Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Bài hát “Mùa xuân đầu tiên” với nhạc sỹ Văn Cao.




MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

Sáng tác: Văn Cao
Trình bày: Thanh Thúy.
****************************

Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng cho bao tâm hồn.

Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong Xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.

Giờ dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa Xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Cố nhạc sĩ Văn Cao: "Mùa xuân đầu tiên", tuyệt tác cuối cùng Có người đã mượn cách chơi chữ để gọi ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" là "tuyệt phẩm cuối cùng của thiên tài âm nhạc Văn Cao". Quả đúng thế thật. Ca khúc có số phận kỳ lạ. Nó ra đời sau khi Văn Cao ngừng sáng tác ca khúc tới hai chục năm... Như một tiểu thư đài các, thoạt đầu ca khúc còn dè dặt giữ một khoảng cách với khán giả. Nhưng rồi, cùng với thời gian, như rượu ủ lâu càng ngấm, "Mùa xuân đầu tiên" ngày càng đi vào đời sống. Có lẽ không hề quá lời khi ta khẳng định rằng, đây là bài hát luôn thức dậy trong hồn ta mỗi độ Tết đến xuân về, kèm theo đó là những bâng khuâng, day dứt về một thái độ sống sao cho xứng với những gì mà cả dân tộc đã phải mất bao nước mắt, máu xương mới giành lại được... Họa sĩ, nhà thơ Văn Thao - con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao đã kể lại quá trình phụ thân mình sáng tác nên ca khúc "Mùa xuân đầu tiên": Vào một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976), từ trung tâm chỉnh hình trên Ba Vì trở về nhà (108 Yết Kiêu, Hà Nội), vừa leo lên thang gác, Văn Thao chợt nghe vọng ra tiếng đàn dương cầm. Đó là một điệu valse với giai điệu mượt mà sâu lắng mà ông chưa bao giờ được nghe. Ông bước vào nhà. Một cảnh hết sức ấn tượng hiện ra trước mắt ông: "Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào âm vang đầy ắp căn phòng".
Nhưng chỉ tới khi Văn Cao tạ thế (năm 1995), mới thực sự đi vào đời sống và ngày càng lan tỏa, chiếm lĩnh tâm hồn khán thính giả, ấy là bởi ở thời điểm đất nước gặp nhiều bộn bề, khó khăn cả về đời sống vật chất và tinh thần, hình như tâm hồn con người cũng chưa đủ độ "lắng" để đón nhận một bài hát sâu sắc, trong trẻo và thánh thiện đến vậy. Như trên đã nói, ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" được in lần đầu trên Báo Sài Gòn giải phóng. Cụ thể chuyện này thế nào, trên số Báo Sài Gòn giải phóng ra ngày 2/2/2008, nhạc sĩ Trương Quang Lục cho biết: "Ngày 5/5/1975, nhật báo Sài Gòn giải phóng phát hành số đầu tiên. Vài ba tháng sau đó, Ban Biên tập của báo đã nghĩ đến việc chuẩn bị nội dung cho số báo xuân đầu tiên sau ngày giải phóng, với ý định làm sao để tờ báo xuân này thật hay, thật đẹp, thật hấp dẫn. Do đó, riêng về phần âm nhạc, Ban Biên tập quyết định mời nhạc sĩ Văn Cao, đang ở Hà Nội, viết một ca khúc mới cho số báo Xuân Sài Gòn giải phóng 1976... Khi nghe ý kiến "đặt hàng" này, nhạc sĩ Văn Cao vui vẻ nhận lời và hứa sẽ sáng tác ngay. Mấy ngày sau đó, ông hoàn thành ca khúc "Mùa xuân đầu tiên". Theo nhận định của nhạc sĩ Trương Quang Lục thì "Mùa xuân đầu tiên" chính là "ca khúc đầu tiên được in trên một tờ báo xuân cách mạng tại Sài Gòn sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất".
(Sưu tầm)

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Shoji Sayaka plays Mendelssohn's Violin Concerto in E minor



