Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Beethoven Piano Concerto 5 complete



Thời gian sáng tác: 1809
Công diễn lần đầu: 28/11/1811

Bản concerto số 5 là một trong số những tác phẩm ưu tú nhất của nghệ thuật piano và giao hưởng thế giới. Là một tác phẩm cải cách mới sâu sắc, nó có ảnh hưởng lớn đến vận mệnh tương lai của thể loại này. Quan niệm về giao hưởng hóa concerto được thể hiện một cách hoàn chỉnh trong bản concerto này. Về mức độ rộng lớn của ý đồ có thể xếp ngang hàng với những tác phẩm giao hưởng đồ sộ của Beethoven, còn về tính chất của nội dung nó tiếp cận với tuyến anh hùng ca trong sáng tác của nhạc sĩ như giao hưởng số 2, giao hưởng số 3 và giao hưởng số 7.
Quả thật là bản concerto có quy mô giao hưởng, phong phú hình tượng và phức tạp về kỹ thuật. Tuy nhiên tính chất kỹ xảo của nó không phải là ngoại hình. Được sáng tác trong thời kỳ chiến tranh Napoleon, bản concerto này phần nào gần gũi với loại "Concerto nhà binh" phổ biến lúc bấy giờ. Nhịp quân hành như khúc đồng diễn (tutti) của dàn nhạc nhà binh, những motiv xa xăm của những bài hát ca ngợi hoặc hồi hộp như trước khi ra trận, lúc tạm ngưng, tất cả những liên tưởng ấy có ý nghĩa hình tượng diễu binh ở quãng xa với tính chất long trọng lộng lẫy của hình thức diễu binh ở quảng trường của những concerto nhà binh, và đòi hỏi diễn đạt tinh thần của thời đại anh hùng, phù hợp với quan điểm nghệ thuật của tác phẩm. Còn trong tác phẩm này, không những là thời đại giông tố và huy hoàng, mà trước tiên, là con người với thế giới nội tâm của nó. Trong phương diện này đối thoại của người độc tấu và dàn nhạc được Beethoven luận giải theo cách mới. Nếu âm nhạc do dàn nhạc diễn tấu gắn liền với phạm vi ấn tượng bên ngoài, thì ở phần piano (đặc biệt trong chương I và II) nghe rõ nhân tố cá nhân, trữ tình, như thái độ người nghệ sĩ đối với những gì đang xảy ra xung quanh mình.
Ý đồ đổi mới đã được bộc lộ rõ từ đầu: mở đầu bản concerto bằng một đoạn trổ ngón (cadenza) kỹ xảo. Tiếp theo dàn nhạc giới thiệu "nhân vật thứ nhất" – chủ đề ca ngợi anh hùng. Bước quân hành cương nghị vốn có của chủ đề tạo nên mạch nhịp của toàn chương. Hình tượng thứ hai là bài ca Cách mạng vang lên ở phía xa. Và chỉ gần đến cuối phần trình bày (một cải cách mới mẻ nữa, chưa nói đến 3 chủ đề chứ không phải là 2!) mới xuất hiện chủ đề phụ, du dương, êm ái, nhưng không phát triển, cách bố cục phức tạp ấy tạo cảm giác viễn tưởng, chuyển động, phát triển, chuyển cảnh. Im lặng cho đến giờ, piano bắt đầu tham gia "hoạt động" nhờ một nét lướt, và chủ đề anh hùng ca hiện lên trong âm vang mềm mại, trữ tình. Chủ đề thứ hai – bài ca được bao phủ bằng một màn đăng ten mỏng của những âm hình của bè piano. Phần phát triển ngắn gọn và thể hiện rõ tính hợp lý của sự dồn tăng nghị lực, dẫn đến những nét lướt quãng 8 kịch tính. Đoạn trổ ngón của piano rất khác thường. Chình ở đây Beethoven, phá vỡ truyền thống, viết ra toàn bộ đoạn trổ ngón (cadenza). Hơn nữa, trong đó có một trong những chủ đề của chương I, và, cuối cùng kèn horn góp phần "tương trợ" cho người độc tấu. Chương I kết thúc vang lừng và rực rỡ.
Chương II không lớn lắm. Đó là một bài hát ca ngợi, thanh bình và trong sáng. Giai điệu du dương và mộc mạc, hoàn toàn không có chút tính chất xảo thuật gây ấn tượng mạnh nào. Bè piano đầy chất hát và trữ tình. Hầu như không có tương phản, âm nhạc rót vào chương III – khúc rondo yêu đời mang tính chất nhảy múa. Chủ đề rắn rỏi mạnh mẽ của đoạn điệp khúc (Refrain) "lên giọng" nhịp nhàng, sinh động và tươi vui. Nó tạo cho chương cuối (Final) tính năng động của phát triển và không khí tươi vui, tưng bừng ngày hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét