Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

VACHERON CONSTANTIN - Anh cả trong nghề đồng hồ

VACHERON CONSTANTIN
 Với tuổi đời 250 năm, Vacheron Constantin khẳng định vị trí hãng đồng hồ lâu đời nhất chưa hề ngừng hoạt động kể từ khi thành lập. Đây là một sự kiện làm sôi động giới sưu tập đang muốn sở hữu những sản phẩm độc đáo được bán đấu giá trong tháng 4 này.

Là anh cả của giới sản xuất đồng hồ cao cấp ở Thụy Sĩ, Vacheron Constantin chào mừng sự kiện sinh nhật lần thứ 250 của mình trong năm 2005 này bằng cách hé mở cho công chúng thấy toàn bộ di sản lịch sử của hãng kể từ khi được chàng thanh niên Jean-Marc Vacheron thành lập vào năm 1755, năm sinh của hoàng hậu Marie-Antoinette. Nhà doanh nghiệp trẻ này đã thực hiện bước đi đầu tiên đến vinh quang khi vay được 1.000 bảng Anh để tài trợ cho chuyến phiêu lưu mà ngày nay ai cũng thấy được chặng đường thành công của nó. Những chiếc đồng hồ mà Vacheron làm ra vào thời đó có cấu tạo rất đặc biệt và tên tuổi của nó nhanh chóng vượt qua biên giới để rồi vào năm 1819, một nhà kinh doanh có óc nhạy bén tên là Francois Constantin đã hợp tác với các hậu duệ của Vacheron. Bằng một nghị lực tuyệt vời, Constantin đã khai phá nhiều thị trường ở khắp châu Âu và mở đường cho huyền thoại Vacheron Constantin. Năm 1839, Georges-Auguste Leschot - lúc đó là giám đốc kỹ thuật của hãng - thiết kế những cỗ máy đầu tiên cho phép sản xuất hàng loạt các bộ phận cấu tạo nên đồng hồ. Nhờ cuộc cách mạng trong sản xuất này mà kinh doanh đồng hồ phát triển vượt bậc.
(Jean-Marc Vacheron)  
(Francois Constantin)

Tính kỹ thuật và thẩm mỹ

Kỹ nghệ sản xuất đồng hồ Vacheron Constantin tuân thủ hai nguyên tắc vàng: tính kỹ thuật với các chuyển động cơ khí từ đơn giản đến phức tạp nhất, và tính thẩm mỹ với công đoạn hoàn tất sản phẩm không chê vào đâu đến từng chi tiết nhỏ. Ngày nay, Vacheron Constantin do Claude-Daniel Proellochs điều hành. Hãng có hơn 350 cộng tác viên trên khắp thế giới, trong đó chỉ riêng ở Thụy Sĩ là 252 cộng tác viên. Việc kỷ niệm 250 năm thành lập đã chắp thêm cánh cho nhãn hiệu nổi tiếng này. Điều đầu tiên là khánh thành toà nhà Vacheron Constantin nằm tại địa điểm lịch sử của nhãn hiệu ở Genève. Là nhân chứng của một cuộc phiêu lưu kỳ thú kết nối thế kỷ 18 với thế kỷ 20, toà nhà Vacheron Constantin tập hợp không chỉ một cửa hàng độc quyền nằm ở tầng trệt mà cả một bảo tàng ở tầng một chứa rất nhiều tư liệu, dụng cụ và những chiếc đồng hồ được sản xuất từ năm 1755 đến tận ngày nay, và cả một phân xưởng chỉ dành cho việc phục chế những chiếc đồng hồ cổ xưa và làm ra những model độc nhất vô nhị hoặc dành riêng cho những nhân vật nổi tiếng. Đây chẳng qua là cách tôn vinh tay nghề tiêu biểu cho những giá trị vĩnh cửu của Vacheron Constantin, đồng thời không quên tính hiếu khách truyền thống của người Thụy Sĩ: bố trí một thư viện để khách tham quan có thể thu thập thông tin về lịch sử của hãng.

Một khái niệm sống

Thật ra, bảo tàng của Vacheron Constantin vốn đã có từ lâu. Nhưng nhân dịp chuyển trụ sở quốc tế của hãng và toàn bộ dây chuyền sản xuất đến Plan-les-Ouates (thuộc ngoại ô Genève), hãng đã quyết định sử dụng không gian sẵn có phục vụ cho một khái niệm sống, hoàn toàn tương phản với hình ảnh một bảo tàng đầy bụi bặm và buồn tẻ. Bảo tàng mới của Vacheron Constantin sẽ “sống” và phát triển cùng với các triển lãm chuyên đề luôn thay đổi. Nhờ đó, khách tham quan viếng thăm bảo tàng nhiều lần trong cùng một năm sẽ không nhìn thấy cùng những món đồ trưng bày. Du khách mê đồng hồ có thể phát hiện đến hơn 650 chiếc đồng hồ thể hiện nhiều thời kỳ khác nhau của nhãn hiệu. Và con số này không dừng tại đây, bởi hãng luôn tìm kiếm những đồng hồ độc đáo nhất để mang về trưng bày. Tại trụ sở ở Plan-les-Ouates còn có Valée de Joux, địa điểm được xem là chiếc nôi của ngành sản xuất đồng hồ cao cấp Thụy Sĩ và dành hẳn cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, gia công các bộ phận và trang trí. Tổng cộng, nơi đây sản xuất mỗi năm trung bình 15.000 chiếc đồng hồ.

Cũng trong năm kỷ niệm 250 tuổi này, Vacheron Constantin còn trình làng một bộ sưu tập, mà mỗi chiếc được sản xuất với số lượng hạn chế, và tổ chức bán đấu giá theo chủ đề vào đầu tháng 4 này tại Genève. Nhờ đó mà những ai từng tiếc nuối cho thái độ kín tiếng quá đáng của Vacheron Constantin trong suốt nhiều năm trời sẽ không có lý do để than phiền.

Trong lĩnh vực bán đấu giá hàng hiếm, Vacheron Constantin là một trong những ngôi sao. Hiện tượng này được giới chuyên ngành ghi nhận từ mới hơn một năm nay. Theo một nhà sưu tập, trong những năm 1990, đồng hồ của Vacheron Constantin chỉ được định giá có 1/3 giá trị mà nó đáng được hưởng. Hiện nay, tuy đồng hồ của Vacheron Constantin được bán vẫn còn chưa ngang với giá trị của nó, nhưng như thế cũng đã là một bước tiến vượt bậc. Chẳng hạn một chiếc đồng hồ loại bấm giờ của những năm 90 bán với giá 90.000 euro đã được xem là thuộc loại hàng top của Vacheron Constantin, trong khi cái giá này là rất phổ biến ở nhãn hiệu Patek Philippe. Khuynh hướng này sẽ phải chờ đợi thêm một thời gian, nhưng chắc chắn là nó sẽ diễn ra với cường độ mạnh hơn. Cho đến nay, Vacheron Constantin chưa thông tin gì nhiều về di sản lịch sử và kỹ thuật của mình. Nhưng với sự kiện kỷ niệm 250 năm ra đời, mọi thứ sẽ phải thay đổi. Những chiếc đồng hồ có tiềm năng đầu cơ cao nhất là những model phức tạp. Chẳng hạn như chiếc đồng hồ để bàn bí ẩn tự xoay tròn, sản xuất năm 1989 được định giá 350.000 euro, hoặc một chiếc đồng hồ bỏ túi bằng hợp kim vàng, bạc, đồng, sản xuất năm 1948 có giá 250.000 euro. 
 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét