Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Phu nhân cố TBT Trường Chinh trong ký ức những người con

Blog5sao: Làng Hành Thiện thuộc Nam Định là một vùng đất nổi tiếng từ thời xa xưa có nhiều "đại khoa, đại quan". Tính đến hết thời Hán học (1915), làng Hành Thiện có 7 người đỗ đại khoa gồm 3 tiến sỹ và 4 phó bảng, 97 cử nhân, 248 người đỗ tú tài, có 4 vị là quan thượng thư (cấp bộ trưởng ngày nay), 8 vị là quan tuần phủ và tổng đốc (ngang cấp chủ tịch tỉnh). Dưới chế độ mới, Hành Thiện có 1 vị là cố Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trường Chinh , 1 vị là Phó Chủ tịch Quốc hội, 6 vị hàm bộ trưởng hoặc Ủy viên TW Đảng, 6 vị hàm thứ trưởng cùng 10 vị mang quân hàm thiếu tướng hoặc trung  tướng và có tới 60 nhà khoa học có học hàm Giáo sư, phó Giáo sư, trên 120 vị là TSKH và T.S. 
    Đáng chú ý, thời xưa có 4 người phụ nữ Hành Thiện được vua ban "Tiết Hạnh Khả Phong". Hành Thiện còn là quê của 2 Hoa hậu Việt Nam (Nguyễn Diệu Hoa, Nguyễn Thu Thủy) và một Á hậu Thế giới người Việt (Đặng Minh Thu).
   Blog5sao xin giới thiệu bài viết về bà Nguyễn Thị Minh (được đăng trên http://bee.net.vn/channel/1984/201105/Phu-nhan-co-TBT-Truong-Chinh-trong-ky-uc-nhung-nguoi-con-1798568/), một người phụ nữ họ Nguyễn Hành Thiện, dù là phu nhân của một lãnh đạo cao nhất của đất nước nhưng vẫn sống rất bình dị, chung thủy, hết lòng vì gia đình, như lời bà tâm sự với con cái rằng: "cả cuộc đời bà, bà hạnh phúc, mãn nguyện với cuộc hôn nhân đó và bà luôn tin rằng, mối lương duyên của bà với ông là mối lương duyên được xếp đặt từ kiếp trước".
     Bài viết này là một món quà gửi tới chị em ngày 8/3 năm nay. 
 
    BEE.NET: Trong buổi trò chuyện với PGS, TS Đặng Việt Bích, con trai cố Tổng Bí thư Trường Chinh,  và vợ anh – chị Nguyễn Ngọc Ánh, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện cảm động về phu nhân cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Chị Ánh bảo, dù bà là mẹ chồng, nhưng suốt những năm tháng chung sống, chị đã luôn biết ơn bà, bởi bà luôn dành cho chị tình yêu thương  như của một người mẹ ruột dành cho cô con gái. Điều đó, khiến gần 10 năm qua, sau khi bà mất, nhưng hình ảnh về bà vẫn nguyên vẹn trong lòng chị.

     Cuộc gặp không thể quên trong nhà tù Hỏa Lò
    Cố Tổng Bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9 tháng 2 năm 1907 ở làng Hành Thiện, Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định. Làng Hành Thiện từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất của đất nước. PGS, TS Đặng Việt Bích kể, thời đó, cùng với họ Nguyễn, họ Đặng là một trong hai dòng họ lớn nhất của làng Hành Thiện. Thân phụ cố Tổng Bí thư Trường Chinh là cụ Đặng Xuân Viện, một nhà nho có tinh thần yêu nước, nhưng không gặp thời, gặp thế. 
    Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống, lại được sự giáo dục của thân phụ nên ngay từ nhỏ, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã được làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, thơ đường, được đào tạo bài bản về văn hóa và lịch sử theo truyền thống nho học. Sau này, khi lớn lên, ông bắt đầu tiếp xúc với Tây học và theo học bậc Thành chung tại Nam Định. Ngay từ khi còn trẻ, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã ý thức rất rõ về nỗi đau của một dân tộc bị nô lệ, bị áp bức. Ông sớm tham gia các hoạt động cách mạng, trong đó nổi bật lên là phong trào đòi thả Phan Bội Châu. Chính vì việc này mà ông đã bị đuổi học, rồi sau này khi lên Hà Nội, ông mới tiếp tục theo học tại trường Cao đẳng Thương mại (trực thuộc trường Đại học Đông Dương – trường đại học hiện tại đầu tiên của Việt Nam) và tiếp tục hoạt động cách mạng.
    Cố Tổng Bí thư Trường Chinh lập gia đình với bà Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1912), người cùng làng Hành Thiện, là con gái nhà họ Nguyễn, một dòng họ có gia thế trong làng. PGS,  TS Đặng Việt Bích kể: “Ngày đó, mẹ tôi là con gái một gia đình có gia thế, giàu có. Cha tôi cũng là con của dòng họ Đặng có uy tín trong vùng. Cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi đã được sắp đặt từ khi cha mẹ tôi còn bé. Năm mẹ tôi 5 tuổi, gia đình hai bên đã đính ước, hẹn làm thông gia với nhau. Đến năm cha tôi 22 tuổi, mẹ tôi 17 tuổi, ông bà chính thức nên vợ nên chồng”.
    Tuy lấy nhau qua sự sắp đặt của gia đình, nhưng bà Nguyễn Thị Minh vẫn luôn tâm sự với con cái rằng, cả cuộc đời bà, bà hạnh phúc, mãn nguyện với cuộc hôn nhân đó và bà luôn tin rằng, mối lương duyên của bà với ông là mối lương duyên được xếp đặt từ kiếp trước.Năm 1930, ông được chỉ định vào Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến cuối năm ông bị địch bắt. Khi đó bà Nguyễn Thị Minh đang mang thai người con đầu lòng (cố GS,  TS Đặng Xuân Kỳ – pv).
    PGS, TS Đặng Việt Bích kể: “Lần đó, khi anh Kỳ mới được mấy tháng tuổi, mẹ tôi đã đưa anh tôi vào nhà tù Hỏa Lò cho cha xem mặt. Mẹ tôi đứng ngoài, cha tôi đứng trong, chẳng nhìn thấy mặt nhau. Muốn để cho cha tôi biết mặt con, mẹ tôi đưa anh Kỳ qua cái lỗ châu mai chỉ rộng vài gang tay, để cho cha tôi xem mặt. Lúc đó, tên quan Tây chứng kiến sự việc đã nói với cha tôi: Tao biết mày giỏi giang, thông minh, nhanh nhẹn. Mày lại có vợ đẹp con xinh như thế này. Mày đi theo cách mạng làm gì. Mày hãy nghe lời tao. Tao sẽ cho mày sang Pháp học, rồi trở về làm việc cho nhà nước bảo hộ. Nghe những lời của tên quan Tây, cha tôi lập tức hét lên: Lý tưởng của tao là đấu tranh chống áp bức, bóc lột, giải phóng dân tộc. Tức giận trước sự phản kháng của cha tôi, tên quan Tây đã dùng cây gậy sắt đánh vào đầu ông tóe máu, khiến ông loạng choạng, suýt đánh rơi đứa con trên tay, nên ông vội vã đưa anh tôi ra cho mẹ tôi bế. Mẹ tôi chứng kiến cảnh đó cứ khóc mãi vì thương cha”.
    Vì không chấp nhận khuất phục trước địch, nên ngay sau đó, giặc đã tuyên án ông 12 năm tù khổ sai và đưa lên nhà tù Sơn La. Khi đó nghĩ tới việc mình sống chết không biết thế nào, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói với người vợ hiền của mình: “Anh đi đợt này không biết bao giờ về, cũng không biết sống chết ra sao. Em về nhà, cố gắng chăm sóc con và tìm một người đàn ông khác để hai mẹ con nương tựa sau này”. Khi nghe chồng nói thế, bà Nguyễn Thị Minh chỉ khóc và nói: “Em quyết một lòng một dạ chờ anh trở về”. Lúc nghe những lời gan ruột đó từ người vợ hiền của mình, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã xúc động chẳng nói nên lời, ông chỉ biết nắm chặt tay bà và nhìn bà đầy yêu thương và biết ơn. Có lẽ vì cảm động trước sự hi sinh của người vợ hiền, nên sau này, dù là khi đã được tự do, hay khi đã trở thành lãnh tụ của đất nước, cố Tổng Bí thư Trường Chinh luôn luôn yêu thương và trân trọng người vợ hiền của mình.
    Chị Nguyễn Ngọc Ánh – con dâu cố Tổng Bí thư Trường Chinh và phu nhân Nguyễn Thị Minh kể: “Tôi về làm dâu khi ông cụ đã qua đời. Nhưng mẹ chồng tôi vẫn hay kể cho tôi những kỉ niệm ngày xưa. Có lần mẹ nói với tôi: đời mẹ khổ nhất, tối tăm nhất là lúc đi thăm cha con trong tù Hỏa Lò, là lúc đưa thằng  con trai đỏ hỏn qua lỗ châu mai cho cha con xem mặt. Khi đó, cha con luôn khuyên mẹ lấy chồng khác, vì sợ ông ấy khó sống sót mà trở về. Nhưng không hiểu sao khi đó mẹ vẫn luôn tin rằng, cha con là người giỏi giang, thông minh, dũng cảm, mưu trí và có nghị lực. Ông ấy nhất định sẽ vượt qua mọi nguy hiểm để trở về”. Với niềm tin đó, bà đã nuốt ngược nước mắt ôm đứa con đầu lòng còn đỏ hỏn trở về nhà, vừa chăm sóc con, vừa chăm sóc bố mẹ chồng và đợi chồng đi tù khổ sai với án 12 năm ở một chốn rừng núi heo hút.
    Ở nhà tù Sơn La những năm đó, cố Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn hăng hái gây dựng phong trào trong tù. Ông trở thành người lãnh đạo phong trào của anh em tù nhân tại nhà tù Sơn La. Chính vì thế mà thực dân Pháp luôn nghi ngờ ông là một trong những người đứng đầu phong trào cách mạng. Cho rằng vai trò của ông là quan trọng, nên năm 1936, trong cao trào dân tộc dân chủ, Pháp buộc phải thả tù binh ra. Nhưng nếu những tù binh khác được Pháp đưa xe về đến tận Hòa Bình mới bắt tự đi về, thì riêng cố Tổng Bí thư Trường Chinh, chúng lại bắt ông đi cùng một bè gỗ xuôi sông Đà. Thời đó, những xoáy nước trên con sông Đà hung dữ đã đánh chìm biết bao bè gỗ, cướp đi bao mạng người. Chính vì thế, việc bắt cố Tổng Bí thư Trường Chinh đi trên bè gỗ để xuôi về Hà Nội là ý đồ thâm độc của thực dân Pháp. Nhưng ông đã trở về bến Long Biên an toàn rồi tiếp tục xuôi về Nam Định đoàn tụ với gia đình, cha mẹ, vợ con. Ngày ông bị đi tù khổ sai, cậu con trai đầu lòng của ông mới còn đỏ hỏn. Đến ngày ông về, con trai ông đã là một cậu bé 5, 6 tuổi. Lúc bước vào nhà, nhìn thấy có một cậu bé chạy nhảy ngoài sân, ông đã hỏi cha mình: “Thưa thầy, con cái nhà ai đây ạ?”. Lúc đó cha ông bật cười, nói: “Con của bay chứ ai!”.


Người vợ đảm đang của cố Tổng Bí thư Trường Chinh
    Biết chồng đi hoạt động cách mạng, chống lại thực dân Pháp, với ước mơ dành lại độc lập cho nước nhà, nên là người vợ, bà Nguyễn Thị Minh chỉ biết âm thầm đứng sau ông, ủng hộ ông và cầu mong ông bình an. Ngày đó, ở quê nhà Nam Định, bà vẫn có thói quen đứng dệt vải và mong ngóng ông trở về. Mỗi lần nhìn thấy dáng người quen thuộc của chồng thấp thoáng ở đầu ngõ, bà mừng vô cùng khi thấy ông bình an, vô sự. Nhưng mừng đó rồi lại lo. Bởi bà hiểu, ngay ngày mai, ông lại tiếp tục ra đi, dấn thân vào những nguy hiểm mà chính bà cũng không thể tưởng tượng nổi.

 Tổng Bí thư Trường Chinh  và phu nhân
     Khi Kháng chiến toàn quốc nổ ra, các cơ quan đầu não của chính phủ đều di chuyển lên Việt Bắc. Là thành phần gia đình kháng chiến, nên gia đình cố Tổng Bí thư Trường Chinh cũng phải di tản. Cha mẹ ông được đưa vào vùng tự do ở khu 4, còn vợ ông – bà Nguyễn Thị Minh cùng hai người con được đưa lên Việt Bắc. PGS,  TS Đặng Việt Bích kể: “Những năm tháng sống ở Việt Bắc tuy vất vả, khó khăn, nhưng là những năm tháng thật sự hạnh phúc. Bởi những năm tháng đó, gia đình tôi được sống cạnh nhau, được cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn. Thời mới lên, việc mua bán giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm còn chưa khó khăn thì việc ăn uống còn thoải mái. Nhưng sau này, địch dần thắt chặt việc trao đổi mua bán, khiến có nhiều lúc chúng tôi phải ăn ngô, ăn sắn, củ mài. Vất vả thế, nhưng chúng tôi vẫn thấy vô cùng hạnh phúc. Thời đó mọi thứ đều thiếu thốn, nhưng không hiểu tại sao mẹ tôi luôn chăm sóc tôi một cách chu đáo, cẩn thận. Bà kiếm được cho tôi một cái mũ nồi và cả một cái áo len để chống lại cái giá lạnh của mùa đông ở Việt Bắc. Biết cha tôi còn bận lo việc nước, mẹ tôi đã đứng phía sau, chăm sóc con cái chu toàn, để cha tôi có thể yên lòng. Mẹ tôi sinh em trai út của chúng tôi vào năm 1950 tại Việt Bắc. Năm đó, khi sinh em, cha mẹ đã đặt tên em là Việt Bắc, để kỉ niệm những năm tháng sống ở chiến khu.
    Bận rộn việc nước, nhưng cha tôi vẫn dành thời gian kể chuyện cổ tích, chuyện dân gian ngày xưa cho chúng tôi nghe từ chuyện Thánh Gióng, đến chuyện Thạch Sanh, sự tích các Vua Hùng, chúng tôi đều được biết qua những lời kể của cha. Qua những câu chuyện đó, ông đã kín đáo dạy cho chúng tôi những bài học về lòng yêu nước, ý thức về độc lập, chủ quyền và tinh thần dân tộc. Ngày đó, tôi, mẹ và chị gái vẫn phải ăng riêng. Cha tôi thì ăn theo chế độ khác. Nhưng buổi tối, cha thường cho tôi lên ngủ cùng ông. Tôi nhớ ông thường làm việc cặm cụi đến quá nửa đêm mới đi ngủ. Thỉnh thoảng có vấn đề gì lo lắng, ông lại trầm ngâm suy nghĩ. Sau năm 1954, trở về Hà Nội, gia đình tôi mới được sống chung trong một mái nhà, được ăn chung mâm cơm. Tôi nhớ mẹ tôi nấu ăn rất khéo. Bà thường nấu các món rất ngon để cho cha tôi và chúng tôi ăn. Có thời gian, mẹ tôi còn đi học y tá để về chăm sóc sức khỏe cho cha tôi. Nhưng sau này, Trung ương cử một người khác chăm sóc sức khỏe cho cha, mẹ lại đứng đằng sau, chăm sóc cha từ những thứ nhỏ nhất mà ông cần.
    Cha tôi lúc nào cũng cảm động trước những sự hi sinh và tình cảm mà mẹ tôi dành cho ông. Vì thế với bà, ông lúc nào cũng yêu thương, ân cần và hết mực dịu dàng. Cha mẹ tôi sống với nhau hạnh phúc, đến tận ngày cha tôi ra đi – ngày 30/9/1988. Sau ngày cha mất, mẹ tôi hụt hẫng suốt một thời gian dài, mới lấy lại được sự cân bằng”.

     Người mẹ hiền trong mắt con dâu
    Chị Nguyễn Ngọc Ánh – vợ anh Đặng Việt Bích kể, chị là con gái miền Nam, quê tận Vĩnh Long, ra Hà Nội học mà tình cờ quen biết và nên duyên với anh Đặng Việt Bích. Chị kể: “Chúng tôi đến với nhau khi cả hai đều đã trải qua một cuộc hôn nhân. Ngày mới quen nhau, được anh Bích mời về nhà  chơi, tôi sợ lắm. Bởi nghĩ gia đình mình tuy là gia đình cách mạng, nhưng xuất thân bình thường. Nên khi bảo đến chơi và “ra mắt” một gia đình lãnh tụ như thế, tôi lo lắng vô cùng. Nhưng tôi nhớ lần đầu tiên tôi đến chơi nhà – khi đó vẫn còn ở số 3 Nguyễn Cảnh Chân, mẹ đón tôi và nhìn tôi đầy trìu mến, hiền từ. Mẹ hỏi tuổi tôi, hỏi chuyện gia đình tôi, nói chuyện với tôi một lúc lâu rồi bảo: con bé này nó hợp tuổi tôi, hợp tính tôi. Sau này sau khi học xong, tôi trở  về miền Nam công tác, vẫn băn khoăn chưa dứt khoát chuyện với anh Bích. Nên thời gian đó, mẹ động viên anh Bích tuần nào cũng phải viết thư cho tôi, vì sợ tôi đổi ý.
    Ngày đó, bạn bè, đồng nghiệp của tôi ở Vĩnh Long khi nghe tôi có ý định lấy chồng miền Bắc, lại làm dâu trong một gia đình có gia thế như thế, tất cả đều can ngăn quyết liệt. Ngày cưới tôi, nhiều đồng nghiệp của tôi cứ khóc lên khóc xuống. Ai cũng lo tôi là người miền Nam, ra ngoài này không hợp với lối sống miền Bắc, lại làm dâu gia đình lãnh tụ, thì khó làm vừa lòng nhà chồng. Nhưng rồi sau này, từ lúc về làm dâu cho đến tận bây giờ, mười mấy năm đã qua đi, tôi vẫn luôn thấy mình may mắn và hạnh phúc, vì chưa bao giờ trải qua một ngày “làm dâu”, bởi mẹ và các anh chị trong gia đình đã luôn yêu thương tôi hết lòng.

    Đêm đầu tiên sau đám cưới, mẹ không cho tôi ngủ cùng anh Bích mà cho kêu tôi ngủ cùng mẹ. Đêm đó, thấy tôi khóc vì nhớ nhà, mẹ vừa ngồi chải tóc, gỡ tóc cho tôi, vừa an ủi tôi. Mẹ bảo: con yên tâm. Con ra ngoài này đã có chồng con, đã có mẹ, đã có các anh chị. Gia đình sẽ đối xử tốt với con, sẽ yêu thương con. Hình ảnh mẹ chải tóc cho tôi đêm đó, đến giờ tôi vẫn nhớ và vẫn thấy cảm động. Từ giây phút đó, tôi hiểu và tôi tin chắc mình sẽ sống hạnh phúc dưới ngôi nhà này.

    Tiếng là đi làm dâu, nhưng tôi chưa một ngày nào phải “làm dâu”. Những ngày đầu về nhà, tôi đòi dọn dẹp nhà cửa, đi chợ nấu cơm, giặt giũ quần áo, mẹ đều không cho làm. Mẹ bảo: Mẹ chỉ cần con sống vui vẻ và hạnh phúc là mẹ mừng rồi. Tôi chưa thấy ai chiều con dâu như mẹ. Đêm đầu tiên sau khi cưới, mẹ chải tóc cho tôi. Đến tận sau này, sau nhiều năm làm dâu, mẹ vẫn giữ thói quen đó. Mẹ thường ngồi chải tóc cho tôi trước khi tôi lên lớp dạy, tết tóc tôi thành từng bím nhỏ. Tay mẹ yếu, nên bím tóc mẹ thắt thường nhanh lỏng. Có hôm lên lớp, học trò thấy bím tóc thắt lỏng, xổ tung ra, nằng nặc đòi tết lại cho tôi, nhưng tôi kiên quyết không cho, bởi những bím tóc đó, với tôi, là tình cảm thiêng liêng của mẹ.
    Ra ngoài Bắc, cứ có thời gian là mẹ dẫn tôi đi giới thiệu với mọi người, giới thiệu tôi là con dâu của mẹ. Mỗi lần chồng tôi đi nước ngoài, mẹ đều gọi tôi sang ngủ cùng, rồi kể cho tôi những kỉ niệm ngày xưa của ba mẹ. Tôi nghe những câu chuyện đó mà xúc động vô cùng. Xúc động nhất là tình yêu tha thiết và tôn thờ mà mẹ dành cho ba. Mẹ vẫn thường ngắm ảnh ba rồi nói với tôi: “Con thấy không, ba con phong độ, uy nghiêm lắm. Nên ngày xưa, mẹ luôn tin ba con sẽ vượt qua bất cứ nguy hiểm nào”. Sống trong tình cảm và sự yêu thương của mẹ và các anh chị em trong gia đình, tôi dần quên rằng mình đang làm dâu, mà luôn nghĩ mình như con gái ruột của mẹ. Mẹ chiều tôi như chiều con gái. Đi đâu thấy cái gì đẹp cũng mua về làm quà tặng tôi. Thỉnh thoảng như sợ tôi không có tiền tiêu, mẹ lại dúi cho tôi vài trăm nghìn. Ngày tôi mới ra, thấy tôi hay buồn khóc vì nhớ nhà và nhớ con nhỏ ở trong Nam, mẹ lại rủ rỉ rù rì nói chuyện với tôi, bảo tôi đừng buồn. Mẹ bảo mẹ sẽ nhờ người đưa các con tôi ra đây, để tôi được đoàn tụ với con. Điều đó khiến tôi vô cùng cảm động.
    Mẹ tôi là người sống đơn giản. Bà ăn uống giản dị, không cầu kì và không có thói quen dùng đồ trang sức. Trang sức duy nhất của bà là chiếc nhẫn ba tôi tặng, mẹ giữ như một kỉ vật quý báu. Có lần vào trong Nam, chơi nhà em Việt Bắc, mẹ làm rơi mất nó, tìm hoài không thấy. Mẹ buồn suốt mấy tháng trời, lúc nào cũng thẫn thờ, buồn bã. Thương mẹ quá, nên khi vào đó, tôi lại bỏ công đi tìm và may thay thấy chiếc nhẫn kỉ vật đó. Lúc đó mẹ ôm tôi, xúc động vô cùng, vì tìm lại được chiếc nhẫn, kỷ vật vô giá đối với bà.
    Khi mẹ còn sống, đi đâu mẹ cũng ôm theo một chiếc hộp nhỏ. Tôi cứ nghĩ mẹ cất gì quý báu trong đó. Nhưng sau này khi mẹ mất, mở chiếc hộp đó ra, tôi chỉ thấy một tấm ảnh mẹ chụp với ba, một tấm ảnh mẹ chụp với tôi và vài thứ đồ kỷ vật khác. Lúc đó, thấu hiểu thực sự tình cảm của mẹ, tôi đã ứa nước mắt vì thương mẹ và xúc động trước tình yêu thương của mẹ.
     Những ngày cuối đời, dường như linh tính mách bảo mẹ, nên mẹ gọi tôi lại, đưa cho tôi hết chìa khóa các tủ, dặn dò tôi đủ kiểu. Mấy ngày sau nhập viện, người mệt nhọc, người khác chạm vào là mẹ khó chịu, nhưng khi tôi đến, chăm sóc, đút cho mẹ từng miếng cháo, bóp chân, bóp tay cho mẹ, là mẹ nằm yên, gương mặt thư thái,  nhẹ nhàng. Tôi chỉ là con dâu của mẹ và sống với mẹ vài năm trời, cho đến ngày mẹ mất. Nhưng với tôi, mẹ như người mẹ ruột hiền từ của mình. Nhờ có mẹ, nên dù làm dâu trong gia đình gia thế như thế này, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình lạc lõng. Điều đó khiến tôi mãi mãi biết ơn mẹ đến hết đời.

(Bình Nguyên/Đang Yêu - Ghi theo lời kể của vợ chồng PGS, TS Đặng Việt Bích – con trai cố TBT Trường Chinh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét