tận , tất cả các phương tiên tầu điện , xe buyt , xe đạp ( tầu điện là chủ yếu / xe đạp gần như là sa sỉ) được tận dụng tối đa , có lẽ trong lịnh sử của Hà Nội thì chưa bao giờ Hà Nội lại đông và vui đến thế , có lẽ nhất nhì trong lịch sử của Hà Nội ( Hà Nội lúc bấy giờ có 4 khu 4 huyện khoảng hơn 1 triệu dân ) , đỉnh điểm là chiều và tối rất nhiều đoàn văn công của Hà Nội đã biểu diễn phục vụ nhân dân , sau cùng là màn pháo hoa rực trời Hà Nội , cả Hà Nội chìm trong cơn men chiến thắng , rất nhiều nụ cười mãn nguyệt và cả những giọt nước mắt ngẹn ngào trong ngày đại thắng , hòa trong không khí của ngày đại thắng nhac sỹ Phạm Tuyên đã kịp cho ra bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng " lời bài hát:
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng.
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông,
Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh.

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Ca sỹ Lionel Richie với bài hát Hello bất hủ


 Lionel Brockman Richie, Jr. (sinh ngày 20 tháng 6 năm 1949) là một nam ca sĩ, nhạc sĩ nhà sản xuất đĩa hát, và đôi khi là một diễn viên người Mỹ. Năm 1968, Richie trở thành giọng ca chính và người chơi kèn saxophone của nhóm nhạc Commodores, một ban nhạc nổi tiếng khắp nước Mỹ thập niên 70. Năm 1982, Richie rời nhóm tách ra hát solo và trở thành một trong những nghệ sĩ thành công nhất trong nền âm nhạc thập niên 80 với 5 ca khúc hit đứng vị trí số 1 và 13 các ca khúc nằm trong top 10 tại Mỹ.

Tuy nhiên đến thập niên 1990, thành công của ông không còn được ấn tượng như ở thập kỉ trước. Các album như Louder Than Words và Time đều không ghi được nhiều thành tựu. Một số tác phẩm gần đây của ông như album Renaissance phản ánh rõ nét phong cách tuổi già được khán giả Châu Âu ưa thích song không ghi được điểm tại thị trường âm nhạc Mỹ.

"Hello" là ca khúc thứ 3 trong album "Can't Slow Down" của Richie, phát hành năm 1984 và vươn tới vị trí số 1 tại ba bảng của tạp trí Billboard: bảng xếp hạng nhạc pop (trong hai tuần), và bảng xếp hạng R&B (khoảng 3 tuần) và bảng xếp hạng ca khúc người lớn đương đại (trong khoảng 6 tuần). Và bài hát này đã tiến đến vị trí số 1 trên bảng xếp hạng đĩa đơn tại Anh. Đây được coi là bài tủ của Richie.

Câu đáng nhớ nhất trong bài hát là "Hello, is it me you're looking for?" (Chào em, có phải anh là người mà em đang tìm kiếm?). Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình tại Anh, Richie đã tiết lộ rằng Richie đã nhận được lời cảm ơn của rất nhiều anh chàng không dám thổ lộ tình yêu nhưng đã thốt ra được lời cầu hôn sau điệu nhảy chậm của bài hát này.


Hello - Lời Tỏ Tình Giản Dị 

 Người ta thường nói giữa biển cả mênh mông của tình yêu, lời tỏ tình hay nhất chính là lời tỏ tình mà được người yêu mình chấp nhận Có hàng ngàn cách để người ta nói tiếng yêu nhau, và mỗi người trong hoàn cảnh riêng của mình, sẽ chọn cho mình mỗi cách khác nhau. Có những lời tỏ tình rất hay và rất lãng mạn nhưng cũng có những lời tỏ tình rất thật, rất giản dị, giản đơn mà sâu sắc, dễ thương. Và “Hello” của Lionel Richie chính là một trong những lời tỏ tình đó. ”Hello” là một trong số những bài hát tình yêu hay nhất, tôi không nhớ rõ lần đầu tiên mình được nghe bài hát này từ bao giờ nhưng … khi lần đó được nghe bài hát này, dù không hiểu hết nghĩa ca từ của bài hát nhưng tôi vẫn không thể quên được những giai điệu đó và giờ đây tôi lại được lắng nghe ca khúc đó vang lên tại một quán cà phê nhỏ ở gần nhà tôi.

Đó là vào một ngày, không phải là ngày đẹp như những ngày khác. Nhưng tôi chợt nghe ca khúc đó, để thấy cảm xúc dào dạt trở về. Lời nhạc du dương làm lòng tôi buồn nhưng lại mang cho tôi những phút giây yên bình và để cảm nhận những xúc cảm trong tôi.

Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu nên thôi thì bạn hãy nghe chính chàng trai trong bài hát này nói vậy:

I've been alone with you, inside my mind.
And in my dreams I've kissed your lips, a thousand times.
I sometimes see you pass outside my door.

Ở nơi góc khuất trong tâm hồn, chỉ có tôi và em
Và trong những giấc mơ, tôi được hôn lên đôi môi em ngàn lần
Vài lần vô tình bắt gặp dáng em qua trước cửa nhà tôi

Có một câu chuyện kể về một chàng trai thầm yêu một cô gái và anh chỉ dám hôn nàng trong những giấc mơ. “Anh đã một mình nghĩ về em và hôn em đến cả ngàn lần trong những giấc mơ”. Chỉ trong những giấc mơ chàng trai mới dám thố lộ lòng mình bởi đó là một tình yêu thầm kín, thiết tha dù hàng ngày chàng vẫn lặng lẽ nhìn bóng dáng nàng lặng lẽ bước đi qua khung cửa nhà chàng, nhưng họ lại chưa một lần trò chuyện cùng nhau, và chàng trai vẫn … mơ và vẫn đợi chờ. Một ngày kia, chàng thu hết can đảm, chàng đã gặp nàng và mở lời chào thật đột ngột:

Hello! Is it me you're looking for?
Chào em, tôi có phải là người mà em đang tìm kiếm?

“Chào em, có phải em đang tìm tôi đó không?”.Một sự khởi đầu thật lém lỉnh và thú vị.Tất nhiên, chàng trai không thể chạy ào ra cửa để nói với thẳng với cô gái rằng: “Chào em, anh yêu em đã lâu lắm rồi nhưng hôm nay mới nói. Nào hãy trả lời đi, em có yêu anh không?” Khởi đầu như thế thì e rằng chưa kịp nghe xong cô gái đã quay lưng lại và … chạy mất dép. Chính vì thế mà dù biết rằng cô gái sẽ trả lời không, nhưng chàng trai vẫn cố tình lầm – lầm để mà có cớ mà bắt chuyện và lầm để mà … xin được làm quen. Và để chứng minh thêm cho sự nhầm lẫn của mình, chàng lại nói thêm:

I can see it in your eyes.
I can see it in your smile.
You're all I've ever wanted
And my arms are open wide.
Cause you know just what to say
And you know just what to do
And I want to tell you so much....
I love you.

Tôi có thể nhìn thấy điều đó trong ánh mắt của em
Và tôi thấy điều đó qua nụ cười của em
Em là tất cả những gì tôi đã từng mong đợi
Và vòng tay tôi luôn rộng mở chờ đón em
Liệu em có biết, đó là những điều tôi muốn kể cho em
Cũng như những điều tôi muốn làm
Và cả những gì tôi muốn nói với em thật nhiều…
Rằng Anh Yêu Em.......

“Điều đó là điều gì? Chính là điều em đang tìm tôi đấy”. Không để cho cô gái kịp phủ nhận, chàng lại đáp tiếp: “You're all I've ever wanted,and my arms are open wide”- “Em là tất cả những gì tôi hằng mong đợi, và vòng tay tôi luôn rộng mở đón chờ em”. Làm sao chàng biết được nàng là người chàng mong đợi để mà mở rộng vòng tay cho nàng đến với mình? Chàng biết chứ bởi vì chàng đã nhìn thấy điều đó trong ánh mắt của nàng và qua nụ cười của nàng rồi đó thôi. Liệu nàng có tin? Vì nàng là tất cả những gì chàng mong đợi, vì vòng tay này (của chàng) luôn rộng mở đón chờ nàng. Chà chà … còn gì ngọt ngào hơn thế nữa không nhỉ??? Còn chứ, còn cái ước muốn cháy bỏng nhất của chàng trai đó chính là được nói cùng nàng 3 tiếng: I LOVE YOU

I long to see the sunlight in your hair
And tell you time and time again, how much I care.
Sometimes I feel my heart will overflow.

Tôi ao ước được nhìn thấy ánh mặt trời rạng ngời trên mái tóc em
Và nói với em thật nhiều rằng tôi quan tâm đến em biết chừng nào
Có những lúc tôi cảm thấy trái tim mình dường như tan vỡ

“Em biết không, tôi đã mơ thấy ánh mặt trời tỏa sáng trên tóc em. Làm sao để tôi nói với em thật nhiều, thật nhiều những gì mà tôi đang quan tâm lo lắng rằng em đang ở đâu, đang làm gì, em có cô đơn không, có ai đó yêu thương em không.Để rồi tôi chợt cảm thấy con tim mình như đã cuốn trôi.” Đôi khi chàng thấy lòng mình cuộn sóng và trái tim mình như muốn vỡ ra, thế nhưng chàng phải biết nói thế nào cho nàng hiểu đây???

Cái hay, cái tài tình của chàng trai chính là ở chỗ chàng nói yêu nhưng nói qua một đề nghị, qua một sự thỉnh cầu, nói một cách thật khéo léo, thật nhẹ nhàng và dễ thương. Tiếng lead của guitar như đang xoáy vào lòng ta từng cung bậc, từng nốt nhạc của tình yêu như tha thiết nhớ mong, như réo rắt tơ lòng. Và khi ta đang chìm đắm trong từng thanh âm dịu ngọt thì tiếng hát của Lionel lại cất lên vang vọng:

Hello! I've just got to let you know
Cause I wonder where you are, and I wonder what you do
Are you somewhere feeling lonely
Or is someone loving you?
Tell me how to win your heart
For I haven't got a clue.
But let me start by saying...
I love you.

Chào em, tôi vừa nói cho em biết đó
Vì tôi luôn tự hỏi rằng em đang ở đâu và em đang làm gì
Có phải em đang ở một nơi nào đó rất cô đơn
Hay là có một ai đó đã yêu em mất rồi?
Hãy chỉ cho tôi biết làm cách nào để chinh phục được trái tim em
Vì tôi hoàn toàn không biết phải bắt đầu từ đâu
Nhưng hãy để tôi bắt đầu với lời nói …
Anh Yêu Em

“Này em, tôi phải để cho em biết ... tôi khao khát muốn được biết em đang ở đâu và đang làm gì lúc này. Em có thấy cô đơn hoặc đã có ai đó bên em mất rồi. Ở phương trời nơi xa liệu em có cảm thấy được có một người đang yêu em say đắm không.Em hãy chỉ cho tôi con đường nào để dẫn đến trái tim em khi tôi vẫn còn đang lạc lối và không biết phải bắt đầu từ đâu nhưng … hãy để tôi bắt đầu bằng 3 tiếng ANH YÊU EM.”

Một lời đề nghị bản lĩnh, thông minh và cũng … thật dễ thương. Bởi có bao giờ bạn nhờ người bạn đang yêu chỉ cách chinh phục chính trái tim họ không? Nếu có, bạn sẽ hiểu được vì sao câu hát này có giá trị và vì sao bài hát “Hello” chiếm được một chỗ đứng trang trọng trong lòng ta.

Cuối cùng thì chàng trai cũng đã trút cạn đựợc những gì trái tim mình ấp ủ, đi một vòng rồi chàng trai cũng đã đến được cái đích của mình.

Tôi nhớ có câu nói rằng: chỉ mất 3 giây, 3 phút hay 3 giờ để nói được 3 tiếng I LOVE YOU nhưng … sẽ phải mất cả cuộc đời để chứng minh ba từ đó.

Quả thật chỉ 3 tiếng, quá đơn giản, nhưng lại là tất cả những gì thiêng liêng cao đẹp nhât của đôi lứa yêu nhau 3 tiếng đó mạnh hơn bất cứ thứ nào trên đời, vượt qua mọi sống chết, đủ sức san bằng mọi hận thù, chữa lành những vết thương và lấp đầy mọi khoảng cách.Vì ba từ đó mà người ta có thể hy sinh cả cuộc đời mình, có thể vượt bao gian khổ, đắng cay để tìm cho bằng được một nơi ấy bình yên, một bến bờ hạnh phúc. Tình yêu đã mang đến cho chúng ta niềm vui nhưng cũng không phải là không có ít nhiều chua xót. Nhưng dù là thế, tình yêu vẫn mãi là tình yêu.

Bài hát đã kết thúc, tiếng nhạc đã dừng lại, thế mà đâu đây dường như vẫn còn vang vọng từng lời “Tell me how to win your heart…” lời lẽ rất thật, rất bình dị nhưng không kém phần lãng mạn nồng nàn. Lặng thầm mà … nồng cháy, giản đơn mà sâu sắc, thiết tha.

Không cần kiểu tỏ tình sặt mùi tình cảm lãng mạn Hàn Quốc, với 999 đóa hồng xếp hình trái tim, hay kiểu gào thét khoa trương nhưng … rỗng tuếch đại lọai như “ Baby I love you”, “Hỡi người yêu em như ngàn ánh sao…rằng anh yêu em, yêu em nhất trên đời….” hoặc “8 Vạn 6 Ngàn 400 Lần Nhớ Em ... “

Với tôi, Hello của Lionel Richie vẫn là lời tỏ tình hay nhất mọi thời đại, mãi mãi làm rung động trái tim người nghe

Và các chàng trai đâu rồi, còn chần chờ gì nữa, trong cuộc đời ai cũng có những lúc do dự khi quyết định một việc gì đó, nhưng các bạn có biết được rằng chỉ vì một vài phút ngắn ngủi do dự ấy của mình mà các bạn rất dễ vuột khỏi tay hạnh phúc của mình không??? Trong cuộc sống có 3 thứ quan trọng nhất đã qua rồi sẽ không bao giờ trở lại được: Thời Gian, Lời Nói và Cơ Hội.

Đừng do dự nếu bạn yêu một ai đó,hãy đến bên các cô gái của mình và mãi mãi ở bên họ cho dù có chuyện gì xảy ra, đừng làm họ bị tổn thương hay phải chờ đợi và các bạn hãy nhớ đến “Hello”, nhớ Lionel Richie, nhớ đến tình yêu của một chàng trai và lời tỏ tình dễ thương ấy … Hãy trao cho tình yêu đôi mắt, nó sẽ dẫn bạn đến với bờ bến sự bình yên và … hạnh phúc.

Và lưu ý rằng: Dù "tỉnh tò" trong thời điểm, hoàn cảnh nào thì quan trọng là phải được xuất phát từ trái tim và tình cảm chân thành nhất. Tình yêu không phải là điều có thể đem ra thử nghiệm hay đùa giỡn. Bởi vì dù là người bày ra trò đùa hay người bị đùa đều sẽ cảm thấy đau khổ và tổn thương. Sẽ thật tuyệt vời nếu như bạn biết nắm bắt những cơ hội trong thời điểm và hoàn cảnh hợp lý, bày tỏ tình cảm của mình và được đáp lại. Từ đó xây dựng, vun đắp cho tình cảm ấy ngày càng đẹp và bền vững hơn. Cuối cùng là lời chúc may mắn và thành công!

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Bài hát Những ánh sao đêm




Những ánh sao đêm do nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sấng tác và NSND Quốc Hương trình bày

 “Những ánh sao đêm” là một sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Bài hát được viết vào năm 1962, bắt nguồn từ những cảm xúc của nhạc sĩ khi vào một đêm hè, từ căn phòng nhỏ của mình trên tầng cao một khu chung cư, ông nhìn về phía khu tập thể Kim Liên đang xây dựng và thấy dưới ánh đèn công trường lấp lánh như sao sa là sự tấp nập, hối hả làm việc của bao công nhân và thế là những ấp ủ về một tác phẩm hình thành. Đầu tiên tác giả ca ngợi những công nhân xây dựng ở miền Bắc, rồi sau lời bài hát được chỉnh sửa dần và đến hoàn thiện như ngày nay

Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua
Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa
Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng
Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu nghe máu trong tim hoà niềm vui lâng lâng lời ca
Em ơi, anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi
Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi
Lòng anh những thấy càng thương nhớ em
Dù xa nhau trọn ngày đêm anh càng yêu em càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi
Ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta
Anh lắng nghe bao lời ân ái những bài tình ca

Lòng nhớ thương quê hương miền Nam anh hằng tha thiết ước mong ngày mai
Anh sẽ đi về khắp làng quê xây những ngôi nhà tương lai
Dòng sông mát xanh chảy quanh phố phường và nhiều công trường xây niềm vui mới
Khi bóng đêm trở về rực ánh đèn lên em thấy như muôn ngàn vì sao thêu trong đêm tối
Em ơi tuy giờ đây hai miền còn cách xa
Niềm chia cắt thắt đau lòng chúng ta
Nhưng không thể xóa được hình bóng em
Dù xa nhau trọn ngày đêm, anh càng yêu em càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi

Ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta
Anh lắng nghe bao lời ân ái những bài tình ca.

Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng với tôi cảm giác mới lạ, trong trẻo mà bài hát mang lại vẫn y như ngày nào. Giống như một làn gió đêm nhẹ nhàng, tươi mát đến cùng với mùi cỏ hoa và tiếng ếch nhái kêu sau cơn mưa rào đầu mùa, khi mùa xuân ướt lạnh còn chưa đi xa và mùa hạ mới đang ngập ngừng bước tới … Có lẽ vì bài hát kể về một câu chuyện không bao giờ cũ, nhưng lại rất mới trong thời kỳ bấy giờ, đó là “Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu/ nghe máu trong tim hoà niềm vui lâng lâng lời ca”“Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi/ Lòng anh những thấy càng thương nhớ em” ... Bức tranh mà bài hát vẽ nên, cho đến bây giờ vẫn còn là niềm ao ước: “Dòng sông mát xanh chảy quanh phố phường/ và nhiều công trường xây niềm vui mới”…

Bài hát “Những ánh sao đêm” tuy cũng được xếp vào những bài hát viết về đề tài xây dựng, nhưng khác với nhiều bài hát khác cũng viết về đề tài xây dựng, như “Bài cai xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân, hay một số bài hát viết về những anh thợ xây hay chị quét vôi, bài hát này chủ yếu nói về tình cảm của người thợ xây dành cho người yêu phương xa trong hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt. Nỗi niềm này không chỉ riêng có ở người thợ xây, mà bất cứ ai trong hoàn cảnh tương tự đều có, chắc bởi thế nên sau này nó đã trở thành một bài tình ca được rất nhiều người yêu thích.
Vậy nhưng có một điều thật bất ngờ là bài hát này, dù vậy đã từng không được phổ biến (hay nói cho đúng là đã từng bị cấm) trong suốt bao nhiêu năm. Nó đã phải chịu chung số phận với nhiều bài tình ca khác, dù sau này được đánh giá là những bài ca sống cùng năm tháng, là những tình khúc vượt thời gian v.v…, nhưng không vượt qua được tư duy và cung cách hành xử của một thời. Cứ tưởng rằng theo lẽ thường, người ta không thể cấm đoán chúng chỉ vì chúng nói lên những tình cảm rất con người.
Nhưng có lẽ trên con đường đi từ hết thắng lợi này lại đến thắng lợi khác thì chẳng có chuyện gì là không thể.
XDVN

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

NSND Thanh Huyền, một trong những giọng hát đẹp nhất, sáng giá nhất của nhạc cách mạng.


 

Thanh Huyền là một trong những giọng hát đẹp nhất, sáng giá nhất của nhạc cách mạng. Thanh Huyền tên thật là Trương Thị Thanh Huyền, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Với năng khiếu bẩm sinh, ngay từ nhỏ bà tham gia sinh hoạt trong đội đồng ca thiếu niên Ấu Trĩ Viên của thành phố. Sau đó, Thanh Huyền còn hát trong đội Sơn ca (dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ Mộng Lân, Nguyễn Lân Tuất). Bà còn đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi ca hát thiếu nhi, liên tiếp trong hai năm 1955 và 1956, bà đã giành Giải nhất về hát đơn ca Thiếu nhi toàn Thành phố Hà Nội.
Sau đó, bà theo học khoa Thanh nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam (sau này là Nhạc viện Hà Nội), dưới sự dẫn dắt của những nhà giáo, nghệ sĩ tên tuổi như Mai Khanh, Thương Huyền… Bà còn học hát cả hát văn, ca Huế, dân ca Bắc Bộ, điều này đã giúp bà hát thành công nhiều thể loại thanh nhạc.
Thanh Huyền là một trong những giọng ca sáng nhất của nhạc cách mạng trong suốt những năm 1960-1970. Với giọng hát kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân ca và kĩ thuật thanh nhạc cổ điển, bà được coi là giọng ca dân ca kế thừa của cố nghệ sĩ Thương Huyền (nữ nghệ sĩ hát dân ca rất nổi tiếng vào cuối những năm 1940-những năm 1960, mất vào năm 1989).
Bà nổi tiếng với nhiều ca khúc được phát trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam thời đó: những ca khúc dân ca Bắc Bộ (đặc biệt là Quan họ Bắc Ninh) như Bèo dạt mây trôi, Xe chỉ luồn kim, Người ở đừng về… và những ca khúc tân nhạc như Đường cày đảm đang (An Chung), Lời ca dâng Bác (Trọng Loan), Khi thành phố lên đèn, Rặng trâm bầu (Thái Cơ), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý)… và đặc biệt với ca khúc Hát ru (nhạc Hoàng Vân, thơ Tố Hữu).
Thanh Huyền còn là một trong những giọng ca từng nhiều lần biểu diễn trước chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chịu khó học tập, nghiên cứu tinh hoa của nền âm nhạc dân tộc để áp dụng trong phương pháp thanh nhạc, Thanh Huyền đã đạt được những kết quả đáng kể. Chị đã góp phần làm đẹp thêm bản sắc âm nhạc Việt Nam trong cuộc sống mới.
Năm 1965, lần đầu tiên Thanh Huyền hát “Người ở đừng về” trên đất nước Indonesia. Từ đó đến nay, “Người ở đừng về” do chị hát đã chiếm được nhiều thư yêu cầu của thính giả gửi về Đài TNVN đề nghị được nghe lại. Có lần diễn ở Italy, đêm nào đến lượt Thanh Huyền hát, lại có một nhạc sĩ người Italy mở máy ghi âm thu tiếng. Có người hỏi: “Vẫn cô ấy hát bài hát ấy, ông thu làm gì mãi?”. Ông già trả lời: “Không có gì lạ hết. Cũng bài hát ấy, nhưng hôm nay cô ấy hát hay hơn hôm qua. Ngày mai chắc cô ấy sẽ hát hay hơn hôm nay”.
Lớn lên trong tập thể của Đoàn Ca nhạc dân tộc Trung ương, Thanh Huyền đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người và đạt danh hiệu Chiến sĩ Văn hoá do Bộ Văn hoá-Thông tin tặng. Vinh dự hơn, chị đã được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Có lần chúng tôi hỏi: “Chị cho rằng tài năng hay luyện tập chuyên cần là điều quan trọng nhất để dẫn đến thành công của nghệ sĩ?”, Thanh Huyền trả lời: “Tôi cho rằng đó là sự tổng hợp của cả hai. Nhưng tài năng phải đến trước nhất, từ đó trau dồi và phát huy nó, làm cho nó phong phú để cống hiến cho nghệ thuật. Đặc biệt là luôn luôn khiêm tốn học tập để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt”
Thanh Huyền đã đoạt 3 Huy chương Vàng trong các kỳ Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Bà đã được tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng III, Huân chương Lao động hạng II. Năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu tiên.
Thế hệ trẻ chúng tôi không có cơ hội được nhìn thấy nghệ sĩ Thanh Huyền trên sân khấu. Nhưng với những thế hệ đi trước, thì Thanh Huyền là một trong những giọng hát đẹp nhất, sáng giá nhất của nhạc cách mạng.
Bà được xem là giọng hát dân ca kế thừa của cố nghệ sĩ nức tiếng Thương Huyền. Qua làn sóng phát thanh, tiếng hát Thanh Huyền đã in đậm dấu ấn trong trái tim của hàng triệu khán giả với các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, những ca khúc cách mạng, trữ tình. Trong một gia đình có hai người làm nghệ thuật, lại ở vào thời điểm đất nước đang trải qua muôn vàn gian khổ, để tồn tại, mỗi người đã phải hy sinh rất nhiều.
NSND Thanh Huyền tâm sự: “Thời đó, chúng tôi nghèo lắm. Anh Thanh An nghèo đến nỗi không có nổi một cái xe đạp để đi. Chúng tôi cưới nhau và sống trong một gian nhỏ, và mỗi người cần mẫn với công việc của mình. Anh An thường phải đi làm phim xa nhà, còn tôi thì phải đi biểu diễn. Khi các con con nhỏ, mỗi khi đi diễn, tôi thường phải gửi con nhờ hàng xóm trông giúp. Có đêm 11h mới về đến nhà, lọ mọ đi đón con, đứa nào cũng ngủ gà ngủ gật.
Anh Thanh An rất hiểu nỗi khổ của người nghệ sĩ. Anh thường động viên vợ phải cố gắng. Những lúc vắng nhà thì thôi, nhưng hễ anh ở nhà là mỗi lần tôi đi diễn về thế nào anh cũng nấu sẵn một bát cháo gà bồi dưỡng vợ, để vợ giữ sức khỏe mà hát hay hơn. Anh là người nhân hậu và nhiệt tình với tất cả mọi người. Ai nhờ việc gì, anh cũng giúp. Ngay cả những việc anh biết mình không làm được, nhưng vì cả nể, anh vẫn cứ nhận lời. Anh thương yêu vợ thương con hết mực”.
NSND Thanh Huyền tự hào rằng cuộc đời đã ban cho bà một người chồng mà bà không có gì để phàn nàn cả. “Khi chúng tôi gặp nhau ở trường nhạc, tôi chưa từng yêu ai cả. Chúng tôi gắn bó số phận với nhau và trở thành một gia đình. Gần như chúng tôi không bao giờ cãi nhau.
Chúng tôi sống đơn giản và không bao giờ nghĩ nhiều về vật chất. Trong nghệ thuật, chúng tôi góp ý cho nhau, và cùng hiểu rằng phải làm nghề bằng toàn bộ tình yêu và niềm đam mê không toan tính thì mới mong được khán giả nhớ đến. Bạn bè tôi nhiều người đổ vỡ trong hôn nhân, có người lập gia đình nhiều lần trong đời. Có người trêu tôi: Suốt đời chỉ sống cạnh một người đàn ông mà không thấy chán à, tôi chỉ cười.
Trong đời nghệ sĩ biểu diễn, tránh sao khỏi những phút giây mình chao đảo bởi một ánh mắt nhìn, một cử chỉ ân cần của ai đó. Nhưng đó chỉ là những ngọn gió thoảng qua mà thôi. Gặp ai, tôi vẫn thấy người chồng thân yêu của mình là số 1. Anh sống tử tế với mọi người, hy sinh nhẫn nại cho gia đình, yêu thương vợ con hết mực, tôi còn mong gì hơn nữa”.
Với giọng hát lộng lẫy, thấm đẫm tâm hồn Việt Nam, NSND Thanh Huyền có cơ hội đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Bàn chân của bà đã đến các châu lục khác nhau. Bà có nhiều khán giả ái mộ. Nhưng bản tính vốn khiêm nhường, ưa sự yên tĩnh nên bà chọn lối sống giản dị, lấy việc chăm sóc gia đình, con cái là nguồn vui, mà ít có mặt ở những nơi hội hè, phù hoa.
Bà bảo: “Trên sân khấu mình có thể rất lộng lẫy, nhưng về đời thường mình chỉ muốn làm một người đàn bà bình thường nhất, chăm chút cho tổ ấm gia đình. Tôi không muốn làm một người nổi bật. Tôi nghĩ, với người ca sĩ thì quan trọng nhất là giọng hát, không phải cái đẹp bề ngoài. Chồng tôi từng nói, ông yêu quý vợ hơn cũng bởi vì đức tính đó”.
Nhớ về những năm tháng chiến tranh, NSND Thanh Huyền kể lại chuyến đạp xe từ Hà Nội vào Nghệ An biểu diễn phục vụ bộ đội. Bà với các đồng nghiệp phải đi xuyên đêm, xe đạp phải tháo chắn bùn ra vì bị sợ máy bay Mỹ phát hiện. Đi dưới bầu trời đầy tiếng máy bay địch như vậy thì sợ lắm, nhưng nghĩ đến những người lính ngoài mặt trận, bàn chân bà như guồng nhanh hơn những vòng xe.
“Ngay cả lúc nghèo nhất, vợ chồng tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng mình làm nghệ thuật là vì tiền. Thế hệ tôi, đi biểu diễn về, bụng đói meo là chuyện bình thường. Chúng tôi cứ sống trong căn nhà nhỏ hơn chục mét vuông cho đến khi tôi được phong NSND và được Nhà nước phân cho căn hộ này.
Lúc tôi mới nghỉ hưu, thanh sắc vẫn còn đủ để xuất hiện trên sân khấu, có nhiều lời mời tham gia biểu diễn cho một số chương trình phù hợp, nhưng tôi từ chối. Tôi hiểu rằng, mỗi người nghệ sĩ đều có thời của mình, và cần phải biết rút lui đúng lúc để giữ cho trọn vẹn hình ảnh đẹp của mình trong ký ức khán giả.
Những năm cuối đời, NSND Thanh An mắc phải căn bệnh Parkinson. Nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. Bà Thanh Huyền dành thời gian để chăm lo cho sức khỏe của chồng. Hai ông bà thường cùng dắt nhau đi bộ, tập thể dục, cùng xem một bộ phim, lắng nghe một bài hát và bàn luận say sưa như thời tuổi trẻ.
Bà kể lại: “Chúng tôi có 2 con. Con trai cả thì đi du học, hiện đang là trợ giảng cho một trường đại học danh tiếng ở Đức. Cháu đã có vợ và hai con gái nhỏ. Con gái thứ 2 của tôi là Thanh Hằng, sở hữu một giọng hát rất đẹp và chúng tôi đã hướng cho con theo nghiệp mẹ. Nhưng Thanh Hằng bị đau cột sống, đã trải qua 3 lần phẫu thuật nên không thể tiếp tục đứng trên sàn diễn. Hằng buồn lắm, chúng tôi động viên con nhưng thực lòng cũng rất buồn vì con không thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình được nữa”.
Sau ngày ông mất, căn nhà nhỏ im ắng hẳn đi. Con trai ở Đức về chịu tang bố rồi lại phải hối hả trở lại với công việc của mình. Con gái Thanh Hằng thương mẹ, mướn thêm một người giúp việc, dù trong nhà đã có một người giúp việc rồi, để có người ra vào, trò chuyện cho mẹ đỡ buồn, đỡ cô quạnh. Căn nhà trở nên rộng thênh thang.
NSND Thanh Huyền nghẹn lời: “Các con thương tôi lắm. Hơn nữa chúng nó đều có điều kiện cả. Con trai bảo, hay là mẹ sang Đức ở với con. Tôi bảo mẹ không thích ở nước ngoài, cả đời làm nghệ thuật mẹ đã đi biểu diễn ở hơn chục nước, nhưng mẹ vẫn thích ở Việt Nam mình nhất. Giống như mẹ luôn hát thành công những bài hát có âm hưởng dân ca hơn là những bài hát phương Tây. Con gái lại bảo, vậy thì sau khi cúng thất tuần cho bố, mẹ chuyển sang ở nhà con. Có các cháu mẹ sẽ vui hơn. Tôi bảo, thôi cứ để mẹ ở đây, trong căn nhà của bố mẹ. Ở đây mẹ sẽ có được cái cảm giác như vẫn được trò chuyện với bố mỗi ngày. Căn nhà này đã dung chứa biết bao kỷ niệm buồn vui, mẹ muốn được đối thoại với những kỷ niệm ấy, ngắm nhìn lại nó, và mẹ thấy lòng nhẹ nhàng hơn”.
Những giọt nước mắt lại rưng rưng trên gương mặt của NSND Thanh Huyền. Mất đi một người thân yêu trong cuộc đời, với bất kỳ ai, cũng là nỗi buồn lớn nhất. Ông bà, hai người đồng nghiệp, và là bạn đời của nhau đã chia sẻ với nhau những ngọt ngào của hạnh phúc và cả những chiêm nghiệm vui buồn thời cuộc mà họ đã đi qua.
Đã vắng bóng dáng ông trong ngôi nhà nhỏ và trong cuộc đời, nhưng nơi trái tim bà, ông chưa bao giờ đi vắng. Bởi tình yêu ông dành cho bà thì vẫn còn lại đầy ắp. Cũng như những kỷ niệm không bao giờ có thể mờ phai trong ký ức bà. 


 Kết thúc bài viết trên (đăng trên ANTG), mời mọi người xem Video "Thanh Huyền của chúng ta". Video này được thực hiện vào năm 1994, khi đó NSND Thanh Huyền chưa nghỉ hưu (năm 1997 NSND Thanh Huyền mới nghỉ hưu.  Dẫn chương trình đoạn đầu là Hương Ly, con gái của Thu Hiền hay thuyết minh phim.

 Mời các bạn xem tiếp bài "Mẹ yêu con" của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý do NSND Thanh Huyền Trình bày.

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Những hình ảnh có thể khiến người xem phải rối trí


Khi nhìn một bức hình nào đó, thông thường mắt sẽ tiếp nhận thông tin, màu sắc, hình ảnh, sau đó truyền tới não để phân tích, nhận biết được nội dung của tấm ảnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mà cụ thể là những hình ảnh động dưới đây, có thể chúng ta sẽ bị nhầm lẫn, hoặc thậm chí là rối trí vì những hoa văn, hay cách chuyển động của những vật thể trong bức hình. Bên cạnh đó, một số bức ảnh còn có các hiệu ứng xoay tròn, di động nếu ta đảo mắt. Mời mọi người cùng thư giãn với 20 bức hình dưới đây.

1. Chiếc ghế bị bẻ cong (tác giả: Ibride)


Trong hình ảnh động này, thoạt nhìn chúng ta sẽ thấy dường như mặt ghế đang hướng về góc 4h, tuy nhiên khi người đàn ông này tới ngồi thì ta mới nhận ra được rằng mặt ghế đang xoay về hướng gần như đối diện với người xem.

2. Khối Rubik ba chiều

 Lại một bức ảnh động nữa khiến thị giác của người xem phải nhầm lẫn, mới lần đầu nhìn vào ảnh ta sẽ thấy một khối rubik "thật" đang được đặt trên một tấm giấy trắng. Thế nhưng đến khi bàn tay xoay chuyển khối giấy + rubik thì chúng ta mới vỡ lẽ hoá ra đó chỉ là khối rubik bằng giấy nhưng được cắt xén vô cùng tinh vi.


3. Cục rubik lơ lửng


Lại một lần nữa chúng ta lại được thấy "khối rubik nhưng không phải là rubik", bởi tác giả đã khéo léo cắt xén tấm hình thành một khối lập phương với các mặt hình caro. Ngoài ra, anh chàng này cũng khéo léo di chuyển tấm bảng trắng phía sau để tạo nên hiệu ứng "cục rubik" như đang lơ lửng.
 
 4. Mắt người hay là bồn rửa mặt?



Chắc chắn hình ảnh đập vào mắt chúng ta đầu tiên đó chính là con mắt. Rõ ràng là như vậy, nhưng khi để ý kỹ ta sẽ thấy các bọt xà phòng ở xung quanh, cùng với đó là xoáy nước ở giữa, tất cả đã tạo nên một bức ảnh hoàn hảo trong việc đánh lừa thị giác của người xem.

5. Vòng quay xoay theo hướng nào?



Một câu hỏi quả thật khiến cho bất kỳ ai cũng phải cảm thấy vô cùng RỐI TRÍ. Đúng vậy, ngay chính bản thân mình lần đầu tiên xem đều quả quyết nó đang quay ngược chiều kim đồng hồ, tuy nhiên khi mình nhìn kỹ lại thì nó lại đang quay theo chiều kim đồng hồ (?!).

6. Hãy tập trung vào dấu thập ở chính giữa


Đây là một trò chơi khá hay. Đơn giản thôi các bạn dùng đôi mắt của mình tập trung hết mức vào dấu thập ở chính giữa (nhớ đừng để ý các thay đổi xung quanh). Bạn sẽ thấy một điều thú vị sẽ xảy ra: đó chính là mặt của các ngôi sao điện ảnh ở hai bên sẽ ngẫu nhiên trở thành các khuôn mặt xấu xí, giống với mặt của những con quỷ trong phim ảnh !

7. Tập trung vào dấu chấm tròn ở chính giữa trong 20 giây



Như "trò chơi" ở hình 12, các bạn cũng tập trung vào dấu chấm tròn ở chính giữa trong 20 giây (thật ra thì 15s hay 16s cũng được :)). Sau khi nhìn cho đã mắt, bạn hãy nhìn vào bất kỳ khuôn mặt của ai (người thân, bạn bè), và sẽ thấy mặt của họ sẽ xuất hiện các vòng xoáy như trong hình :).

8. Có bao nhiêu hình tròn trong hình?


Có câu hỏi thì phải có câu trả lời, tuy nhiên mình sẽ để các bạn tự đưa ra con số chính xác:), nên nhớ trò chơi có thể khiến bạn cảm thấy hơi đâu đầu và bức xúc để nhận ra bao nhiêu hình tròn, nếu thực sự muốn biết hãy nhìn sát màn hình và theo dõi thật kỹ nét vẽ :)

9. Nhìn vào chính giữa hành lang bạn sẽ thấy tốc độ đi nhanh lên, nhìn vào hai bên tường bạn sẽ thấy tốc độ chậm lại

Có lẽ tiêu đề trên cũng đã quá đủ cho người xem thử sự tò mò của mình. Các bạn hãy thử xem tốc độ có thay đổi theo từng cách nhìn hay không nhé (tốc độ chung là không đổi, tuy nhiên chúng ta thấy sự thay đổi trong tốc độ bởi cảm giác và có lẽ thi giác của người xem lại một lần nữa bị đánh lừa).

10. Hình vuông được ghép từ bốn thanh chuyển động ngẫu nhiên

Bốn thanh màu trắng chuyển động ngẫu nhiên, sắp xếp lộn xộn nhưng chỉ cần một vài thủ thuật, chúng ta đã thấy một hình vuông hoàn chỉnh đang chuyển động.

11. Bánh răng truyền động

Hai hình tròn tĩnh với với hoạ tiết đồng tâm bỗng nhiên trở thành hai bánh răng cưa truyền động với một thủ thuật: đưa tấm phim có các đường sọc đen đi qua.

12. Bức ảnh chuyển động không ngừng


Chỉ cần nhìn thoáng qua các bạn cũng thấy các hoạ tiết trong bức ảnh chuyển động không ngừng.

13. Hai điếu thuốc "không bằng nhau"

Khi ở vị trí ban đầu, rõ ràng hai điếu thuốc có kích thước khác nhau: một ngắn và một dài, tuy nhiên khi hai điếu thuốc chạm vào nhau, ta lại nhận ra rằng chúng hoàn toàn bằng nhau !

14. Các bánh răng quay tròn

Hãy để ý thật kỹ, tập trung và bạn sẽ nhận ra được điều này

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp

Ngày xưa chỉ vài chiếc bánh chưng, hộp mứt Tết, dăm ba lạng thịt là cũng có thể thành Tết - những cái Tết đơn sơ nhưng ấm áp, tràn đầy kí ức.

Ngày xưa chỉ có hộp mứt thập cẩm, vài lạng đậu xanh để gói bánh chưng, có chăng thêm vài lạng thịt, một bánh pháo tép cũng thành Tết. Trẻ con thì được diện những bộ quần áo mới, được lì xì, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng...

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm cúng vô cùng. Kỉ niệm về Tết thời bao cấp đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người đã đi qua thời gian.

Vẫn là hoa đào, hoa mai, vẫn bánh chưng và không khí nhộn nhịp của ngày Tết, nhưng Tết của ngày xưa và ngày nay đã khác nhau rất nhiều. Và chắc hẳn, có những thứ ta chỉ có thể tìm lại trong ký ức, trong hình ảnh còn lưu lại về ngày hôm qua…

Cùng ngược dòng thời gian ngắm nhìn những bức ảnh Tết thời bao cấp để hoài niệm, cảm nhận không khí Tết đơn sơ nhưng tràn đầy yêu thương.

Từ cảnh mọi người nô nức sắm Tết...

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 1
Sắm Tết thời bao cấp chủ yếu dựa vào các cửa hàng mậu dịch. Các cửa hàng được "trang hoàng" các tấm pa-nô, áp phích, trang trí cho có không khí ngày Tết.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 2
Ai cũng lo lắng làm sao mua cho hết tiêu chuẩn... Tết của nhà mình. Từ ngày 20 Tết, các cửa hàng bách hóa bắt đầu đông nghịt.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 3
Cảnh xếp hàng dài chờ đến lượt mua hàng cạnh Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 4
Mua vải may quần áo cho trẻ con.
Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 5
Tết không thể thiếu khoanh giò hay miếng thịt quay.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 6
Sau khi sắm đủ nhu yếu phẩm cho ngày Tết, người ta mới ghé qua gian hàng mứt, rượu Tết. Rượu Tết ngày xưa chỉ có rượu cam, rượu chanh. Xịn nhất là rượu Nàng Hương.
Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 7
Ở đâu người ta cũng thông báo những mặt hàng Tết như thế này, nhưng nếu không mua nhanh sẽ hết.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 8Chỉ một chút mứt thập cẩm, đựng trong hộp bìa mỏng manh nhưng cũng đủ để mọi người cảm nhận không khí Tết đang về với từng nhà.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 9
Mứt Tết và bánh chưng là 2 thứ không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt.


Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 10
 Tranh Tết, lịch Tết, câu đối Tết bày bán ở vỉa hè dành cho khách mua về treo hay làm quà cho gia đình.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 11
Quầy bán tranh, hoa Tết...

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 12
Bàn đổi tiền lẻ những ngày giáp Tết rất đông.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 13
Cửa hàng bán pháo ngày Tết báo hiệu xuân mới về, năm cũ qua đi, đón chào một năm mới.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 14
Những đứa trẻ thời bấy giờ luôn bị thu hút bởi những chùm pháo đỏ, hồng tại cửa hàng tạp hóa như thế này.


Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 15
Ngày giáp Tết, tàu xe đi lại rất khó khăn. Nhiều người phải thay nhau sắp hàng mua vé tàu suốt mấy ngày đêm may ra mới mua được vé. Không mua được vé, nhiều người phải ngồi trên nóc tàu.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 16
Ô tô ngày Tết cũng chen chúc không kém gì tàu hỏa.

... tới khung cảnh Tết đến mọi nhà...


Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 17
Sau bao ngày tất tả chuẩn bị Tết, cuối cùng mọi việc đâu cũng vào đấy. Chiều 30, mọi người trong gia đình quây quần quanh mâm cỗ tất niên.
Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 18
Tiếng pháo nổ đì đùng mỗi khi Tết đến luôn ở mãi trong tâm trí của mỗi người. Nó báo hiệu xuân đã tới, một năm mới đã sang.
Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 19

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 20
 Những đứa trẻ thích thú kiếm tìm với hy vọng nhặt được quả nào chưa nổ trong đống xác pháo rải đầy mặt đất.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 21
Đường phố Hà Nội những ngày Tết.

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 22
Đồng tiền lì xì cho trẻ em thời đó.

Khi Tết qua đi...
Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 23
Sau Tết, mọi người bắt đầu trở lại với công việc của mình.
Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 24
Với mỗi người làm ăn xa, giây phút ấm áp được trở về đoàn tụ bên gia đình những ngày Tết tuy ngắn ngủi nhưng sẽ là động lực giúp họ cố gắng làm việc trong suốt năm tới.