Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Bản concerto op.64 dành cho Violin của Felix Mendelssohn



Bản Concerto cho Violin và dàn nhạc giọng Mi thứ Op.64 được viết vào năm 1844 tặng cho Ferdinand David - concertmaster của dàn nhạc Leipzig Gewandhaus và cùng với các Violin Concerto của Beethoven, Brahms, Bruch, Tchaikovsky, đây được coi là một viên ngọc sáng nhất trong kho tàng các tác phẩm dành cho violin. Những giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết đầy sức lôi cuốn đặc trưng cho phong cách của Mendelssohn tạo cho bản nhạc một sức hút vô cùng mãnh liệt.

 1- Về bản nhạc Violin Concerto giọng Mi thứ, Op. 64


Lịch sử hình thành

Có rất nhiều nhạc sĩ trưởng thành trong thời kỳ âm nhạc lãng mạn - thời điểm mà “cái đầu chi phối trái tim” là phong cách sáng tác chủ đạo của các nhạc sĩ. Phong cách này cho phép cảm xúc bay bổng của người nhạc sĩ vượt lên trên các quy tắc soạn nhạc chuẩn mực. Cũng trong thời kỳ này, kỹ thuật biểu diễn đã được đưa lên một cấp độ mới bởi Franz Liszt (piano) và Niccolo Paganini (violin). Kể từ đó, một loạt tác phẩm có những kỹ thuật đáng kinh ngạc đã liên tục được ra đời, có thể kể đến 3 bản piano concerto của Tchaikovsky, các piano concerto của Rachmaninov. Về violin, chúng ta có các bản: concerto số 1 của Bruch, và tất nhiên, không thể không kể đến bản concerto giọng Mi thứ của Felix Mendelssohn.

Felix Mendelssohn (1809 - 1847) là một thần đồng, tài năng của ông thậm chí còn bộc phát sớm hơn cả Mozart. Năm 14 tuổi, ông đã hoàn thành được 12 bản giao hưởng dành cho dàn nhạc dây. Năm 17 tuổi, ông đã hoàn thành bản Overture của vở “Giấc mộng đêm hè”, đây chính là một bước trưởng thành lớn trong phong cách sáng tác của ông. Không chỉ có tài năng âm nhạc, Mendelssohn còn chơi rất giỏi cả violin lẫn piano. Thêm vào đó, ông còn là một nhà thơ, họa sĩ có tài, nói được nhiều ngôn ngữ, thông thạo triết học; và đặc biệt, ông bơi rất cừ!

Phong cách sáng tác của Mendelssohn rất đặc trưng, với tính chất tươi sáng, tinh nghịch không thể nhầm lẫn được. Các tác phẩm của ông bao trùm mọi cảm xúc, từ vui vẻ lạc quan cho tới buồn rầu u uất, nhưng luôn ở một mức độ vừa phải, có giới hạn. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các tập tác phẩm Bài ca không lời dành cho piano độc tấu, trong đó Mendelssohn đã thể hiện rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, một cách tinh tế. Nhiều nhà phê bình cho rằng Mendelssohn được sinh ra để là một thiên tài, nên chắc chắn sẽ thành công. Điều này có thể đúng, nhưng với bản concerto viết cho violin và dàn nhạc giọng Mi thứ, Op. 64 có thể cho thấy một cách nhìn khác.

Bản concerto viết cho violin và dàn nhạc, giọng Mi thứ, Op.64 là một trong những tác phẩm lớn cùa Felix Mendelssohn. Nó đóng một vị trí cực kỳ quan trọng trong danh mục các tác phẩm dành cho đàn violin, và là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất và được trình diễn nhiều nhất mọi thời đại.

Vào năm 1836, Mendelssohn được chỉ định làm nhạc trưởng của dàn nhạc Leipzig Gewandhaus, và ông đã chọn Ferdinand David - người bạn thân, đồng thời cũng là một nghệ sĩ vĩ cầm đầy tài năng làm bè trưởng của dàn nhạc. Trong một bức thư gửi cho David đề ngày 30 tháng 7 năm 1838 , ông viết: "Tôi đang rất muốn viết một tác phẩm concerto trong mùa đông này. Khúc dạo đầu của bản nhạc giọng Mi thứ này cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi, làm cho tôi không lúc nào được yên". David một mặt rất vui vớiđiều này, nhưng đồng thời cũng có ý muốn tác phẩm phải thật lộng lẫy, đầy kỹ xảo, nhằm phô diễn hết tài năng của mình. Tuy nhiên, tác phẩm phải mất đến hơn 6 năm để hoàn thành. Có khá nhiều lý do cho sự chậm trễ này, một trong số đó là bản giao hưởng số 3, vốn được sáng tác xen giữa thời gian này, sau đó là khoảng thời gian không mấy vui vẻ tại Berlin khi Mendelssohn phải phục vụ cho hoàng đế nước Phổ - Frederick William đệ Tứ. Nhưng có một nguyên nhân đặc biệt, đó là sự e dè, hoài nghi bản thân của chính tác giả. Vì kiểu tác phẩm đòi hỏi sự rực rỡ, phô diễn, nhiều biến hóa này khá xa lạ với phong cách của Mendelssohn - vốn thiên về truyền thống.

Trong thời gian đó, Mendelssohn vẫn giữ liên lạc với David qua thư từ, trao đổi về nội dung cũng như các chi tiết, kỹ xảo, kỹ thuật cần có của bản concerto này. Có thể nói, đây là bản concerto đầu tiên cho phép người nghệ sĩ biểu diễn tham gia vào quá trình thai nghén, hình thành tác phẩm, tạo một tiền đề tốt cho các bản concerto của các tác giả khác được sáng tác sau này. Nhờ đó, tác phẩm không chỉ vượt qua khỏi cái bóng khổng lồ của Beethoven, mà còn kết hợp được cả tính trữ tình thơ ca của Schubert cùng sự cách tân trong kỹ thuật biểu diễn. Trong đó đáng chú ý nhất là tính liên tục gần như không có đoạn nghỉ giữa 3 chương nhạc, không chỉ vậy, các chương còn tự gắn kết với nhau; sau đó là vai trò chủ động của violin ngay phần đầu tác phẩm, cùng sự biến hóa liên tục của các chủ đề. Có ý kiến cho rằng với sự cách tân này, Mendelssohn đã thay đổi hoàn toàn hình thức concerto cổ điển; đồng thời đưa tác phẩm này trở thành bản concerto đầu tiên theo đúng phong cách lãng mạn.

Tác phẩm đượcđề thời điểm hoàn thành vào ngày 16 tháng 9 năm 1844, chỉ vỏn vẹn 3 năm trước ngày ông mất. Tuy vậy, sau đó Mendelssohn vẫn thường xuyên trao đổi với David và chỉnh sửa tổng phổ rất nhiều lần, thậm chí ngay cả sau lần công diễn đầu tiên tại Leipzig vào ngày 13 tháng 3 năm 1845. Trong một bức thư vào tháng 6, ông nói viết cho David: "Anh đừng cười nhạo tôi, tôi thấy xấu hổ lắm, nhưng bây giờ chả biết làm thế nào cả. Tôi vẫn đang cố xoay xở với bản nhạc này đây".

Trong buổi công diễn đầu tiên, vì bị ốm nên Mendelssohn không thế chỉ huy dàn nhạc, vai trò nhạc trưởng được trao cho nhà soạn nhạc người Đan Mạch Niels Gade. Trái ngược với sự lo lắng trước đó của Mendelssohn, tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt ngay trong lần công diễn đầu tiên, và được biểu diễn lần thứ hai vào mùa thu năm đó. Khoảng 1 tháng sau buổi biểu diễn lần thứ hai này, theo kế hoạch thì Clara Schumann sẽ biểu diễn bản concerto viết cho piano và dàn nhạc của chồng mình - Robert Schumann tại Dresden. Nhưng thật đáng tiếc, vị bị ốm nên bà đã không thể biểu diễn. Nhạc trưởng của buổi hòa nhạc, Ferdinand Hiller đã thay thế bằng bản concerto cho violin của Mendelssohn. Solist chính là Joseph Joachim – một học trò của David, khi đó mới 15 tuổi. Những tràng pháo tay không ngớt dành cho màn trình diễn tuyệt vờicủa người nghệ sĩ trẻ chính là một trong những nấc thang đầu tiên đưa ông trở thành một tượng đài vĩ cầm lớn của thế kỷ 19.

Sau Joachim, cũng có rất nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã trình diễn tác phẩm này. Tuy nhiên, không thể cho rằng đây là một tác phẩm dễ trình diễn. Một mặt, tác phẩm tạo ra khá nhiều cơ hội phô diễn các kỹ thuật phức tạp; tuy nhiên, tính thơ ca của tác phẩm sẽ cho thấy khả năng cảm thụ âm nhạc, cũng như khả năng biểu đạt của người nghệ sĩ.

Cấu trúc tác phẩm

Chương 1: Allegro molto appassionato
Bản concerto được bắt đầu ngay bằng tiếng violin da diết, sau đó chủ đề đầu tiên này được dàn nhạc lặp lại. Đây là sự đổi mới táo bạo của Mendelssohn, trong đó ông đảo ngược thứ tự xuất hiện của nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc. Trước đó, trong suốt khoảng thời gian từ thời kỳ âm nhạc Cổ Điển đến âm nhạc Lãng Mạn, hầu hết các bản concerto thường được mở đầu bởi một chủ đề do dàn nhạc diễn tấu, sau đó nhạc cụ độc tấu có thể lặp lại chủ đề đó, hoặc có thể giới thiệu một chủ đề mới.

Chỉ vài giây sau đó, trong sự mạnh mẽ của bè dây, chủ đề chính được violin giới thiệu; điều này gây cho thính giả cảm giác như bản concerto được bắt đầu từ lâu rồi. Các giai điệu tuyệt đẹp sau đó lần lượt tiếp nối cho đến cuối chương 1. Một điều đặc biệt là Mendelssohn đã tự mình viết đoạn cadenza (khúc trổ ngón), và đặt nó ở đoạn cuối của phần phát triển chủ đề. Với vị trí này, nó không dẫn tới một kết thúc cho chương nhạc, mà đóng vai trò như một khúc chuyển chủ đề khéo léo, khiến dư âm của chương 1 còn kéo dài qua chương 2.

Chương 2: Andante
Ngay trong khi bè dây đang dứt những nốt cuối cùng của chương 1, tiếng oboe đã vang lên sâu thẳm, da diết, mở đầu cho chương 2.

Sau đoạn dạo của dàn nhạc, violin bắt đầu những chủ đề đầu tiên. Tiếng violin nức nở, da diết dẫn dắt thính giả qua những cảm xúc khác nhau, chủ đề nối tiếp chủ đề cho đến hết chương 2.

Kết thúc, violin quay về chủ đề đầu tiên, âm thanh nhỏ dần, rồi nhịp độ thay đổi đột ngột, báo hiệu chương 2 kết thúc, chuyển sang chương 3.

Chương 3: Allegretto non troppo – Allegro molto vivace
Tiếng violin cất lên cao vút, được dàn nhạc phụ họa, rồi đột nhiên âm thanh cất lên hồ hởi, mạnh mẽ. Sau đó violin lần lượt phô diễn các giai điệu của mình, từng đoạn nảy đầy kỹ thuật của ác-sê, kỹ thuật chạy nốt điêu luyện của violin, tiếng timpani dồn dập, bè dây đầy hứng khởi …thay nhau vượt lên trước. Rồi violin phô diễn nốt những nốt nháy ma thuật, bè dàn nhạc to dần, đuổi bắt lẫn nhau mãnh liệt rồi đột nhiên cùng đồng thanh, âm thanh như vỡ òa trong niềm vui, đưa bản concerto về một kết thúc huy hoàng.

Tầm ảnh hưởng của tác phẩm

Bản concerto của Mendelssohn có ảnh hưởng sâu đậm và truyền cảm hứng cho các thế hệ nhạc sĩ sau đó. Có thể nói, các kỹ thuật, giai điệu, phong cách của tác phẩm này đã trở thành mẫu mực, thường xuyên được các nhạc sĩ khác tiếp thu và phát triển trong các tác phẩm của họ. Một số ví dụ là: cách đặt đoạn cadenza khác thường trong concerto cho violin của Tchaikovsky (ngay trước hồi kết chương 1) hay đoạn cadenza trong concerto của Sibelius cũng được dùng để kéo dài thêm phần phát triển chủ đề như trong bản concerto của Mendelssohn.

Nối tiếp Mendelssohn, các nhạc sĩ bắt đầu tự sáng tác các đoạn cadenza, các solist không cần phải ứng tấu như các tác phẩm thời kỳ của Mozart hay Beethoven nữa. Thêm vào đó, sự nối tiếp chặt chẽ của 3 chương nhạc cũng cho các nhạc sĩ một cách biểu đạt mới, điển hình là bản concerto số 2 cho piano của Franz Liszt.

Năm 1906, trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 75 của mình, Joseph Joachim đã nói: “…Người Đức có 4 bản concerto cho violin. Bản concerto oai hùng, mãnh liệt nhất là của Beethoven. Mẫu mực nhất là tác phẩm của Brahms. Quyến rũ, du dương nhất là Bruch. Nhưng sâu sắc nhất, từ sâu thẳm trong tâm hồn, là viên ngọc sáng tỏa ra từ trái tim - là bản concerto của Mendelssohn. ..”

Với những giai điệu tuyệt vời, quả thật không quá ngạc nhiên khi tìm thấy rất nhiều bản thu của tác phẩm này trên thị trường. Gần như nó là một tác phẩm bắt buộc phải biểu diễn của mọi nghệ sĩ. Trong số các bản thu này, bản thu của Isaac Stern cùng với dàn nhạc Boston Symphony Orchestra được rất nhiều người yêu thích, vì không chỉ có kỹ thuật biểu diễn điêu luyện, ông còn cho thính giả được thực sự đắm mình trong sự quyến rũ của những giai điệu âm nhạc. Bên cạnh đó, các bản thu của Leonid Kogan, Anne Sophie Mutter, Arthur Grumiaux, Chio Lang Lin cũng rất đáng quan tâm. Mỗi bản thu đều có nét quyến rũ riêng, người thì chơi với phong cách nồng nàn, quyến rũ; người thì chơi với tốc độ cao, đầy nhiệt huyết. Nhưng dù đến với bản thu nào, chắc chắn ai cũng sẽ yêu thích những giai điệu tuyệt vời của bản concerto này!

2- Về nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn (1809-1847)

Felix Mendelssohn (tên đầy đủ Jacob Ludwig Felix Mendelssohn) là một thần đồng âm nhạc, một nghệ sĩ piano xuất sắc, một nhạc sĩ vĩ đại, một nhạc trưởng tài ba, một nhà phê bình bậc thầy.

Sinh ngày 3 tháng 2 năm 1809 tại Hamburg, Đức, là cháu nội của nhà triết học nổi tiếng thế kỷ XVIII Moses Mendelssohn, Felix được sống trong một gia đình khá giả và có nền giáo dục rất tốt (bố cậu, ông Abraham là chủ ngân hàng miền Bắc nước Đức). Felix còn có hai chị gái (Fanny, Rebekah) và một em trai (Paul) đều có năng khiếu về âm nhạc trong đó đặc biệt chị cả Fanny là người bạn rất thân thiết và có ảnh hưởng rất lớn đến Felix sau này.

Do rất sung túc về kinh tế nên gia đình Mendelssohn thường xuyên tổ chức các hoạt động âm nhạc tại nhà riêng. Điều này đã giúp cho tài năng thiên bẩm của Felix được bộc lộ từ rất sớm. Cũng giống như Mozart, Mendelssohn nổi tiếng là một thần đồng từ khi còn rất nhỏ. Được mẹ, bà Leah Solomon dạy cho những bài tập piano đầu tiên khi 6 tuổi, đến 7 tuổi đi học ở Berlin với thầy giáo Ludwig Berger dạy piano và Karl Zelter dạy sáng tác - cả hai đều là người rất nổi tiếng thời bấy giờ. 9 tuổi cậu bé đã có buổi biểu diễn piano trước công chúng, 11 tuổi đã có những tác phẩm đầu tay. Được sự hậu thuẫn lớn từ gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần (điều rất hiếm đối với nhiều nhạc sĩ khác) Mendelssohn hoàn toàn chuyên tâm vào việc biểu diễn piano và sáng tác. Ngoài ra cậu còn bộc lộ năng khiếu hội hoạ của mình qua các bức tranh màu nước.

Trong thời kì đi du lịch Paris với chị gái Fanny, Felix đã nghiên cứu các tác phẩm của Mozart và Bach, trong đó âm nhạc của Bach đã đặc biệt lôi cuốn cậu. Khi Mendelssohn 12 tuổi, cậu bé được Zelter dẫn đến gặp nhà thơ vĩ đại Johann Wolfgang von Goethe. Goethe tỏ ra rất mến Mendelssohn và cậu bé ở nhà ông trong hơn 2 tuần lễ. Sau một lần nghe Mendelssohn biểu diễn, Goethe, khi đó đã 72 tuổi nói: “Khi tôi buồn, tôi nghe Mendelssohn đàn và tìm thấy niềm vui” và cậu bé trở thành người bạn nhỏ của ông. Cuộc tiếp xúc này rất quan trọng đối với sự nghiệp của Mendelssohn. Sau này, hai người còn thường xuyên gặp gỡ nhau và Mendelssohn đã sáng tác bản Piano quartet giọng Si thứ để tặng Goethe.

Gia đình thường xuyên thuê các nhóm nhạc về nhà để trình diễn các tác phẩm của Mendelssohn, chính điều này đã tạo diều kiện để cậu có những đánh giá chính xác hơn về các tác phẩm của mình.

Cùng lứa tuổi với các nhạc sĩ khác như Schumann, Chopin và Liszt nhưng tài năng của Mendelssohn được thừa nhận đầu tiên ở châu Âu. Từ năm 11 đến 15 tuổi Mendelssohn sáng tác 13 bản giao hưởng cho dàn dây và bản giao hưởng số 1 giọng Đô thứ, Op. 11. 16 tuổi, chàng trai trẻ hoàn thành một tác phẩm thính phòng xuất sắc: bản octet (bát tấu) cho dàn dây giọng Mi giáng trưởng, Op. 20 (cho 4 violin, 2 viola, 2 cello) và đã bắt đầu gây được sự chú ý. Lục lọi trong thư viện của Goethe, tình cờ Mendelssohn bắt gặp vở kịch Giấc mộng đêm hè của Shakespeare và thế là năm 1826, khi mới 17 tuổi, tác phẩm lớn đầu tiên của Mendelssohn: bản Overture “A Midsummer Night's Dream” Op. 21 (Giấc mộng đêm hè) ra đời và đạt được những thành công vang dội. Từ Vienna đến Paris, tên tuổi Mendelssohn luôn được nhắc đến với một sự kính nể. Tại Berlin năm 1827, lần đầu tiên tiếp xúc với bản nhạc này Chopin đã nhận xét: “Overture A Midsummer Night's Dream có thể khiến bất kỳ nhạc sĩ nào cũng phải kinh hoàng. Tuy kế thừa truyền thống cổ điển nhưng Mendelssohn lại có một tâm hồn lãng mạn. Đây không phải là thế giới vô hình do trí tưởng tượng xây dựng nên, cái thế giới khơi lên những ước mơ này là một thế giới có thật”. Một lời nhận xét vô cùng có giá trị nếu như ta biết rằng Chopin không hứng thú gì lắm với việc sáng tác cho dàn nhạc.

Theo học lịch sử và triết học (với Georg Friedrich Hegel) tại đại học Berlin từ năm 1826 đến năm 1829, Mendelssohn càng có điều kiện tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích cho công việc sáng tác của mình.

Kể từ đó con đường hoạt động nghệ thuật của Mendelssohn luôn được trải đầy hoa hồng. Năm 1829, ông đến Anh - nơi có nhiều điểm tương đồng về văn hoá với nước Đức thời kỳ đó. Mendelssohn được giới âm nhạc Anh đón chào nồng nhiệt và ông tỏ ra rất hạnh phúc. Trong thời gian này ông có đến thăm Scotland và Hebrides, chính nơi đây đã tạo cho Mendelssohn nguồn cảm hứng viết nên tác phẩm nổi tiếng overture “The Hebrides” Op. 26 (còn có tên khác là “Động Fingal”) - một trong những bản nhạc thành công nhất trong nền âm nhạc lãng mạn Đức thế kỷ 19 và những ý tưởng ban đầu về bản giao hưởng số 3 Scottish giọng La thứ, Op. 56 cũng bắt đầu được hình thành. Trong lần gặp gỡ Goethe lần cuối cùng tại Weimar vào tháng 5 năm 1830, một bài thơ của Goethe đã truyền cảm hứng cho Mendelssohn sáng tác nên bản cantata thế tục First Walpurgis-Night. Tháng 10 năm 1830, nhà soạn nhạc trẻ băng qua dãy núi Alps tiến vào nước Ý. Trong nhật ký Mendelssohn có viết: “Bây giờ tôi đang ở Ý và chắc chắn rằng đây sẽ là chuyến đi tuyệt vời nhất của tôi”. Mendelssohn đã không lầm. Sự đồ sộ của nền văn hoá Rome đã thực sự quyến rũ ông. Những công trình kiến trúc vĩ đại, những bức tranh vô cùng nổi tiếng từ thời Phục hưng và cả cuộc sống bình dị của người dân nơi đây đã khiến Mendelssohn như bị thôi miên. Tuy thời gian ở Ý chỉ khoảng 10 tháng nhưng đây là một trong những giai đoạn thăng hoa nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Năm bản cantata, Concerto số 1 cho Piano và dàn nhạc giọng Son thứ, Op. 25 ra đời trong thời gian này và chính nước Ý tươi đẹp là nguồn cảm hứng để Mendelssohn sáng tác bản giao hưởng số 4 Italian giọng La trưởng, Op. 90 - một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của ông.

Là người có trái tim nhân hậu và tâm hồn gần gũi với thiên nhiên, âm nhạc của Mendelssohn đầy chất thơ, trữ tình, duyên dáng và tha thiết. Tám tập Bài ca không lời viết cho piano (mỗi bản gồm 6 tiểu phẩm được viết trong khoảng thời gian 1829 - 1845) là những ví dụ diển hình nhất. Các cung bậc của cảm xúc được biểu đạt một cách hoàn hảo, giai điệu giản dị nhưng vô cùng sâu lắng. Mendelssohn chính là đại diện tiêu biểu nhất cho trường phái Lãng mạn.

Rời nước Ý, Mendelssohn qua Thuỵ Sĩ, Pháp rồi đến Anh một lần nữa. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1832, tại London, ông cùng người bạn mình là nghệ sĩ piano Ignaz Moscheles thực hiện rất nhiều chương trình hoà nhạc. Đặc biệt đích thân Mendelssohn biểu diễn các tác phẩm dành cho đàn organ của mình tại thánh đường St. Paul.

Trở về Berlin, Mendelssohn cưới Cecile Jeanrenaud - con gái một mục sư theo đạo Tin Lành. Đây là một cuộc hôn nhân hạnh phúc và họ có với nhau 5 người con.

Năm 1835, vô cùng đau xót trước sự qua đời của người cha thân yêu, chỉ trong vòng vài tháng Mendelssohn đã sáng tác xong bản oratorio St. Paul, Op.36 nhằm bày tỏ sự nhớ thương vô hạn. Mười năm sau, bản oratotio thứ hai Elijah, Op.70 ra đời. Cả hai tác phẩm này đều có nguồn gốc tôn giáo và chịu ảnh hưởng từ âm nhạc của Bach.

Năm 1840, Mendelssohn hoàn thành bản giao hưởng số 2 Lobgesang “Hymn of Praise” giọng Si giáng trưởng, Op. 52. Tác phẩm này chịu ảnh hưởng từ bản giao hưởng số 9 của Beethoven và cũng là bản giao hưởng có sử dụng các ca sĩ đơn ca và dàn hợp xướng. Mendelssohn đã goi bản giao hưởng này của mình với cái tên “Symphony - Catata”.

Mendelssohn có một tình cảm rất gắn bó với nước Anh. Trong suốt cuộc đời mình ông sang Anh tất cả 9 lần. Năm 1842, Mendelssohn được Nữ hoàng Victoria mời đến biểu diễn ở điện Buckingham và đích thân Nữ hoàng đã hát một số bài hát của ông.

Không chỉ là một nhà soạn nhạc vĩ đại, Mendelssohn còn được biết đến với tư cách một nhạc trưởng tài ba. Ông có công rất lớn trong việc dàn dựng lại các tác phẩm nổi tiếng tưởng như đã chìm vào quên lãng của các nhạc sĩ thời kỳ trước. Điển hình là năm 1829, tuy chỉ mới 20 tuổi nhưng Mendelssohn đã được Berlin Choral Academy tin tưởng giao cho việc làm sống lại kiệt tác vĩ đại của Johann Sebastian Bach “St.Matthew Passion” sau 79 năm kể từ ngày Bach qua đời. Năm 1833, ông chỉ huy dàn nhạc Dusseldorf công diễn tác phẩm “Messiah” của George Frideric Handel. Và vào năm 1839, hơn mười năm sau khi Franz Schubert qua đời Mendelssohn đã chỉ huy bản giao hưởng số 9 “The Great” của Schubert để tưởng nhớ người nhạc sĩ vĩ đại.

Mendelssohn còn là một nhà phê bình âm nhạc bậc thầy. Chính ông là người cổ suý nhiệt thành nhất cho nền âm nhạc lãng mạn đương thời với những cái tên như Chopin, Liszt và Schumann - người bạn thân nhất của ông. Mendelssohn cũng chính là người chỉ huy đầu tiên các tác phẩm của Schumann như bản giao hưởng số 1 năm 1841 và sau đó là concerto cho piano và dàn nhạc cùng với Clara - vợ của Schumann.

Cái họ Bartholdy (họ của đạo Cơ đốc) được cha của Mendelssohn thêm vào nhằm che giấu nguồn gốc của dòng họ. Tuy nhiên đến khi trưởng thành, Mendelssohn luôn tỏ ra tự hào về gốc gác Do Thái của mình và ông đã bỏ đi cái tên Bartholdy và giữ lại đúng họ của mình là Mendelssohn.

Năm 1835 được giao trọng trách chỉ huy dàn nhạc Leipzig Gewandhaus, năm 1841 được vua Frederick William IV mời làm giám đốc âm nhạc và năm 1842 là người sáng lập ra Nhạc viện Leipzig, Mendelssohn được cả nước Đức kính trọng.

Vào năm 1843, 17 năm sau kể từ ngày sáng tác overture, thực hiện nốt ước mơ dang dở thời trai trẻ, Mendelssohn hoàn thành phần âm nhạc cho vở kịch A Midsummer Night's Dream Op.61 của Shakespeare với trích đoạn tuyệt vời nhất: Wedding March (hành khúc đám cưới) mà ngày nay luôn được vang lên ở bất kỳ đám cưới nào trên khắp thế giới như là một nghi lễ bắt buộc.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Mendelssohn: bản Concerto cho Violin và dàn nhạc giọng Mi thứ Op.64 được viết vào năm 1844 tặng cho Ferdinand David - concertmaster của dàn nhạc Leipzig Gewandhaus và cùng với các Violin Concerto của Beethoven, Brahms, Bruch, Tchaikovsky, đây được coi là một viên ngọc sáng nhất trong kho tàng các tác phẩm dành cho violin. Những giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết đầy sức lôi cuốn đặc trưng cho phong cách của Mendelssohn tạo cho bản nhạc một sức hút vô cùng mãnh liệt.

Là người yêu thích không khí gia đình, Mendelssohn luôn tỏ ra yêu thương và gần gũi với những người thân. Sau cái chết của người cha (1835), bảy năm sau mẹ ông qua đời (1842), sức khoẻ của Mendelssohn ngày càng yếu dần và ông sống khép mình hơn. Và khi Fanny - nguời chị gái, người bạn thân thiết nhất của ông qua đời ngày 14 tháng 5 năm 1847, Mendelssohn bị khủng hoảng và suy sụp hoàn toàn. Mendelssohn mất ngày 4 tháng 11 năm 1847 tại Leipzig ở tuổi 38 để lại vở oratorio Christus còn dang dở trong sự tiếc thương của toàn bộ châu Âu. Ông được chôn ở nghĩa trang Holy Cross Church ngay cạnh mộ Fanny. Trong buổi đưa tiễn ông, có một dàn hợp xướng hát các trích đoạn trong “St.Matthew Passion” của Johann Sebastian Bach.

Felix Mendelssohn là một hiện tượng rất đặc biệt trong âm nhạc lãng mạn thế kỷ XIX. Không phải chịu đựng cảnh nghèo khổ như Franz Schubert, cũng không bị bệnh tật giày vò như Robert Schumann hay phải sống xa xứ như Frederic Chopin, Mendelssohn có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho âm nhạc mà không phải chịu bất kỳ sức ép hay những lo toan đời thường nào. Cuộc đời ông cũng thanh bình như chính âm nhạc của ông vậy. Có thể nói toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Mendelssohn có nhiều nét tương đồng với Mozart trong đó nổi bật lên là sự dịu dàng và trong sáng. Những miền đất ông đã đi qua, những phong cảnh thiên nhiên mà ông yêu thích đều làm cảm xúc trong Mendelssohn tuôn trào và hình thành nên những tác phẩm xuất sắc. Trong ngôi đền dành cho những nhạc sĩ vĩ đại, Mendelssohn luôn có một chỗ đứng vững chắc bên cạnh những tên tuổi lớn như Bach, Mozart hay Beethoven.

Nguồn: nhaccodien.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét