Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Bài hát “Mùa xuân đầu tiên” với nhạc sỹ Văn Cao.




MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

Sáng tác: Văn Cao
Trình bày: Thanh Thúy.
****************************

Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng cho bao tâm hồn.

Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong Xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.

Giờ dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa Xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Cố nhạc sĩ Văn Cao: "Mùa xuân đầu tiên", tuyệt tác cuối cùng Có người đã mượn cách chơi chữ để gọi ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" là "tuyệt phẩm cuối cùng của thiên tài âm nhạc Văn Cao". Quả đúng thế thật. Ca khúc có số phận kỳ lạ. Nó ra đời sau khi Văn Cao ngừng sáng tác ca khúc tới hai chục năm... Như một tiểu thư đài các, thoạt đầu ca khúc còn dè dặt giữ một khoảng cách với khán giả. Nhưng rồi, cùng với thời gian, như rượu ủ lâu càng ngấm, "Mùa xuân đầu tiên" ngày càng đi vào đời sống. Có lẽ không hề quá lời khi ta khẳng định rằng, đây là bài hát luôn thức dậy trong hồn ta mỗi độ Tết đến xuân về, kèm theo đó là những bâng khuâng, day dứt về một thái độ sống sao cho xứng với những gì mà cả dân tộc đã phải mất bao nước mắt, máu xương mới giành lại được... Họa sĩ, nhà thơ Văn Thao - con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao đã kể lại quá trình phụ thân mình sáng tác nên ca khúc "Mùa xuân đầu tiên": Vào một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976), từ trung tâm chỉnh hình trên Ba Vì trở về nhà (108 Yết Kiêu, Hà Nội), vừa leo lên thang gác, Văn Thao chợt nghe vọng ra tiếng đàn dương cầm. Đó là một điệu valse với giai điệu mượt mà sâu lắng mà ông chưa bao giờ được nghe. Ông bước vào nhà. Một cảnh hết sức ấn tượng hiện ra trước mắt ông: "Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào âm vang đầy ắp căn phòng".
Nhưng chỉ tới khi Văn Cao tạ thế (năm 1995), mới thực sự đi vào đời sống và ngày càng lan tỏa, chiếm lĩnh tâm hồn khán thính giả, ấy là bởi ở thời điểm đất nước gặp nhiều bộn bề, khó khăn cả về đời sống vật chất và tinh thần, hình như tâm hồn con người cũng chưa đủ độ "lắng" để đón nhận một bài hát sâu sắc, trong trẻo và thánh thiện đến vậy. Như trên đã nói, ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" được in lần đầu trên Báo Sài Gòn giải phóng. Cụ thể chuyện này thế nào, trên số Báo Sài Gòn giải phóng ra ngày 2/2/2008, nhạc sĩ Trương Quang Lục cho biết: "Ngày 5/5/1975, nhật báo Sài Gòn giải phóng phát hành số đầu tiên. Vài ba tháng sau đó, Ban Biên tập của báo đã nghĩ đến việc chuẩn bị nội dung cho số báo xuân đầu tiên sau ngày giải phóng, với ý định làm sao để tờ báo xuân này thật hay, thật đẹp, thật hấp dẫn. Do đó, riêng về phần âm nhạc, Ban Biên tập quyết định mời nhạc sĩ Văn Cao, đang ở Hà Nội, viết một ca khúc mới cho số báo Xuân Sài Gòn giải phóng 1976... Khi nghe ý kiến "đặt hàng" này, nhạc sĩ Văn Cao vui vẻ nhận lời và hứa sẽ sáng tác ngay. Mấy ngày sau đó, ông hoàn thành ca khúc "Mùa xuân đầu tiên". Theo nhận định của nhạc sĩ Trương Quang Lục thì "Mùa xuân đầu tiên" chính là "ca khúc đầu tiên được in trên một tờ báo xuân cách mạng tại Sài Gòn sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất".
(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét