Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

NSND Thanh Huyền, một trong những giọng hát đẹp nhất, sáng giá nhất của nhạc cách mạng.


 

Thanh Huyền là một trong những giọng hát đẹp nhất, sáng giá nhất của nhạc cách mạng. Thanh Huyền tên thật là Trương Thị Thanh Huyền, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Với năng khiếu bẩm sinh, ngay từ nhỏ bà tham gia sinh hoạt trong đội đồng ca thiếu niên Ấu Trĩ Viên của thành phố. Sau đó, Thanh Huyền còn hát trong đội Sơn ca (dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ Mộng Lân, Nguyễn Lân Tuất). Bà còn đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi ca hát thiếu nhi, liên tiếp trong hai năm 1955 và 1956, bà đã giành Giải nhất về hát đơn ca Thiếu nhi toàn Thành phố Hà Nội.
Sau đó, bà theo học khoa Thanh nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam (sau này là Nhạc viện Hà Nội), dưới sự dẫn dắt của những nhà giáo, nghệ sĩ tên tuổi như Mai Khanh, Thương Huyền… Bà còn học hát cả hát văn, ca Huế, dân ca Bắc Bộ, điều này đã giúp bà hát thành công nhiều thể loại thanh nhạc.
Thanh Huyền là một trong những giọng ca sáng nhất của nhạc cách mạng trong suốt những năm 1960-1970. Với giọng hát kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân ca và kĩ thuật thanh nhạc cổ điển, bà được coi là giọng ca dân ca kế thừa của cố nghệ sĩ Thương Huyền (nữ nghệ sĩ hát dân ca rất nổi tiếng vào cuối những năm 1940-những năm 1960, mất vào năm 1989).
Bà nổi tiếng với nhiều ca khúc được phát trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam thời đó: những ca khúc dân ca Bắc Bộ (đặc biệt là Quan họ Bắc Ninh) như Bèo dạt mây trôi, Xe chỉ luồn kim, Người ở đừng về… và những ca khúc tân nhạc như Đường cày đảm đang (An Chung), Lời ca dâng Bác (Trọng Loan), Khi thành phố lên đèn, Rặng trâm bầu (Thái Cơ), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý)… và đặc biệt với ca khúc Hát ru (nhạc Hoàng Vân, thơ Tố Hữu).
Thanh Huyền còn là một trong những giọng ca từng nhiều lần biểu diễn trước chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chịu khó học tập, nghiên cứu tinh hoa của nền âm nhạc dân tộc để áp dụng trong phương pháp thanh nhạc, Thanh Huyền đã đạt được những kết quả đáng kể. Chị đã góp phần làm đẹp thêm bản sắc âm nhạc Việt Nam trong cuộc sống mới.
Năm 1965, lần đầu tiên Thanh Huyền hát “Người ở đừng về” trên đất nước Indonesia. Từ đó đến nay, “Người ở đừng về” do chị hát đã chiếm được nhiều thư yêu cầu của thính giả gửi về Đài TNVN đề nghị được nghe lại. Có lần diễn ở Italy, đêm nào đến lượt Thanh Huyền hát, lại có một nhạc sĩ người Italy mở máy ghi âm thu tiếng. Có người hỏi: “Vẫn cô ấy hát bài hát ấy, ông thu làm gì mãi?”. Ông già trả lời: “Không có gì lạ hết. Cũng bài hát ấy, nhưng hôm nay cô ấy hát hay hơn hôm qua. Ngày mai chắc cô ấy sẽ hát hay hơn hôm nay”.
Lớn lên trong tập thể của Đoàn Ca nhạc dân tộc Trung ương, Thanh Huyền đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người và đạt danh hiệu Chiến sĩ Văn hoá do Bộ Văn hoá-Thông tin tặng. Vinh dự hơn, chị đã được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Có lần chúng tôi hỏi: “Chị cho rằng tài năng hay luyện tập chuyên cần là điều quan trọng nhất để dẫn đến thành công của nghệ sĩ?”, Thanh Huyền trả lời: “Tôi cho rằng đó là sự tổng hợp của cả hai. Nhưng tài năng phải đến trước nhất, từ đó trau dồi và phát huy nó, làm cho nó phong phú để cống hiến cho nghệ thuật. Đặc biệt là luôn luôn khiêm tốn học tập để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt”
Thanh Huyền đã đoạt 3 Huy chương Vàng trong các kỳ Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Bà đã được tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng III, Huân chương Lao động hạng II. Năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu tiên.
Thế hệ trẻ chúng tôi không có cơ hội được nhìn thấy nghệ sĩ Thanh Huyền trên sân khấu. Nhưng với những thế hệ đi trước, thì Thanh Huyền là một trong những giọng hát đẹp nhất, sáng giá nhất của nhạc cách mạng.
Bà được xem là giọng hát dân ca kế thừa của cố nghệ sĩ nức tiếng Thương Huyền. Qua làn sóng phát thanh, tiếng hát Thanh Huyền đã in đậm dấu ấn trong trái tim của hàng triệu khán giả với các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, những ca khúc cách mạng, trữ tình. Trong một gia đình có hai người làm nghệ thuật, lại ở vào thời điểm đất nước đang trải qua muôn vàn gian khổ, để tồn tại, mỗi người đã phải hy sinh rất nhiều.
NSND Thanh Huyền tâm sự: “Thời đó, chúng tôi nghèo lắm. Anh Thanh An nghèo đến nỗi không có nổi một cái xe đạp để đi. Chúng tôi cưới nhau và sống trong một gian nhỏ, và mỗi người cần mẫn với công việc của mình. Anh An thường phải đi làm phim xa nhà, còn tôi thì phải đi biểu diễn. Khi các con con nhỏ, mỗi khi đi diễn, tôi thường phải gửi con nhờ hàng xóm trông giúp. Có đêm 11h mới về đến nhà, lọ mọ đi đón con, đứa nào cũng ngủ gà ngủ gật.
Anh Thanh An rất hiểu nỗi khổ của người nghệ sĩ. Anh thường động viên vợ phải cố gắng. Những lúc vắng nhà thì thôi, nhưng hễ anh ở nhà là mỗi lần tôi đi diễn về thế nào anh cũng nấu sẵn một bát cháo gà bồi dưỡng vợ, để vợ giữ sức khỏe mà hát hay hơn. Anh là người nhân hậu và nhiệt tình với tất cả mọi người. Ai nhờ việc gì, anh cũng giúp. Ngay cả những việc anh biết mình không làm được, nhưng vì cả nể, anh vẫn cứ nhận lời. Anh thương yêu vợ thương con hết mực”.
NSND Thanh Huyền tự hào rằng cuộc đời đã ban cho bà một người chồng mà bà không có gì để phàn nàn cả. “Khi chúng tôi gặp nhau ở trường nhạc, tôi chưa từng yêu ai cả. Chúng tôi gắn bó số phận với nhau và trở thành một gia đình. Gần như chúng tôi không bao giờ cãi nhau.
Chúng tôi sống đơn giản và không bao giờ nghĩ nhiều về vật chất. Trong nghệ thuật, chúng tôi góp ý cho nhau, và cùng hiểu rằng phải làm nghề bằng toàn bộ tình yêu và niềm đam mê không toan tính thì mới mong được khán giả nhớ đến. Bạn bè tôi nhiều người đổ vỡ trong hôn nhân, có người lập gia đình nhiều lần trong đời. Có người trêu tôi: Suốt đời chỉ sống cạnh một người đàn ông mà không thấy chán à, tôi chỉ cười.
Trong đời nghệ sĩ biểu diễn, tránh sao khỏi những phút giây mình chao đảo bởi một ánh mắt nhìn, một cử chỉ ân cần của ai đó. Nhưng đó chỉ là những ngọn gió thoảng qua mà thôi. Gặp ai, tôi vẫn thấy người chồng thân yêu của mình là số 1. Anh sống tử tế với mọi người, hy sinh nhẫn nại cho gia đình, yêu thương vợ con hết mực, tôi còn mong gì hơn nữa”.
Với giọng hát lộng lẫy, thấm đẫm tâm hồn Việt Nam, NSND Thanh Huyền có cơ hội đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Bàn chân của bà đã đến các châu lục khác nhau. Bà có nhiều khán giả ái mộ. Nhưng bản tính vốn khiêm nhường, ưa sự yên tĩnh nên bà chọn lối sống giản dị, lấy việc chăm sóc gia đình, con cái là nguồn vui, mà ít có mặt ở những nơi hội hè, phù hoa.
Bà bảo: “Trên sân khấu mình có thể rất lộng lẫy, nhưng về đời thường mình chỉ muốn làm một người đàn bà bình thường nhất, chăm chút cho tổ ấm gia đình. Tôi không muốn làm một người nổi bật. Tôi nghĩ, với người ca sĩ thì quan trọng nhất là giọng hát, không phải cái đẹp bề ngoài. Chồng tôi từng nói, ông yêu quý vợ hơn cũng bởi vì đức tính đó”.
Nhớ về những năm tháng chiến tranh, NSND Thanh Huyền kể lại chuyến đạp xe từ Hà Nội vào Nghệ An biểu diễn phục vụ bộ đội. Bà với các đồng nghiệp phải đi xuyên đêm, xe đạp phải tháo chắn bùn ra vì bị sợ máy bay Mỹ phát hiện. Đi dưới bầu trời đầy tiếng máy bay địch như vậy thì sợ lắm, nhưng nghĩ đến những người lính ngoài mặt trận, bàn chân bà như guồng nhanh hơn những vòng xe.
“Ngay cả lúc nghèo nhất, vợ chồng tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng mình làm nghệ thuật là vì tiền. Thế hệ tôi, đi biểu diễn về, bụng đói meo là chuyện bình thường. Chúng tôi cứ sống trong căn nhà nhỏ hơn chục mét vuông cho đến khi tôi được phong NSND và được Nhà nước phân cho căn hộ này.
Lúc tôi mới nghỉ hưu, thanh sắc vẫn còn đủ để xuất hiện trên sân khấu, có nhiều lời mời tham gia biểu diễn cho một số chương trình phù hợp, nhưng tôi từ chối. Tôi hiểu rằng, mỗi người nghệ sĩ đều có thời của mình, và cần phải biết rút lui đúng lúc để giữ cho trọn vẹn hình ảnh đẹp của mình trong ký ức khán giả.
Những năm cuối đời, NSND Thanh An mắc phải căn bệnh Parkinson. Nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. Bà Thanh Huyền dành thời gian để chăm lo cho sức khỏe của chồng. Hai ông bà thường cùng dắt nhau đi bộ, tập thể dục, cùng xem một bộ phim, lắng nghe một bài hát và bàn luận say sưa như thời tuổi trẻ.
Bà kể lại: “Chúng tôi có 2 con. Con trai cả thì đi du học, hiện đang là trợ giảng cho một trường đại học danh tiếng ở Đức. Cháu đã có vợ và hai con gái nhỏ. Con gái thứ 2 của tôi là Thanh Hằng, sở hữu một giọng hát rất đẹp và chúng tôi đã hướng cho con theo nghiệp mẹ. Nhưng Thanh Hằng bị đau cột sống, đã trải qua 3 lần phẫu thuật nên không thể tiếp tục đứng trên sàn diễn. Hằng buồn lắm, chúng tôi động viên con nhưng thực lòng cũng rất buồn vì con không thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình được nữa”.
Sau ngày ông mất, căn nhà nhỏ im ắng hẳn đi. Con trai ở Đức về chịu tang bố rồi lại phải hối hả trở lại với công việc của mình. Con gái Thanh Hằng thương mẹ, mướn thêm một người giúp việc, dù trong nhà đã có một người giúp việc rồi, để có người ra vào, trò chuyện cho mẹ đỡ buồn, đỡ cô quạnh. Căn nhà trở nên rộng thênh thang.
NSND Thanh Huyền nghẹn lời: “Các con thương tôi lắm. Hơn nữa chúng nó đều có điều kiện cả. Con trai bảo, hay là mẹ sang Đức ở với con. Tôi bảo mẹ không thích ở nước ngoài, cả đời làm nghệ thuật mẹ đã đi biểu diễn ở hơn chục nước, nhưng mẹ vẫn thích ở Việt Nam mình nhất. Giống như mẹ luôn hát thành công những bài hát có âm hưởng dân ca hơn là những bài hát phương Tây. Con gái lại bảo, vậy thì sau khi cúng thất tuần cho bố, mẹ chuyển sang ở nhà con. Có các cháu mẹ sẽ vui hơn. Tôi bảo, thôi cứ để mẹ ở đây, trong căn nhà của bố mẹ. Ở đây mẹ sẽ có được cái cảm giác như vẫn được trò chuyện với bố mỗi ngày. Căn nhà này đã dung chứa biết bao kỷ niệm buồn vui, mẹ muốn được đối thoại với những kỷ niệm ấy, ngắm nhìn lại nó, và mẹ thấy lòng nhẹ nhàng hơn”.
Những giọt nước mắt lại rưng rưng trên gương mặt của NSND Thanh Huyền. Mất đi một người thân yêu trong cuộc đời, với bất kỳ ai, cũng là nỗi buồn lớn nhất. Ông bà, hai người đồng nghiệp, và là bạn đời của nhau đã chia sẻ với nhau những ngọt ngào của hạnh phúc và cả những chiêm nghiệm vui buồn thời cuộc mà họ đã đi qua.
Đã vắng bóng dáng ông trong ngôi nhà nhỏ và trong cuộc đời, nhưng nơi trái tim bà, ông chưa bao giờ đi vắng. Bởi tình yêu ông dành cho bà thì vẫn còn lại đầy ắp. Cũng như những kỷ niệm không bao giờ có thể mờ phai trong ký ức bà. 


 Kết thúc bài viết trên (đăng trên ANTG), mời mọi người xem Video "Thanh Huyền của chúng ta". Video này được thực hiện vào năm 1994, khi đó NSND Thanh Huyền chưa nghỉ hưu (năm 1997 NSND Thanh Huyền mới nghỉ hưu.  Dẫn chương trình đoạn đầu là Hương Ly, con gái của Thu Hiền hay thuyết minh phim.

 Mời các bạn xem tiếp bài "Mẹ yêu con" của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý do NSND Thanh Huyền Trình bày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét