Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Piano Sonata No.14 giọng Đô thăng thứ, Op. 27 No. 2. Bản "Ánh trăng" của Ludwig van Beethoven



Piano Sonata No.14 giọng Đô thăng thứ, Op. 27 No. 2 "Ánh trăng" 
Tác giả: Ludwig van Beethoven
Thời gian sáng tác: 1801 Đề tặng: nữ bá tước Giulietta Guicciardi
Tác phẩm gồm 3 chương: I. Adagio sostenuto II. Allegretto III.

 Presto agitato Piano Sonata số 14, về sau thường được gọi là Sonata “Ánh trăng”, được Beethoven thêm vào tiêu đề tác phẩm cụm từ "Quasi una fantasia" (trong tiếng Ý có nghĩa là "gần như một fantasy"), bởi nó không theo mẫu mực của sonata truyền thống trong đó chương đầu tiên thường ở thể sonata và những chương được bố trí tuần tự theo quy luật nhanh - chậm – nhanh.

 Beethoven sáng tác bản sonata này vào năm 1801 và đề tặng cho cô học trò 17 tuổi của mình là nữ bá tước Giulietta Guicciardi, người mà (theo một số tài liệu) ông đã đem lòng yêu. Năm 1832 (một số tài liệu cho là năm 1836), tức vài năm sau khi Beethoven qua đời, nhà thơ và là nhà phê bình âm nhạc Đức Ludwig Rellstab đã so sánh những giai điệu mượt mà trong chương đầu của tác phẩm với ánh trăng trên hồ Lucerne và tác phẩm mang tên "Ánh trăng" từ đó. Đây là một trong những tác phẩm của Beethoven được nhiều người biết đến nhất và nó thường xuyên được trình diễn và ghi âm.

 Chương đầu của tác phẩm được viết ở hình thức sonata rút gọn với giai điệu chậm rãi và tha thiết. Một giai điệu mà nhà soạn nhạc Pháp Hector Berlioz gọi là "lamentation" (lời than vãn) được chơi (chủ yếu bằng tay phải) tương phản với phần đệm ostinato nhịp ba. Chương nhạc có sắc thái chủ yếu là pianissimo (pp) hay "rất êm ả) và âm lớn nhất nó có là mezzo-forte (mf) hay "mạnh vừa". Chương nhạc đã gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều thính giả, chẳng hạn như Berlioz đã viết về nó như sau: "là một trong những bài thơ mà ngôn ngữ loài người không biết cách diễn tả". Tác phẩm rất phổ biến ở thời Beethoven tới mức làm nhà soạn nhạc bực tức. Chính tác giả đã viết : "Chắc chắn là tôi đã viết những tác phẩm tốt hơn thế." Chương adagio sostenuto khi được biểu diễn một cách chuẩn xác có thể có một hiệu quả sâu sắc đối với người biểu diễn như Berlioz đã giả thuyết là không thể mô tả được bằng ngôn ngữ một cách thỏa đáng.

 Chương thứ hai của tác phẩm là phần minuet và trio tương đối truyền thống; một khoảng khá thanh bình được viết ở giọng Rê giáng trưởng, tương đương với giọng Đô thăng thứ - giọng chủ điệu của toàn tác phẩm. Tám nhịp đầu tiên mang những âm điệu thong thả, nhẹ nhàng dường như để chuẩn bị cho điệu minuet khởi đầu ở giọng La giáng thứ, sang đoạn đoạn hai âm nhạc mới định hình theo giọng chủ điệu Rê giáng trưởng, nhịp 5-8.

 Chương kết được viết ở hình thức sonata, mang tính chất sôi nổi và là chương quan trọng nhất trong toàn bộ tác phẩm. Nó phản ánh một thử nghiệm của Beethoven là đặt chương quan trọng nhất trong một bản sonata ở cuối cùng (điều này cũng được tiến hành trong sonata đi kèm trong tập tác phẩm Op. 27 No. 1 và về sau trong Piano Sonata No.28 giọng La trưởng Op. 101). Lối viết có nhiều hợp âm rải nhanh và các âm nhấn mạnh mẽ. Việc biểu diễn hiệu quả đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật tốt và cảm xúc mãnh liệt. Người ta biết rằng chính Beethoven khi chơi đã làm vỡ búa và đứt dây đàn và thật dễ dàng hình dung ra chuyện này khi ông chơi chương cuối.

 Charles Rosen (nghệ sĩ piano và nhà lí luận âm nhạc người Mĩ) đã nhận xét về chương kết này như sau: "Nó là chương khó kiểm soát nhất trong việc diễn tả xúc cảm. Cho đến ngày nay, hai trăm năm đã trôi qua, sự mãnh liệt của nó vẫn gây kinh ngạc."

 Hiệu quả âm nhạc mạnh mẽ sôi nổi trong chương ba được tạo nên chủ yếu bởi sắc thái thể hiện piano. Việc sử dụng các làn giai điệu mang âm hưởng mạnh dần (sforzando) và một số ít đoạn nhạc mang tính chất cực mạnh (fortissimo) đã tạo ra nhưng cảm giác nồng nhiệt sôi nổi thay vì sắc thái mạnh bao quát trong cả chương nhạc.

 Kí hiệu dùng pedal của Beethoven 
Ở phần mở đầu tác phẩm, Beethoven đã viết một đoạn chỉ dẫn rằng nên nhấn pedal duy trì (sustain pedal - một trong 3 pedal của đàn piano) trong suốt chương thứ nhất. Tiếng Ý viết là "Si deve suonare tutto questo pezzo delicatissimamente e senza sordino" (cả đoạn nhạc cần được chơi một cách thật tinh tế và không dùng chặn tiếng). Piano hiện đại có thời gian duy ngân rung dài hơn các cây đàn thời Beethoven. Vì thế chỉ dẫn này của Beethoven không thể được các nghệ sĩ chơi piano hiện đại tuân theo mà không tạo ra âm thanh nghịch tai một cách khó chịu. Một lựa chọn để giải quyết vấn đề này là biểu diễn tác phẩm trên một cây đàn được phục hồi hay là bản sao của loại piano mà Beethoven đã dùng. Những người đề xuất cách biểu biểu diễn am hiểu về mặt lịch sử này khi sử dụng những cây piano như thế đã thấy rằng việc biểu diễn tác phẩm theo cách tôn trọng chỉ dẫn gốc của Beethoven là khả thi.

Khi diễn tấu là trước công chúng trên một cây piano hiện đại, phần lớn người chơi ngày nay cố gắng đạt được một hiệu quả tương tự như hiệu quả mà Beethoven đòi hỏi khi chỉ thay đổi pedal lúc nào cần thiết để tránh những nghịch âm thái quá. Chẳng hạn như Ấn bản tổng phổ Ricordi không bao gồm các dấu sử dụng pedal trong suốt chương đầu. Có tác phẩm của người biên tập trong thế kỉ 20, với ý muốn làm việc biểu diễn thuận tiện hơn trên nhạc cụ hiện đại. "Half pedaling" - nhấn một phần pedal giảm âm – cũng thường được sử dụng để giả cách duy trì ngắn hơn của pedal thời đầu thế kỉ 19. Charles Rosen gợi ý dùng cả "half-pedaling" và cách thay đổi pedal một phần giây đồng hồ sau.

Nguồn: nhaccodien.info