Violin Concerto E minor, Op. 64
Sáng tác: Felix Mendelssohn


Bản violin concerto giọng Mi thứ trứ danh của Mendelssohn được mở đầu bằng tiếng violin da diết, sau đó giai điệu chủ đề được dàn nhạc lặp lại. Điều này ngược hẳn với trước đó - từ thời kỳ âm nhạc Cổ Điển đến âm nhạc Lãng Mạn - khi mà hầu hết các bản concerto thường mở đầu bởi giai điệu do dàn nhạc dẫn dắt rồi mới đến lượt nhạc cụ độc tấu thể hiện. Việc đảo ngược thứ tự trình diễn các nhạc cụ là bước đi táo bạo của Mendelssohn. Có ý kiến cho rằng với cách tân này, Mendelssohn đã thay đổi hoàn toàn hình thức concerto cổ điển; đồng thời đưa tác phẩm trở thành bản concerto đầu tiên theo đúng phong cách lãng mạn.

"Viên ngọc của trái tim" - món quà từ Meldenssohn
Tại bữa tiệc sinh nhật lần thứ 75 của mình, Joseph Joachim (1831–1907), một trong những nghệ sĩ violon có ảnh hưởng nhất mọi thời đại, đã nói với các vị khách:
“Người Đức có 4 bản violon concerto.
Bản vĩ đại và không thỏa hiệp nhất là của Beethoven.
Bản của Brahms ganh đua quyết liệt với nó một cách nghiêm trang.
Bản phong phú và có sức quyến rũ nhất là do Max Bruch viết.
Nhưng bản nội tâm nhất, viên ngọc của trái tim, là bản của Mendelssohn.”
“Viên ngọc của trái tim” mà Joachim nói đến chính là bản "Violin Concerto in E minor, Op. 64" (Violon concerto giọng Mi thứ, Op. 64) của nhà soạn nhạc người Đức Felix Mendelssohn (1809–1847). Khi mới 12 tuổi, Joachim đã được trình diễn tác phẩm này trong vai trò soloist (nghệ sĩ độc tấu). Mendelssohn đã viết bản concerto này dành tặng nghệ sĩ violon tài năng Ferdinand David, một người bạn thân của ông (trên danh nghĩa cũng là thầy dạy của Joachim - người được ông bảo trợ). Quãng thời gian đó, David là concertmaster (nghệ sĩ violon chính) của dàn nhạc Leipzig Gewandhaus mà Joachim là thành viên và Mendelsshohn được giao trọng trách chỉ huy từ năm 1835.
Năm 1838, Mendelssohn đã hứa soạn một bản violon concerto dành cho Ferdinand David. Trong một bức thư gửi David đề ngày 30/7/1838, Mendelsshohn viết :
“Tôi muốn viết một bản violon concerto cho anh vào mùa đông tới. Một bản ở giọng Mi thứ đang lướt qua óc tôi và đoạn mở đầu của nó sẽ không để cho tôi yên ổn.”
Trong suốt thời gian soạn bản violon concerto này, Mendelssohn đã thư từ qua lại thường xuyên với David để nhận lời khuyên về tác phẩm. Đáp lại những thắc mắc của David năm 1839, Mendelssohn trả lời :
“Anh thật là tốt khi thúc ép tôi về bản violon concerto! Nhưng đó là một nhiệm vụ không dễ dàng.” Quả thật, phải mất 6 năm, Mendelssohn mới thực hiện xong lời hứa của mình. Một trong những nguyên nhân chậm trễ là do vị quốc vương mới lên ngôi năm 1840 của nước Phổ, Friedrich Wilhelm IV.
Đó là một người không thực tế và hơi điên rồ. Ông ta triệu tập hầu hết những nhà soạn nhạc nổi tiếng của Đức và vạch ra những kế hoạch phô trương cho Berlin - điềm báo trước cho những kế hoạch kỳ quái của Hitler sau này. Gia đình Mendensshohn đã chuyển đến thủ đô năm 1811 và giục giã ông rời Leipzig trở về nhà ở Berlin.
Khi kế hoạch của nhà vua sụp đổ thì Mendelsshohn đã lãng phí hai trong số vài năm buồn bã còn lại của cuộc đời. Đây chính là lý do chủ yếu khiến ông không thể hoàn thành được bản violon concerto cho đến tận năm 1844. Thêm một điều không may mắn cho ông nữa : Mendelssohn bị ốm nên không thể chỉ huy buổi công diễn tác phẩm lần đầu tiên vào ngày 13/3/1845 tại Leipzig. Nhà soạn nhạc người Đan Mạch Niels Gade đã chỉ huy thay ông và phần độc tấu violon do người được đề tặng - Ferdinand David đảm nhiệm.
Nét nhạc xao xuyến, rạo rực do đàn violon độc tấu ngay lúc bắt đầu chương I (Allegro molto appassionato) đã làm những người sành sỏi Saxon ngạc nhiên và vui thích. Bỏ qua đoạn trình bày kép theo thông lệ, Mendelsshohn để cho violon kéo dài một chủ đề chính trữ tình được bắt đầu ở ô nhịp thứ hai. Giai điệu nồng nàn say đắm là đặc trưng nổi bật nhất của bản concerto nhưng sức hấp dẫn cân bằng là cách Mendelssohn phát triển. Ra khỏi phần mở đầu không theo thông lệ, một cấu trúc trong đó nghệ sĩ độc tấu và dàn nhạc quấn quýt một cách linh hoạt và đa dạng, hơn là chỉ đơn giản đảm nhiệm những bè đối lập với nhau một cách hào nhoáng.
Đây là một trong những tác phẩm viết cho dàn nhạc cuối cùng và giàu cảm hứng nhất của Mendelssohn. Mendelssohn đã đạt tới đỉnh cao của những cảm xúc thanh cao, tinh tế trong tác phẩm này. Âm nhạc của nó đầy sức lôi cuốn bởi tính chất nhiệt thành, say đắm lãng mạn chủ nghĩa, nguồn cảm hứng trữ tình, vẻ đẹp duyên dáng tuyệt vời của những giai điệu uyển chuyển ngập tràn tác phẩm.
Violon concerto giọng Mi thứ đã trở thành một tác phẩm trụ cột trong vốn tiết mục thể loại violon concerto. Mỗi năm, nó lại có mặt trong vô số các chương trình hòa nhạc lớn nhỏ khắp nơi trên thế giới. Giới phê bình xếp nó ngang hàng với các concerto xuất sắc của Beethoven, Brahms và Tchaikovsky.
Còn khán thính giả thì hầu như luôn bị nó mê hoặc ngay từ lần thưởng thức đầu tiên. Vì thế mà dù trong di sản âm nhạc của Mendelssohn có đến 7 bản concerto khác nhưng cụm từ “concerto của Mendelssohn” lại thường xuyên được ưu ái dùng để chỉ tác phẩm này mà thôi.
Mendelssohn được coi là thần đồng âm nhạc xuất chúng (có lẽ chỉ đứng thứ hai sau Wolfgang Amadeus Mozart), Mendelssohn biểu diễn trước công chúng khi mới lên 9, bắt đầu sáng tác nhạc lúc 11 tuổi. Âm nhạc của Mendelssohn luôn luôn mang tính trong sáng và yêu đời, ngay cả đối với các bản nhạc viết ở cung thứ thì tinh thần lạc quan cũng không bao giờ bị mất đi cả (điều này thì trái với Chopin, nhạc của Chopin sầu muộn và u uất...)
Giống như Mozart, Mendelssohn có một tài năng thiên bẩm trong việc chọn giai điệu cho tác phẩm, cho nên hầu hết các bản nhạc ông sáng tác đều dễ nhớ bởi vì giai điệu đẹp.
Bản "Violin Concerto in E Minor, op. 64" được Mendelssohn hoàn thành vào năm 1844, tính từ lúc ông bắt đầu có ý tưởng viết cho đến lúc kết thúc là mất khoảng 8 năm.... Bản nhạc này là tác phẩm nổi tiếng nhất của Mendelssohn, và gần như tất cả các nghệ sĩ violin tài năng đều chọn để trình bày khi bắt đầu sự nghiệp của mình.